Hiện Cục Quản lý Đường bộ IV đang phối hợp với các đơn vị liên quan, trình Bộ Giao thông Vận tải, phương án thu phí trở lại với tuyến cao tốc TP HCM - Trung Lương dự kiến vào cuối năm nay.
Chưa thu đủ phí để hoàn trả vốn ngân sách
Từ ngày tạm ngừng thu phí, hầu hết các xe tải đều chọn đi tuyến cao tốc TPHCM - Trung Lương. Ảnh: Huân Cao |
Tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương (kết nối TP.HCM, Long An và Tiền Giang), có chiều dài 62km, tổng vốn đầu tư 9.880 tỉ đồng. Trong đó có 40km là tuyến cao tốc chính, phần còn lại là các tuyến đường nhánh nối vào đường cao tốc.
Đây là tuyến đường cao tốc đầu tiên do Việt Nam thiết kế và thi công từ năm 2004 và đưa vào sử dụng năm 2010. Năm 2012, tuyến cao tốc này bắt đầu thu phí để hoàn vốn cho ngân sách nhà nước đã ứng ra để đầu tư xây dựng.
Để ngân sách có ngay số tiền đầu tư phát triển tiếp cho các dự án xây dựng đường cao tốc trong nước, Bộ Giao thông Vận tải đã mở thầu đấu giá thu phí tuyến đường cao tốc này.
Trong đợt mở thầu bán đấu giá này, Công ty cổ phần Tập đoàn Yên Khánh đã trúng đấu giá 2.004 tỉ đồng và được quyền thu phí từ 1.1.2014 đến 31.12.2018.
Từ 1.1.2019, khi hết hợp đồng chuyển nhượng quyền thu phí với Công ty cổ phần Tập đoàn Yên Khánh, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã tiếp nhận tuyến cao tốc trên và giao cho Cục Quản lý đường bộ 4 trực tiếp quản lý.
Tính đến thời điểm bàn giao, tuyến cao tốc TP HCM - Trung Lương đã thu phí, nộp ngân sách nhà nước khoảng 600 tỉ đồng và 2.004 tỉ đồng từ tiền bán đấu giá thu phí. Nếu chỉ số tiền thu được như vậy, thì vẫn chưa đủ để hoàn trả vốn cho ngân sách đã ứng trước đó để đầu tư là 9.880 tỉ đồng.
Cao tốc TP HCM - Trung Lương là tuyến giao thông huyết mạch nối các tỉnh ĐBSCL với TPHCM. Ảnh: Huân Cao |
Dự kiến thu phí trở lại vào cuối năm nay
Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Nguyễn Xuân Hương - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Đường bộ IV (Cục IV) cho biết, cao tốc TPHCM - Trung Lương tạm ngừng thu phí từ 1.1.2019 đến nay, nhưng công tác duy tu bão dưỡng vẫn được tổ chức thường xuyên.
Theo đó, lực lượng chức năng vẫn bố trí nhân sự túc trực tại các trạm vào ra đường cao tốc để đảm bảo an toàn giao thông, tránh tình trạng xe máy chạy vào cao tốc. Phương tiện khi đi qua trạm sẽ có nhân viên túc trực, bấm baire để xe qua, còn ở lối ra xe được đi qua tự do, không có barie.
"Từ ngày ngưng thu phí, lượng xe tải, xe container đi vào cao tốc tăng cao, ảnh hưởng đến sự xuống cấp nên phải bảo dưỡng duy tu. Hiện Cục IV đã tiến hành sửa chữa, nâng cấp trạm thu phí. Đồng thời, báo cáo các cơ quan có thẩm quyền để đưa ra các phương án thu phí tiếp theo" - lãnh đạo Cục IV nói.
Theo lãnh đạo Cục IV, dự án cao tốc TP.HCM - Trung Lương cũng như các dự án cao tốc khác sử dụng vốn vay, nên phải thu phí để hoàn trả vốn cho ngân sách Nhà nước. Vì vậy, cao tốc TP HCM - Trung Lương không thể tạm ngừng thu phí kéo dài được, mà sẽ sớm thu phí trở lại. Tính đến thời điểm hiện tại, tuyến cao tốc này đã tạm ngừng thu phí hơn 8 tháng, nên các đơn vị liên quan đang gấp rút công tác chuẩn bị để sớm thu phí trở lại.
Từ ngày được đi “miễn phí” các phương tiện chen nhau đi vào tuyến cao tốc, nên thường xuyên gây ùn tắc. Ảnh: Huân Cao |
Lãnh đạo Cục IV cũng cung cấp thêm thông tin, hiện nay các cơ quan có thẩm quyền đang soạn thảo các nghị định, văn bản hướng dẫn việc thu phí để hoàn vốn cho ngân sách. Vì vậy, dự án đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương sẽ áp dụng các các văn bản pháp luật mới này để thực hiện việc thu phí.
Hiện Cục IV cùng các đơn vị liên quan xây dựng phương án trình Bộ GTVT để xem xét sớm tiến hành thu phí trở lại trên tuyến cao tốc này dự kiến vào cuối năm nay.
Xe chạy loạn xạ trên đường cao tốc TP HCM - Trung Lương |
Tuyến cao tốc TP HCM - Trung Lương đang như... đường làng! |
5 người bị bắt vì nghi giấu doanh thu của cao tốc TP HCM - Trung Lương |