Theo Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Đào Ngọc Dung, dành tới 38.000 tỷ đồng để hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động là quyết định chưa có tiền lệ. Đây là chính sách rất kịp thời, thiết thực, tiếp sức cho doanh nghiệp và người lao động vượt đại dịch.
Người lao động phấn khởi khoe khoản tiền hỗ trợ nhận được từ gói 38.000 tỷ đồng |
Hoàn thành giảm mức đóng chỉ trong 5 ngày
Vừa qua, trên cơ sở đề xuất của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí về việc sử dụng một phần kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp năm 2020 để hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động đang tham gia đóng bảo hiểm thất nghiệp, tổng trị giá của gói hỗ trợ 38.000 tỷ đồng. Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, chính sách hỗ trợ trực tiếp từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp lần này là điều chưa có tiền lệ. Dù số tiền hỗ trợ không lớn, nhưng đối với nhiều công nhân lao động, đó cũng là khoản tiền đáng quý, giúp họ trang trải cuộc sống giữa lúc khó khăn này.
Thông tin về việc triển khai chính sách, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho hay, gói hỗ trợ 38.000 tỷ đồng được triển khai trên tinh thần “đơn giản, thuận lợi, nhanh nhất và chính xác nhất”. Theo đó, Việt Nam có khoảng 13 triệu người lao động được hưởng mức hỗ trợ từ 1,8 triệu đến 3,3 triệu đồng/người tùy vào mức đóng; hơn 380 nghìn doanh nghiệp được giảm mức đóng từ 1% xuống 0% vào quỹ Bảo hiểm thất nghiệp trong vòng 12 tháng. Để thuận lợi cho doanh nghiệp và người lao động, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã chỉ đạo bổ sung các dịch vụ công trên cổng dịch vụ công của ngành và trên ứng dụng VssID; bổ sung quy trình xử lý hồ sơ điện tử, hồ sơ giấy trên phần mềm tiếp nhận hồ sơ. Nhờ có hệ thống dữ liệu tập trung và việc đơn giản tối đa về thủ tục hành chính, cơ quan Bảo hiểm xã hội các cấp đã trực tiếp xử lý các thủ tục và hoàn tất việc giảm đóng vào quỹ Bảo hiểm thất nghiệp chỉ trong vòng 5 ngày.
Bày tỏ vui mừng khi doanh nghiệp được giảm tỷ lệ đóng vào quỹ Bảo hiểm thất nghiệp ông Nguyễn Thượng Thuyết - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Sabre Việt Nam đánh giá cao nỗ lực cải cách thủ tục hành chính của ngành Bảo hiểm xã hội, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người lao động. Sabre Việt Nam là đơn vị thành viên của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam. Không nằm ngoài khó khăn của ngành, những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 khiến công ty bị ảnh hưởng rất nhiều, kinh doanh bị thu hẹp, doanh thu giảm mạnh, một số lao động phải nghỉ việc không lương, nghỉ làm. Việc giảm tỷ lệ đóng bảo hiểm thất nghiệp từ 1% xuống còn 0% giúp cho doanh nghiệp giảm tải được gánh nặng chi phí, bảo tồn được phần nào dòng tiền để duy trì sản xuất kinh doanh, tiếp tục tạo việc làm mới cho người lao động và phòng chống dịch bệnh.
Bất ngờ thấy tiền về tài khoản
Với chính sách hỗ trợ người lao động bằng tiền mặt, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Lê Hùng Sơn cho biết, cơ quan bảo hiểm xã hội triển khai qua 2 hình thức. Thứ nhất, đơn vị sử dụng lao động cung cấp danh sách người lao động đã nghỉ việc từ ngày 1-1-2020 đến hết ngày 30-9-2021 có nhu cầu nhận hỗ trợ kèm số tài khoản cá nhân của từng người. Theo danh sách này, cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ đối chiếu với dữ liệu người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp mà bảo hiểm xã hội quản lý để chi trả tiền hỗ trợ cho từng người qua tài khoản, không chi trả qua doanh nghiệp. Đối với nhóm người lao động muốn nhận hỗ trợ nhưng không qua danh sách của doanh nghiệp có thể tới trực tiếp cơ quan bảo hiểm xã hội cấp quận/huyện ở bất kể đâu gần nhất, không phân biệt địa giới hành chính.
Để sớm giải ngân gói hỗ trợ đến tay người lao động, Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Hòa cho biết, cơ quan này đã huy động nhân lực, tập trung cao độ làm việc cả ngày thứ bảy và Chủ nhật phối hợp rà soát thông tin với trách nhiệm cao để bảo đảm người lao động nhận được hỗ trợ một cách nhanh chóng, kịp thời nhất.
Là một trong những lao động đầu tiên tại Hà Nội nhận được hỗ trợ từ gói 38.000 tỷ đồng, chị Nguyễn Thị Hồng Loan - công nhân tại Tổng Công ty May 10 chia sẻ: “Thấy tin nhắn tiền hỗ trợ về tài khoản, tôi rất vui và bất ngờ. Tôi không nghĩ có tiền hỗ trợ nhanh như thế. Đúng lúc khó khăn thế này, chúng tôi rất phấn khởi vì sự quan tâm kịp thời. Không biết nói gì hơn thật sự biết ơn Nhà nước đã có chế độ, chính sách động viên, khích lệ người lao động như chúng tôi… đặc biệt là cơ quan Bảo hiểm xã hội đã chi trả rất nhanh chóng, kịp thời cho người lao động”.
Khoảng 13 triệu người lao động được hưởng mức hỗ trợ từ 1,8 triệu đến 3,3 triệu đồng/người |
Khẳng định tính minh bạch, hiệu quả, an toàn
Liên quan đến việc sử dụng 38.000 tỷ đồng từ nguồn kết dư quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động, dư luận xã hội có ý kiến băn khoăn liệu có ảnh hưởng tới tính an toàn và hoạt động lâu dài của quỹ hay không? Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, số tiền kết dư của quỹ Bảo hiểm thất nghiệp đến nay có hơn 90.000 tỷ đồng. Trước khi quyết định mức hỗ trợ gắn với chính sách bảo hiểm thất nghiệp, Quốc hội và Chính phủ cũng đã xem xét rất kỹ đến khả năng cân đối quỹ trong dài hạn. Gói hỗ trợ lần này đã tiếp tục khẳng định quỹ Bảo hiểm thất nghiệp được quản lý và sử dụng đảm bảo an toàn hiệu quả, minh bạch, thể hiện rõ bản chất nhân văn của chính sách bảo hiểm thất nghiệp.
Đánh giá về tính nhân văn của chính sách, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho hay, gói hỗ trợ trị giá 38.000 tỷ đồng đã thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự vận dụng sáng tạo, linh hoạt các chính sách của Chính phủ và Quốc hội, qua đó củng cố, tăng cường niềm tin của người lao động và doanh nghiệp đối với Đảng, Nhà nước. Nghị quyết 116/NQ-CP của Chính phủ đặt ra nhiều nguyên tắc cho quá trình tổ chức thực hiện, đặc biệt là yêu cầu triển khai kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch và hiệu quả. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã và đang chỉ đạo các cấp công đoàn đẩy mạnh công tác phổ biến, tuyên truyền nội dung chính sách đến tất cả đoàn viên công nhân lao động, giúp người lao động nhận thức rõ quyền của mình đối với chính sách. Trong quá trình thực hiện Nghị quyết và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan chức năng tiến hành các hoạt động giám sát thực hiện Nghị quyết.
Trong đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chú trọng việc phát huy vai trò chủ động, tích cực của công đoàn cơ sở trong việc phối hợp với người sử dụng lao động thực hiện các thủ tục để người lao động được hưởng chế độ hỗ trợ; giám sát thực hiện chính sách tại doanh nghiệp; phản ánh những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện để kịp thời tháo gỡ, đảm bảo chế độ chính sách đến với người lao động trong thời gian sớm nhất.
Người lao động ngồi nhà vẫn có thể nộp hồ sơ nhận hỗ trợ từ gói 38.000 tỷ đồng
Để tiến hành nộp hồ sơ hưởng tiền hỗ trợ covid-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) thông qua Cổng dịch vụ công của ... |
Mất bao lâu để người lao động nhận hỗ trợ từ gói 38.000 tỷ?
Ngày 1/10, Phó thủ tướng Lê Minh Khái ký Quyết định số 28 về việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và ... |