Cụ bà Setsuko Thurlow, người sống sót sau vụ Mỹ ném 2 quả bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki năm 1945 đã lên nhận giải thưởng Nobel Hòa bình năm 2017.
Trong buổi lễ trao giải Nobel Hòa bình tại Oslo (Na Uy) ngày hôm nay, nhiều nạn nhân sống sót sau vụ Mỹ ném 2 quả bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki năm 1945 đã tham dự. Nhưng người đứng lên nhận giải Nobel năm nay là cụ bà người Nhật Bản Setsuko Thurlow (85 tuổi), Đại sứ Thiện chí và là người đại diện của ICAN, chiến dịch được vinh danh giải thưởng Nobel Hòa bình năm 2017.
Cụ bà Setsuko Thurlow đại diện tổ chức ICAN nhận giải Nobel hòa bình 2017.
Theo chia sẻ trước đó của Chủ tịch Ủy ban trao giải Nobel, Berit Reiss-Andersen, ICAN được vinh danh vì những đóng góp trong việc “làm nổi bật những hậu quả nghiêm trọng của vũ khí hạt nhân và những nỗ lực mang tính đột phá của chiến dịch đối với việc xóa bỏ các loại vũ khí này”.
Bà Setsuko Thurlow hiện đang sống tại Canada song bà chính là một trong những nạn nhân sống sót sau vụ ném bom nguyên tử ở Hiroshima.
“Tôi nhớ in ngày định mệnh của nước Nhật. Một tia sáng màu xanh chớp lòe trên bầu trời. Tôi khi đó đã bị thổi bay trong không khí. Tỉnh dậy, tôi bị mắc kẹt dưới đống đổ nát của tòa nhà cùng hàng chục người khác. Hiroshima bị phá hủy chìm trong im lặng. Không ai hét lên, không ai vùng chạy mà chỉ có tiếng rên rỉ cầu xin nước uống”, bà Setsuko Thurlow chia sẻ.
Khi vụ ném bom chấn động diễn ra, bà Setsuko Thurlow mới 13 tuổi. “Khi nhìn thấy những chớp trắng xanh ngoài cửa sổ, tôi đang ở trụ sở quân đội thay vì trường học. Tôi đã không hốt hoảng. Tôi bình tĩnh đối mặt với cái chết”, bà Setsuko Thurlow từng chia sẻ trước đó.
Là Đại sứ Thiện chí của ICAN, bà Setsuko từng nhiều lần chia sẻ câu chuyện đau thương của mình với học sinh, các nhà ngoại giao, các tổ chức.
Tại chuyến thăm thành phố Hiroshima của cựu Tổng thống Mỹ Obama, bà Thurlow đã chia sẻ suy nghĩ của mình: “Nếu Tổng thống Mỹ chọn cách xin lỗi, tôi nghĩ điều đó thích hợp. Nếu chọn không xin lỗi, điều đó có thể hiểu được nếu xét tình hình chính trị Mỹ”.
Kể ra câu chuyện đau thương của mình, bà Thurlow hy vọng sẽ nâng cao nhận thức về sự khủng khiếp của chiến tranh hạt nhân và tính cấp thiết trong việc hạn chế sự gia tăng vũ khí hủy diệt hàng loạt.
"Tôi luôn nhắc nhớ về những ký ức đau đớn để những người chưa bao giờ trải qua cảnh tàn phá khốc liệt như vậy có thể hiểu ..., để chúng ta cùng nhau ngăn chặn điều đó lập lại", bà Setsuko cho biết.
Theo ước tính, 140.000 người dân Hiroshima đã chết bởi vụ nổ cũng như bởi hậu quả của nó. Số người thiệt mạng ở Nagasaki là 74.000. Ở cả hai thành phố, phần lớn người chết là thường dân.
Vì sao Đại sứ Mỹ, Anh, Pháp không dự trao giải Nobel?
Các cường quốc hạt nhân là Anh, Pháp và Mỹ sẽ không cử Đại sứ tham dự lễ trao giải Nobel Hòa bình diễn ra ... |
Nobel Hòa bình cho chiến dịch bãi bỏ vũ khí hạt nhân
Chiều ngày 6/10 (giờ HN), Ủy ban Nobel Na Uy đã công bố chủ nhân giải Nobel Hòa bình 2017, một trong những giải thưởng ... |