Dù Biden đã áp lệnh trừng phạt Myanmar sau đảo chính, giới chuyên gia không thực sự lạc quan về hiệu quả của nó vì cho rằng thiếu "đòn bẩy".
10 ngày sau cuộc đảo chính ở Myanmar, Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố lệnh trừng phạt các tướng quân đội nước này. Dù các nghị sĩ Mỹ ủng hộ mạnh mẽ hành động lên án cuộc đảo chính và khôi phục nền dân chủ ở Myanmar, họ cũng nhận thấy Washington có rất ít "đòn bẩy" trực tiếp để thay đổi tình hình ở quốc gia Đông Nam Á này.
"Thành viên Dân chủ và Cộng hòa đều thúc giục theo đuổi chiến dịch gây áp lực và trừng phạt đa phương đối với Myanmar để tạo thêm đòn bẩy, đặc biệt là thuyết phục Nhật Bản và Singapore, hai đối tác tài chính lớn nhất của Myanmar sau Trung Quốc, hành động", một người tham gia buổi họp của Ủy ban Đối ngoại Hạ viện về tình hình ở quốc gia Đông Nam Á cho hay.
Tổng thống Joe Biden tại căn cứ Andrews, bang Maryland hôm 5/2. Ảnh: Nhà Trắng. |
Bộ Ngoại giao Mỹ cũng chưa cho thấy nhiều nỗ lực của họ, cũng như chưa rõ họ đã làm những gì để tập hợp phản ứng quốc tế ngoài Mỹ và một số nước châu Âu, nhằm gây áp lực lên Myanmar, theo nguồn tin trên.
Đảo chính Myanmar nổi lên như thách thức ngoại giao lớn đầu tiên đối với Biden kể từ khi ông nhậm chức hôm 20/1. "Trong một nền dân chủ, vũ lực không bao giờ được sử dụng để bác bỏ ý chí của người dân hoặc xóa bỏ kết quả của một cuộc bầu cử đáng tin cậy", Biden nói trong bài phát biểu đầu tiên về chính sách ngoại giao hôm 4/2.
Ngay từ khi tranh cử, Biden đã nhiều lần cam kết đưa Mỹ trở lại "sân khấu quốc tế" và nỗ lực khôi phục mối quan hệ với đối tác, liên minh. Tuy nhiên, cũng như lệnh trừng phạt Myanmar, các chính sách hợp tác với đối tác của Mỹ không phải nhiệm vụ dễ dàng với Biden.
Lệnh trừng phạt mới của Mỹ chủ yếu nhắm vào lực lượng vũ trang Myanmar, lãnh đạo của họ và những người thân cận, cùng các lợi ích kinh doanh của họ, với mục đích hạn chế ảnh hưởng tiêu cực tới dân thường. Tuy nhiên, nhiều người lo ngại các biện pháp trừng phạt mạnh tay có thể đẩy Myanmar về phía Trung Quốc.
Tổng thống Mỹ chưa có trợ lý ngoại trưởng thường trực về vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương. Đại sứ Mỹ tại Myanmar mới chỉ nhậm chức từ tháng 12 năm ngoái.
Một nguồn tin thân cận tiết lộ với Politico rằng chính quyền Biden đang bất đồng về cách phản ứng đối với cuộc đảo chính Myanmar.
Trong khi đó, Nhật Bản, đồng minh hàng đầu của Mỹ ở châu Á, cũng gặp khó khăn khi quyết định phản ứng của họ. Trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm 10/2, Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi nói rằng các nước nên "đóng vai trò khác nhau" dựa trên những diễn biến gần đây.
Sự do dự này một phần do yếu tố lịch sử. Myanmar là quốc gia Đông Nam Á đầu tiên ký thỏa thuận hòa bình và thỏa thuận bồi thường Thế chiến II với Nhật Bản. Tokyo đã bắt đầu hỗ trợ kinh tế cho Myanmar từ năm 1954 và duy trì quan hệ kinh tế cả với chính quyền quân sự trước đó, khác với Mỹ và châu Âu. Cho tới nay, Nhật Bản chưa áp lệnh trừng phạt với Myanmar sau cuộc đảo chính.
Liên minh châu Âu cũng tỏ ra thận trọng. Nghị viện châu Âu tuần trước thông qua nghị quyết thúc giục các thành viên EU mở rộng các biện pháp trừng phạt Myanmar.
"Chúng ta hiện phải cân nhắc tất cả lựa chọn của mình", người phụ trách chính sách đối ngoại của EU nói với Nghị viện hôm 9/2.
Các nhà ngoại giao hàng đầu của khối dự định thảo luận về Myanmar trong cuộc họp của Hội đồng Đối Ngoại EU vào ngày 22/2. Một quan chức cấp cao cho biết gia tăng sức ép là biện pháp đầu tiên, nhưng không nói chi tiết.
Người biểu tình đối đầu với cảnh sát ở thủ đô Naypyidaw, Myanmar hôm 9/2. Ảnh: AFP. |
Không phải đợi tới khi các nước đồng minh và đối tác của Mỹ chần chừ trước quyết định gia tăng áp lực lên Myanmar, nhiều nhà phân tích trước đó cũng tỏ ra hoài nghi về hiệu quả mà lệnh trừng phạt của Biden đem lại với tình hình ở quốc gia Đông Nam Á này.
"Người dân Myanmar và các nhà quan sát đều thực sự lo lắng các biện pháp trừng phạt quy mô lớn sẽ khiến dân thường phải chịu nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng", Darin Self, chuyên gia về quân sự Đông Nam Á tại Đại học Cornell, nói.
Trong khi đó, một số chuyên gia khác cho rằng nếu các lệnh trừng phạt của Biden mang lại hiệu quả, chúng cũng chưa thể tạo ra sự thay đổi ngay lập tức. "Ngay cả như trường hợp Iran, nó cũng cần thời gian để cho thấy hiệu quả", Amy Liu, phó giáo sư Đại học Texas, cho hay.
Alex Ward, biên tập viên của Vox, thậm chí nhận định thế giới có thể phải chứng kiến Myanmar nằm dưới chính quyền quân đội trong một thời gian tương đối dài và đó là một viễn cảnh "thực sự đáng lo ngại".
Thanh Tâm (Theo Nikkei Asia, Vox)
Chính quyền Biden liên tiếp "nắn gân" Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông |
Biden sẽ giải quyết "cơn khát chip" toàn cầu |
Biden nói nước Mỹ cần "cảnh giác" sau khi Trump được tha bổng |