Bà Wang Chunxia có thể phải chi gần cả tháng lương hưu chỉ để mua thực phẩm Tết Nguyên đán cho gia đình mình.
Wang Chunxia - một người nghỉ hưu tại Trung Quốc đã bắt đầu mua sắm dịp Tết Nguyên đán cho gia đình 5 người của mình. Tuy nhiên, bà lo lắng về số tiền sẽ phải chi ra, dù là cho các nhu yếu phẩm như thịt và rau.
"Giá rau, thịt lợn, cá và tôm đều tăng", Wang nói. Bà sống ở thành phố Bảo Kê, phía bắc tỉnh Thiểm Tây. Chi tiêu của bà cho Tết năm nay có thể lên hơn 1.000 nhân dân tệ (155 USD) - gấp đôi năm ngoái và gần bằng cả tháng lương hưu.
Người dân vận chuyển rau tại một chợ đầu mối ở Bắc Kinh (Trung Quốc). Ảnh:Reuters |
Giá cả tăng vọt do đại dịch tái bùng phát và mùa đông khắc nghiệt hơn dự kiến. Việc này sẽ kéo lạm phát lên cao đúng thời điểm các hộ gia đình phải chi tiêu nhiều cho đồ ăn dịp năm mới.
Giá thịt lợn, vốn đang giảm nhờ chính sách tái đàn mạnh tay của Trung Quốc, thì giờ đã quay về gần mức đỉnh tháng 9. Các cảng thì ùn tắc do giới chức yêu cầu tăng kiểm tra để phát hiện virus nCov trên thực phẩm và bao bì. Việc này đang ảnh hưởng đến nguồn cung hải sản và thịt lợn - loại thịt ưa thích của Trung Quốc.
Giá rau thì tăng vọt do thời tiết lạnh bất thường, phá hoại mùa màng tại các vùng trồng trọt chính phía Bắc. Chỉ số giá bán buôn nông sản do Bộ Thương mại Trung Quốc theo dõi đã lên kỷ lục tháng trước. Tăng mạnh nhất là cải bắp và bông cải trắng.
Hoạt động logistics bị đình trệ vì các lệnh phong tỏa để kiểm soát đại dịch đã khiến việc vận chuyển rau quả gặp khó. Vài tuần gần đây, khu vực phía Bắc Trung Quốc – nơi ở của hàng chục triệu người – đã bị phong tỏa khi số ca nhiễm tăng vọt tại Hà Bắc. Các xe tải chuyển hàng đến Bắc Kinh từ các tỉnh phía Bắc như Hải Nam, Vân Nam và Tứ Xuyên đều phải đi qua Hà Bắc và bị kiểm tra.
Ngay cả thị trường tài chính cho nông phẩm cũng nóng lên. Giá ngô và đậu tương tại Sàn giao dịch Hàng hóa Đại Liên đã lên kỷ lục, dù lượng nhập khẩu năm ngoái cũng lập đỉnh. Nỗ lực kích thích kinh tế của Trung Quốc sau đại dịch bằng chính sách nới lỏng tiền tệ cũng là một phần nguyên nhân này, Ma Wenfeng – nhà phân tích tại Beijing Orient Agribusiness Consultant cho biết.
"Nhiều người đặt cược vào nông phẩm, do đây là mặt hàng thiết yếu, như lúa mì, ngô, đậu tương và rau", ông nói.
Khi Tết Nguyên đán đến gần, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đã trấn an người dân rằng nguồn cung rất dồi dào. Nguồn cung thịt lợn trong nước có thể cao hơn 25% trong tháng 1 và 2 so với năm ngoái, Bộ Nông nghiệp nước này cho biết. Giới chức cũng sẵn sàng bán lượng lớn lúa mì và thịt lợn trong kho dự trữ quốc gia.
Giá thực phẩm cũng được dự báo giảm, nhưng chỉ sau Tết. Chính phủ Trung Quốc có thể sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ, đặc biệt trong nửa cuối năm. Việc này sẽ làm giảm đầu cơ trên thị trường nông sản, Meng Jinhui – nhà phân tích tại Shengda Futures nhận định. Việc nhập khẩu ngũ cốc số lượng lớn, giải phóng kho dự trữ quốc gia, và hoạt động tái đàn lợn tăng tốc sẽ xoa dịu thị trường.
Dù vậy, việc này cũng chẳng mấy có ích với bà Wang và gia đình ngay lúc này. Bà đã chấp nhận bỏ qua vài món khoái khẩu từ thịt lợn, thịt bò - vốn là truyền thống ngày Tết. Tuy nhiên, bà khó giảm chi mạnh hơn cho bữa cỗ quan trọng nhất năm.
"Mỗi năm chỉ có một lần thôi. Dù đắt thế nào, anh cũng phải có những món đó trong bữa tối tất niên", bà nói.
Hà Thu (theo Bloomberg)
Dự báo giá thực phẩm tăng nhẹ trong ngày mùng 3 Tết |
Nâng mức xử lý hình sự đối với hành vi sản xuất và buôn bán phụ gia thực phẩm giả |