Cuộc đụng độ tại Đường kiểm soát thực tế trên biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ đang được giới phân tích mổ xẻ xem đây có đơn thuần là tranh chấp lãnh thổ, hay là cuộc đối đầu mang tính chiến lược nhằm giành ảnh hưởng trên quy mô toàn cầu.
Hiện hình một cuộc cạnh tranh quyền lực
Theo Mạng phân tích thông tin tình báo chiến lược Stratfor của Mỹ, khi thế giới bước sang thập kỷ thứ hai của thế kỷ 21, một cuộc cạnh tranh quyền lực bắt đầu hiện hình giữa Ấn Độ và Trung Quốc, hai gã khổng lồ của châu Á về lãnh thổ, dân số và sự phong phú của các nền văn hóa.
Thành công của hơn 4 thập kỷ cải cách, mở cửa đã đem lại sức mạnh và vị thế để Trung Quốc tham gia sâu hơn vào cuộc chơi của nước lớn tầm toàn cầu. Mục tiêu đó được thực hiện thông qua chiến lược “Sáng kiến vành đai và con đường”, một dự án đầy tham vọng dựa trên ý tưởng hồi sinh “Con đường tơ lụa” từng kết nối Trung Quốc với Trung Á, châu Âu và xa hơn nữa.
Được công bố vào năm 2013 và nhanh chóng đưa vào Điều lệ Đảng Cộng sản Trung Quốc, “Sáng kiến vành đai và con đường” (BRI) đã trở thành chiến lược đối ngoại quan trọng của Trung Quốc. Đằng sau khẩu hiệu “Xây dựng một cộng đồng chung vận mệnh” là tham vọng chiến lược mang tầm toàn cầu của Trung Quốc. Bằng việc kết nối với các nước châu Á, châu Âu và châu Phi thông qua mạng lưới đường cao tốc, đường sắt, cảng biển, nhà máy năng lượng cùng các dự án hạ tầng khác, Trung Quốc hy vọng sẽ mở rộng ảnh hưởng chính trị và hiện diện quân sự của nước này.
Đến nay, BRI đã được triển khai với 174 văn kiện hợp tác ký kết với 126 quốc gia và 29 tổ chức quốc tế. Từ ưu tiên lúc đầu là các nước láng giềng và các quốc gia dọc tuyến BRI (6 trục hành lang kinh tế và con đường tơ lụa trên biển), giờ đây, BRI đã mở rộng phạm vi ra các khu vực xa hơn, hướng tới châu Phi, Mỹ Latinh, Nam Thái Bình Dương… Châu Phi hiện là lục địa có số lượng đối tác tham gia nhiều nhất trong BRI (37 nước) so với châu Á (36 nước).
Khỏi phải nói BRI khiến Ấn Độ lo ngại thế nào. Các dự án tăng cường cảng biển tại Pakistan, Sri Lanka, Bangladesh, Myanmar đang khiến ảnh hưởng của Trung Quốc tràn vào tiểu lục địa Ấn Độ mở rộng, nơi vốn được coi như “sân sau” của Ấn Độ. Các nhà nghiên cứu đã phân tích và chỉ ra rằng, 15 dự án cảng biển do Trung Quốc cấp vốn ở Bangladesh, Sri Lanka, Campuchia, Oman, Malaysia, Indonesia, Djibouti và những quốc gia khác ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương dường như để tạo ra ảnh hưởng chính trị, từng bước mở rộng hiện diện quân sự của Trung Quốc trong khu vực.
Chiến lược đi tìm đối trọng ở phía Đông
Theo lẽ tự nhiên, Trung Quốc và Ấn Độ rơi vào cuộc cạnh tranh quyết liệt vai trò và ảnh hưởng. New Delhi chỉ trích “Sáng kiến vành đai và con đường”, đồng thời kêu gọi từ bỏ các mô hình cũ dựa trên trò chơi quyền lực ngoại giao và đối địch. Ấn Độ tuyên bố không thể chấp nhận một dự án xâm phạm chủ quyền của mình, bởi một trong các dự án của BRI chạy qua khu vực Kashmir đang tranh chấp giữa Ấn Độ và Pakistan. New Delhi cũng cảnh báo sự nguy hiểm của gánh nặng nợ nần với các nước tham gia kế hoạch “Con đường tơ lụa” bằng các khoản tiền vay của ngân hàng Trung Quốc.
Để đối trọng với “Sáng kiến vành đai và con đường”, Ấn Độ triển khai “Chính sách hướng Đông” nhằm đưa nước này trở thành một cường quốc kinh tế và quân sự, không chỉ ở khu vực châu Á, mà còn trên phạm vi toàn thế giới. Trước mắt, chính sách này tập trung xây dựng và mở rộng ảnh hưởng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cạnh tranh và kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc tại Đông Á và Nam Á, nhất là Ấn Độ Dương - khu vực ảnh hưởng truyền thống của Ấn Độ.
Từ năm 2014, “Chính sách hướng Đông” được nâng tầm thành “Hành động hướng Đông”. Sự điều chỉnh này thể hiện qua một loạt những sự kiện, như: Ấn Độ quyết định đưa quan hệ với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lên tầm đối tác chiến lược; quan hệ đối tác chiến lược Ấn Độ - Nhật Bản được nâng lên một cấp độ hoàn toàn mới, nhấn mạnh vào tầm quan trọng của sự hợp tác Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương; ủng hộ sáng kiến của Nhật Bản hình thành “Tứ giác kim cương” với 4 trọng tâm chính ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Australia. Ấn Độ đã bước vào một giai đoạn thay đổi căn bản trong chính sách kinh tế và đối ngoại bằng sự gắn kết với các nước Nam Á, Đông Nam Á và Đông Á nhằm đối trọng với Trung Quốc. Đây là trọng tâm trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của nước này. Trong bối cảnh đó, đụng độ trên biên giới giữa hai nước càng làm cho cuộc cạnh tranh này nóng thêm.
Trước mắt, Trung Quốc và Ấn Độ đã nhất trí “hạ nhiệt” căng thẳng. Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, hai bên nhất trí “giải quyết công bằng” các vấn đề tại thung lũng Galwan và duy trì hòa bình ở khu vực biên giới theo thỏa thuận đã đạt được. Tuy nhiên, hình ảnh vệ tinh cho thấy cả Ấn Độ và Trung Quốc vấn tiếp tục tăng cường lực lượng tại khu vực biên giới tranh chấp.