Việc kiềm chế lạm phát dưới 4% năm nay sẽ khó khăn nếu giá thịt lợn tiếp tục ở mức cao, chuẩn bị phương án nhập khẩu để phục vụ người tiêu dùng.
Phải đưa giá thịt lợn về dưới 60.000 đồng/kg
Các chuyên gia kinh tế nhận định, mục tiêu lạm phát năm 2020 có đạt được hay không phụ thuộc chủ yếu vào tốc độ giảm giá thịt lợn. Trong trường hợp giá thịt lợn vẫn giữ ở mức cao đầu năm, lạm phát trung bình cả năm 2020 có thể xoay quanh mức 3,5%.
Kịch bản tệ nhất xảy ra giá lợn duy trì mức cao trong nửa đầu của năm 2020 và lạm phát so với cùng kỳ năm trước chỉ bắt đầu giảm từ giữa năm 2020, thì kiềm chế lạm phát dưới 4% là tương đối khó khăn.
Hiện tại chuẩn bị hết quý I, giá thịt lợn vẫn duy trì ở mức cao trên 80.000 đồng/kg, kịch bản xấu về kiềm chế lạm phát đang xảy ra.
Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho biết, mức tăng CPI bình quân năm 2019 tăng 2,79% mức tăng thấp nhất trong 3 năm qua song CPI tháng 12/2019 lại tăng tới 5,23% so với tháng 12/2018. Hồi chuông cảnh báo lạm phát đã được gióng lên từ tháng 12/2019 khi CPI tính theo cuối kỳ đã vượt ngưỡng. Mức tăng này là cao nhất của CPI tháng 12 trong 9 năm gần đây.
“Nguyên nhân là giá lợn tăng đột biến do giảm nguồn cung bởi dịch tả lợn châu Phi đã gây bất ngờ vào cuối năm 2019 do lỗi nhận định và đánh giá tác động đến CPI thiếu chính xác cũng như thiếu biện pháp xử lý kịp thời và hiệu quả. Đây là bài học kinh nghiệm đắt giá trong kiểm soát giá thịt lợn nói riêng và giá thực phẩm các mặt hàng thiết yếu”, ông Ánh phân tích
Trong cuộc họp Thường trực Chính phủ về giải pháp bình ổn giá thịt lợn vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định nông nghiệp đóng vai trò quan trọng, góp phần ổn định xã hội. Tuy nhiên, giá thịt lợn tăng vọt trong thời gian dài đã ảnh hưởng tới cuộc sống người dân, khiến CPI tăng cao.
Thủ tướng nêu rõ giá thịt lợn phải theo cơ chế thị trường, có vai trò quản lý của Nhà nước, trong đó có chống đầu cơ, nâng giá bất hợp lý. Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, cơ quan quản lý Nhà nước về giá, kiên quyết đưa giá thịt lợn hơi xuống dưới 60.000 đồng/kg trong thời gian tới bằng các biện pháp phù hợp.
Doanh nghiệp vẫn đang làm giá?
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, thịt lợn chiếm 70% trong nhóm hàng thực phẩm, dù cơ quan quản lý muốn đưa giá lợn xuống thấp nhưng vẫn ở mức cao. Dịch Covid-19 đã gây thiệt hại kinh tế rất lớn, giá thịt lợn chiếm tỷ lệ lớn trong nhóm hàng lương thực thực phẩm nếu không kiểm soát mặt bằng giá sẽ ảnh hưởng tới lạm phát. Hiện nay dù nguồn cung tăng lên nhiều (tại chỗ và nhập khẩu) tại sao giá thịt lợn vẫn cao?
“Nguyên tắc giá trên cơ sở quan hệ cung - cầu, khi cung tăng mà cầu vẫn duy trì một mức thì giá phải hạ. Vậy là vấn đề giá thịt lợn cao nằm ở khâu lưu thông phân phối. Giá nhập khẩu kiểm soát được, chi phí sản xuất và giá thành kg thịt lợn nắm được vậy giá cao là bất hợp lý. Ở đây là doanh nghiệp lớn trong sản xuất và phân phối tiêu thụ đã làm giá, để giá thịt lợn ở mức cao”, ông Long nêu rõ.
Nếu đưa giá lợn vào diện hàng bình ổn thì phải kiểm soát. Các đơn vị thương mại phải đăng ký giá niêm yết với các cửa hàng siêu thị thì không khó nhưng với các chợ dân sinh có làm được việc kiểm soát giá, ông Long cho biết thêm.
Nguồn cung thịt lợn tại chỗ không thiếu hụt, thịt lợn nhập khẩu được tăng cường, giá thịt lợn vẫn ở mức cao là sự bất hợp lý. Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan quản lý giá vào cuộc. Nếu giá thịt lợn tiếp tục duy trì ở mức cao sẽ nhập khẩu thịt lợn để giảm giảm giá phục vụ người tiêu dùng.
Giá thịt lợn bất ngờ tăng mạnh, trên đà chiếm đỉnh kỷ lục |
Thịt lợn không thiếu, tại sao giá vẫn từ 150.000-170.000 đồng/kg? |
Có hiện tượng thao túng giá thịt lợn |