Huawei đang loay hoay chống đỡ loạt lệnh cấm của Mỹ và có thể chỉ còn là "cái bóng của chính mình" nếu các hạn chế không được nới lỏng.
Là mục tiêu của các lệnh cấm vận từ Mỹ, công ty có trụ sở tại Thâm Quyến vẫn đáp trả quyết liệt, thậm chí còn giật ngôi vị số 1 thị trường smartphone toàn cầu từ tay Samsung. Tuy nhiên, với động thái mới nhất nhằm siết khả năng tiếp cận công nghệ lõi của Mỹ như bán dẫn, Huawei đang rơi vào tình thế lao đao.
Stewart Randall, Giám đốc bộ phận phần mềm tích hợp và điện tử của hãng tư vấn Intralink, cho rằng Mỹ dường như muốn tìm cách “giết” Huawei để dạy cho Trung Quốc một bài học. Cho tới nay, Bắc Kinh vẫn chưa trả đũa dù 15 tháng trước, nước này nói sẽ lập danh sách pháp nhân không đáng tin cậy của Mỹ đang hoạt động tại đây. Bộ Ngoại giao Trung Quốc chỉ trích Washington “vũ khí hóa” các vấn đề an ninh quốc gia và lạm dụng sức mạnh chính quyền.
Kenny Liew, nhà phân tích viễn thông của hãng Fitch Solutions, nhận định Trung Quốc sẽ không tiến hành trả đũa. Trung Quốc vẫn thu được nhiều lợi ích từ các công ty như Apple. Hành động của Trung Quốc có thể thúc đẩy các hãng này chuyển dây chuyền sản xuất và lắp ráp ra khỏi đất nước tỷ dân.
Trong hơn 2 tháng tới, Bắc Kinh khả năng sẽ “câu giờ” cho tới khi bầu cử Tổng thống Mỹ 2020 kết thúc, dù các nhà phân tích dự đoán ngay cả khi ứng cử viên Đảng Dân chủ có thắng Trump cũng không đồng nghĩa Huawei sẽ được cứu. Bất kể ai là người đắc cử vào tháng 11, Huawei vẫn cần tìm ra giải pháp về lâu dài để sống sót mà không có công nghệ Mỹ.
Nếu Huawei vượt qua được khủng hoảng, họ sẽ trở thành một công ty rất khác. Trước hết, Huawei sẽ không thể là thương hiệu smartphone lớn nhất thế giới nữa, thậm chí là một thương hiệu cao cấp, vì họ phụ thuộc vào chip Kirin tự thiết kế. Với lệnh cấm mới nhất của Mỹ, năm 2020 có thể đặt dấu chấm hết cho dòng chip này. Đây là điều được Richard Yu, Giám đốc bộ phận tiêu dùng Huawei, thừa nhận vào đầu tháng 8.
Theo Nikkei Asian Review, Huawei đang cố gắng tích trữ càng nhiều chip càng tốt khi Mỹ siết chặt lệnh cấm. Công ty tích cực mua các thành phần quan trọng trên smartphone, như chip 5G, Wi-Fi và module điều khiển màn hình từ các đối tác MediaTek, Novatek, RichWave và Realtek. Hãng còn gom chip nhớ từ Samsung và SK Hynix, mua ống kính cho camera smartphone từ Largan Precision và Sunny Optical Technology. Tất cả đang được đẩy nhanh tiến độ trước 0h ngày 14/9 - thời điểm lệnh cấm của Mỹ có hiệu lực.
"Không có gì lạ khi Huawei gọi các đối tác cung cấp linh kiện của mình lúc 4h sáng hoặc nửa đêm", một nguồn tin giấu tên tiết lộ. "Huawei đang rất hoang mang, họ liên tục thay đổi kế hoạch".
Theo giới phân tích, nếu Huawei hết linh kiện sản xuất, lượng smartphone của hãng có thể giảm 75% trong năm tới. Một nguồn tin tiết lộ, nguồn cung chip 5G của Huawei còn rất ít, dự kiến sẽ hết vào quý I/2021.
Nhà phân tích Jeff Pu của GF Securities dự đoán Huawei vẫn sẽ xuất xưởng khoảng 195 triệu smartphone trong năm nay nhờ lượng linh kiện dự trữ. Tuy nhiên, nếu Mỹ ngày càng siết chặt lệnh cấm như hiện tại, doanh số điện thoại của công ty Trung Quốc có thể giảm xuống dưới 50 triệu máy trong 2021. Không những thế, cục diện thị trường smartphone Trung Quốc cũng sẽ thay đổi trong năm tới.
Cho đến nay, Huawei vẫn được thị trường nội địa Trung Quốc ủng hộ. Tuy nhiên, việc không thể sản xuất smartphone có thể khiến doanh số của hãng mất 30% vào năm sau, chủ yếu vào tay các đối thủ nội địa như Oppo, Vivo và Xiaomi. Còn trên toàn cầu, Samsung và Apple có thể sẽ là những công ty hưởng lợi lớn nhất khi doanh số smartphone Huawei sụt giảm.
Trong tương lai, nhà sản xuất chip Trung Quốc Unisoc Technologies có thể giành được thị phần của HiSilicon - công ty con chuyên về sản xuất bán dẫn của Huawei. Trước đó, Richard Yu, Giám đốc mảng Kinh doanh Tiêu dùng của Huawei, thừa nhận HiSilicon không thể tiếp tục sản xuất chip di động do áp lực lệnh cấm từ Mỹ.
Thực tế chính phủ Trung Quốc không làm gì để hỗ trợ Huawei trong cuộc chiến với Mỹ là liều thuốc đắng đối với công ty. Huawei vốn bị vướng vào rắc rối với Washington vì bị cáo buộc liên hệ với Bắc Kinh. Một nhà đầu tư giấu tên tại Thượng Hải so sánh tình thế của Huawei với một con cờ trong trận chiến lớn hơn giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Ông Tập gần như sẽ không can thiệp vào vụ việc lần này của Huawei vì làm như vậy sẽ gây tác động lớn trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Trung đang xấu đi. Nếu đột phá về ngoại giao, lựa chọn của Huawei vô cùng hạn chế. Giải pháp hiệu quả nhất là xây dựng cơ sở sản xuất bán dẫn riêng không sử dụng công nghệ Mỹ trong 12 tháng tới. Song, đây là nhiệm vụ bất khả thi.
Bắc Kinh không trả đũa thay mặt Huawei cho thấy sự thay đổi trong chiến lược, từ “ăn miếng trả miếng” với Washington chuyển sang ngăn cản quan hệ hai bên sụp đổ ngay trước cuộc bầu cử Tổng thống diễn ra ngày 3/11.
Mỉa mai thay, hi vọng cuối cùng của Huawei lại nằm trong tay các nhà cung ứng chip Mỹ như Qualcomm, vốn xem Huawei là khách hàng lớn trước khi công ty Trung Quốc bắt đầu sản xuất chip Kirin riêng cho smartphone. Qualcomm được cho là đang vận động chính phủ Mỹ để cấp phép bán hàng trở lại cho Huawei.
Huawei cần nghĩ đến một kế hoạch dài hạn để tồn tại mà không có công nghệ của Mỹ. Trước mắt, có thể hãng cần phải cơ cấu lại tổ chức, thu nhỏ mô hình hoạt động để duy trì lợi nhuận.
Phóng viên (t/h)