Chiều 24/4, người thân và rất nhiều đồng nghiệp tới tiễn đưa nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm về nơi an nghỉ cuối cùng.
Lễ viếng nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm bắt đầu từ 14h30, lễ truy điệu diễn ra lúc 15h15 ngày 24/4 tại Nhà tang lễ 125 Phùng Hưng; hoả táng tại Đài Hoá thân Hoàn Vũ, Văn Điển, Thanh Trì, Hà Nội.
Trước đó, nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm đột ngột qua đời chiều 20/4 tại nhà riêng, hưởng thọ 69 tuổi. Trong tang lễ, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia sẻ về sự ra đi của tác giả bài Chiếc lá đầu tiên: "Hôm đó, ông nhận lời giao lưu với một đơn vị công binh ở Ninh Bình nhưng thấy trong người mệt khác thường, ông xin hoãn không tham gia được nữa.Vào lúc 15h17, ông nhắn tin cho con trai rằng thấy trong người không được khỏe nhưng lại dặn con không lo lắng nhiều.
Cuối giờ chiều nhiều người gọi điện thoại vào máy của ông, chuông đổ, chuông đổ hoài nhưng ông không trả lời. Khi con trai đẩy cửa bước vào phòng ông, thấy ông đang ngồi xếp vòng tròn. Ông ra đi như một thiền sư".
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều xúc động chia sẻ thêm: "Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm rời bỏ chúng ta và một chiều cuối xuân, trong căn phong bộn bề sách cùng rất nhiều công việc và dự định sáng tạo còn dang dở, dành giấc mơ đẹp đẽ của ông về con người tràn ngập thế gian".
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều bần thần khi tới tiễn đưa cố nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm. |
Theo Nguyễn Quang Thiều, Hoàng Nhuận Cầm là "một thi sĩ tài năng, một thi sĩ đích thực, suốt đời tận tụy dâng hiến cho thi ca". Ông nói: "Khi gặp, không ai nghĩ Hoàng Nhuận Cầm gần 70 tuổi và mang trong mình căn bệnh chết người - bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, bởi mỗi lần gặp ông, nghe ông, ngắm nhìn ông, ta thấy ông trẻ trung, lạc quan, ngập tràn tinh thần thi ca với những câu thơ bất cứ lúc nào cũng có thể bùng cháy".
PGS. TS. Nguyễn Thế Kỷ, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương viết trong sổ tang, tiễn đưa nhà thơ tài hoa Hoàng Nhuận Cầm. |
Trong sự nghiệp sáng tác suốt hơn 50 năm, nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm có nhiều bài thơ viết về người lính và về tình yêu. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đánh giá: "Thơ của ông viết về đồng đội, về hậu phương và những người lính tri thức, không vấn vương lên đường ra trận, sẵn sàng đi vào cõi chết như một lẽ sống. Những câu thơ da diết, đau đớn và kiêu hãnh của ông đủ dựng nên một thế hệ những chàng trai đi vào mặt trận trong sáng, đẹp đẻ và quả cảm biết dường nào.
Thơ ông viết về tình yêu trong trẻo, say đắm và mãnh liệt, làm rung động con tim bao thế hệ. Nhiều bài thơ của ông trở thành những bản tình ca. Càng về sau thơ ông càng đẹp, càng sang trọng và càng ngân vang với những suy ngẫm sâu xa về thân phận con người và những giấc mơ lớn lao về con người. Bằng sự lạc quan, ông viết thơ về cái chết thật thanh thản, phải chăng, ông xác định được sự hữu hạn, sự mong manh của kiếp người, để luôn cháy hết mình cho thi ca, cho nghệ thuật".
Bên cạnh sự nghiệp thơ ca, nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm còn làm biên kịch, diễn viên, nhà phê bình điện ảnh. Ông từng viết kịch bản các phim: Đêm hội Long Trì, Hà Nội - Mùa đông năm 1946, Mùi cỏ cháy...Theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm từng chia sẻ ông mê thơ tới chết và say điện ảnh phát mệt. Thơ ca và điện ảnh tạo thành tình yêu cuộc sống của ông.
Tiến sĩ văn học Đoàn Hương nhìn mặt nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm lần cuối. |
Sau khi đánh giá về sự nghiệp của nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều còn chia sẻ thêm về cuộc sống riêng của ông: "Cuộc sống đời thường của nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm nhiều thăng trầm. Ông trải qua những cuộc hôn nhân không trọn vẹn. Ông có một con gái, ba con trai. Ông là người cha tận tụy, yêu thương con vô bờ. Một trong những tình yêu lớn ông chuyển tài cho các con là tình yêu nghệ thuật. Ông hết lòng chăm lo cho mọi người nhưng lại không biết chăm lo cho bản thân mình. Ông sống giản dị, tằn tiện, hết lòng với thi ca".
Nhà văn, nhà thơ Hữu Ước chia buồn cùng gia đình nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm. |
Trong sổ tang, cựu sinh viên Khoa Ngữ văn, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn thể hiện sự thương tiếc trước sự ra đi của nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm. Ông viết: "Thương tiếc anh, một nhà thơ có dấu ấn đặc biệt trong thi ca của thế kỷ XX, bởi phong cách thơ, hồn thơ và tình yêu đời, yêu người. Thơ anh làm cho tâm hồn người đọc trẻ trung hơn, sâu lắng hơn và tinh tế hơn. Nay anh tạm biệt cõi nhân gian, phiêu về cõi không có không gian và thời gian nữa nhưng thơ anh còn mãi và mãi được yêu quý ở chốn thời gian vẫn trôi này".
Đồng nghiệp cúi đầu tiễn đưa nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm. |
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương viết trong sổ tang, tiễn đưa nhà thơ tài hoa Hoàng Nhuận Cầm - một trong những khách mời quen thuộc trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam: "Đài Tiếng nói Việt Nam rất thương tiếc nhà thơ, nhà biên kịch tài hoa Hoàng Nhuận Cầm. Công chúng yêu văn học, nghệ thuật cả nước từ hàng chục năm nay đã yêu quý, ngưỡng mộ, biết ơn nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm về những bài thơ tràn đầy tình yêu đất nước, quê hương, tình yêu lứa đôi, yêu thương con người. Hoàng Nhuận Cầm đã thắp lên trong họ ngọn lửa thi ca cháy sáng.
Phần lớn những bài thơ đó được phát sóng trên Đài Tiếng nói Việt Nam, trên các trang báo in, điện tử, ấn phẩm, chương trình của Đài. Mấy năm gần đây, các chương trình mới Khách đến chơi nhà, Đôi bạn văn chương lại có thêm sắc thái mới, sức hấp dẫn và lay động mới. Công chúng của Đài được nghe, đọc, xem Hoàng Nhuận Cầm qua các tác phẩm văn học, điện ảnh đầy chất thơ, chất lính, chất Hoàng Nhuận Cầm. Khó có thể diễn đạt sự ngưỡng mộ, biết ơn, tiếc thương nghệ sĩ Hoàng Nhuận Cầm, anh Hoàng Nhuận Cầm, đồng môn Khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp. Anh thanh thản ra đi nhé, mãi yêu anh và tự hào về anh".
Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm sinh năm 1952 tại Hà Nội. Ông là con đầu lòng của nhạc sĩ Hoàng Giác. Nhiều bài thơ của Hoàng Nhuận Cầm mà phần lớn là thơ tình được các bạn đọc trẻ tuổi, đặc biệt là học sinh, sinh viên yêu thích vì nó gắn với những kỷ niệm của tuổi trẻ, tình yêu với một giọng thơ trẻ trung, sôi nổi. Các tác phẩm tiêu biểu của ông như: Chiếc lá buổi đầu tiên, Vào mặt trận lúc mùa ve đang kêu, Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến, Viên xúc xắc mùa thu,...
Ngoài thơ ca, ông còn viết kịch bản phim. Ông là tác giả kịch bản của rất nhiều bộ phim nổi tiếng như: Đêm hội Long Trì, Hà Nội - Mùa đông năm 1946, Mùi cỏ cháy...Ông cũng tham gia diễn xuất với vai Bác sĩ Hoa Súng trong chương trình Gặp nhau cuối tuần và vai nhà thơ trong phim Số đỏ.
Ông từng đoạt các giải thưởng:Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật; Giải nhất cuộc thi thơ của báo Văn Nghệ năm 1972 - 1973; Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam; Giải Cánh Diều vàng năm 2011 của Hội Điện ảnh Việt Nam cho kịch bản phim Mùi có cháy...