Ứng dụng TikTok có khoảng 1 tỉ người dùng tại 150 quốc gia và vùng lãnh thổ đang bị Tổng thống Trump cấm cửa tại thị trường Mỹ bằng một sắc lệnh vừa ban hành vài ngày trước. Theo đó, công ty mẹ của TikTok là ByteDance (Trung Quốc) có thời hạn đến ngày 15.9 để bán lại ứng dụng cho doanh nghiệp Mỹ.
Song diễn biến mới nhất được cho là sẽ dẫn đến khó khăn cho thương vụ Microsoft đàm phán mua lại TikTok. Đó là, Microsoft đã thay đổi quan điểm, muốn mua toàn bộ TikTok (trừ phiên bản Douyin tại Trung Quốc đại lục) thay vì chỉ mua một phần tại 4 thị trường Mỹ, Canada, Australia và New Zealand (thuộc liên minh tình báo “Ngũ nhãn” – FiveEyes).
Nhưng phương án này, được cho rằng khó mà có thể khả thi bởi phía ByteDance sẽ khó mà chấp nhận một thương vụ “mất trắng” ứng dụng TikTok như vậy. Một khả năng có thể xảy ra là, nếu đến thời điểm ngày 15.9, các bên tham gia thương vụ vẫn không chốt được, TikTok có thể bị cấm tại thị trường Mỹ. Không dừng lại ở đó, tương tự trường hợp đã xảy ra với Huawei, chính quyền Trump có thể sẽ lôi kéo các quốc gia đồng minh cấm cửa TikTok.
Tuy nhiên với trường hợp TikTok, cho tới thời điểm này, khả năng lôi kéo liên minh tham gia cấm cửa gặp khó hơn vì chưa có sự đồng thuận cao so với trường hợp “xử” Huawei.
Thứ nhất, ngay sau khi Tổng thống Trump kí sắc lệnh cấm TikTok, phát biểu tại Diễn đàn an ninh Aspen, Thủ tướng Australia Morrison cho biết nước này vẫn chưa tìm thấy bằng chứng để quyết định hạn chế nền tảng mạng xã hội TikTok.
Trên thực tế, ngay cả dư luận trong lòng nước Mỹ cũng có nhiều ý kiến không đồng tình với lệnh cấm. Cụ thể, Giám đốc về chính sách công nghệ tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (Mỹ)- ông James Lewis - cho rằng lệnh cấm “không phải một chính sách có lợi, tôi không nghĩ nó đúng với hiến pháp”.
Trong khi đó, nhà sáng lập Microsoft - tỉ phú Bill Gates – cho rằng việc Tổng thống Trump đòi “chia phần” cho chính quyền từ thương vụ Microsoft mua TikTok là “kì lạ”. Vị tỉ phú này cũng bày tỏ sự không đồng tình khi cấm một mạng xã hội có thể trở thành đối thủ xứng tầm cạnh tranh với Facebook tại thị trường Mỹ.
Thứ hai, một thành viên khác của FiveEyes là Anh, đã bày tỏ sẵn sàng đón nhận TikTok đặt trụ sở toàn cầu tại nước này sau khi phía ứng dụng của Trung Quốc ngỏ ý xây dựng tổng hành dinh tại Anh cùng với việc minh bạch hóa việc lưu trữ dữ liệu tại các thị trường ở bên ngoài Trung Quốc.
Trong khi đó, chuyên gia an ninh mạng của Pháp – ông Baptiste Robert - cho biết sau khi phân tích mã nguồn của TikTok cho thấy ứng dụng này thu thập dữ liệu cũng giống như cách Facebook thu thập.
Trước đó, phiên bản hệ điều hành iOS 14 của Apple được cập nhật cũng đã “bắt quả tang” 52 ứng dụng di động tự tiện thu thập dữ liệu người dùng trên khay nhớ tạm (clipboard) của điện thoại, trong đó ngoài TikTok còn có nhiều ứng dụng khác (trong đó có những ứng dụng của công ty Mỹ) như Fox News, New York Times, PUBG Mobile, Fruit Ninja, Viber...
Cần biết rằng, doanh thu dự kiến của TikTok năm 2020 là 1 tỉ USD, nhưng được dự báo sẽ tăng lên 6 tỉ USD vào năm sau 2021 và có thể tăng lên mức 40 tỉ USD vào năm 2025. Chính vì thế, việc TikTok đặt tổng hành dinh tại Anh sẽ mang lại nhiều việc làm, đầu tư và cả nguồn thu thuế không nhỏ trong tương lai.
Hai thành viên còn lại của FiveEyes là Canada và New Zealand tới thời điểm này chưa bày tỏ quan điểm về TikTok. Trong khi đó tại EU cũng như các thị trường lớn tại Châu Á (ngoại trừ Ấn Độ), TikTok vẫn hoạt động bình thường. Thậm chí, tại thị trường hơn 260 triệu dân là Indonesia, Tiktok còn bị buộc đóng khoản thuế giá trị gia tăng 10% như Facebook, YouTube, Netflix.
Thế Lâm
Tại sao TikTok mắc kẹt giữa cuộc chiến Mỹ – Trung |
Bán TikTok cho Microsoft, ByteDance lỗ hay lãi? |
Trump cấm giao dịch với chủ sở hữu TikTok, WeChat |