Khi ca nhiễm COVID-19, xuất hiện trở lại tại Đà Nẵng, lượng khách trả vé đi/đến Đà Nẵng rất lớn. Phóng viên Báo Lao Động đã có cuộc trao đổi với ông Trần Thiện Cảnh - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, ông Cảnh cho biết, sau dịch COVID-19 vào tháng 3 và 4.2020, ngành Đường sắt mới tái khởi động trở lại được gần 2 tháng thì dịch bệnh lại bùng phát khi việc SXKD dần đi vào ổn định đã như “một cú đấm bồi” giáng vào ngành Đường sắt.
Thưa ông, với diễn biến bất thường hiện nay của dịch bệnh COVID-19 thì ngành Đường sắt đã có những phương án đối phó như thế nào?
- Dịch bệnh COVID-19 lây lan rộng trên 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, đặc biệt tại Việt Nam từ ngày 24.7.2020 dịch bệnh đã bùng phát trở lại tại Đà Nẵng và sau đó lan ra các địa phương với diễn biến hết sức phức tạp.
Tại các nhà ga (phòng đợi tàu, sân ga), trên các đoàn tàu cung cấp nước rửa tay sát khuẩn, cấp phát miễn phí khẩu trang y tế cho hành khách đi tàu và người lao động có tiếp xúc với hành khách, khách hàng; phun thuốc khử trùng thường xuyên các nhà ga, tẩy rửa khử trùng tất cả các đoàn tàu trước khi đón khách và khi về ga cuối; duy trì nhiệt độ trong toa xe khách ở mức 260C nhằm hạn chế thấp nhất virus COVID-19 có thể phát tán; hướng dẫn xử lý khi hành khách đi tàu có dấu hiệu sốt, ho và biểu hiện của viêm đường hô hấp.
Triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng phục vụ, chăm sóc khách hàng, cải thiện chất lượng phục vụ trên tàu; thu hút khách đi tàu và tạo điều kiện thuận lợi cho hành khách muốn hủy trả vé; điều chỉnh giá vé theo từng cung chặng, giảm giá vé đối với tàu Thống Nhất.
Chủ động phối hợp với các Công ty du lịch, có chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp du lịch tổ chức các tour du lịch đường sắt; Đẩy mạnh, phát triển thị trường và chăm sóc khách hàng, đặc biệt marketing online; thường xuyên cập nhật kế hoạch chạy tàu, chính sách kinh doanh khuyến mãi, công khai minh bạch giá vé và giá cước.
Tiếp tục tăng cường công tác tiếp thị đến tận các nhà máy, các khu công nghiệp. Đồng thời, cắt giảm các đoàn tàu khách Thống Nhất và địa phương có hệ số sử dụng thấp. Tổ chức thêm các đoàn tàu hàng bù vào phần năng lực chạy tàu dư thừa do tàu khách bị cắt giảm. Phối hợp với Đường sắt Trung Quốc nâng cao khai thác các đoàn tàu hàng liên vận quốc tế, đặc biệt là tổ chức thêm nhiều đoàn tàu chở container lạnh xuất khẩu hoa quả, thủy hải sản sang Trung Quốc.
Ngành Đường sắt sẽ có phương án với những tuyến bị dừng hoạt động trong thời gian tới thưa ông?
- Duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh vận tải trong điều kiện suy giảm nhu cầu di chuyển của người dân bởi tác động xấu của dịch bệnh là yêu cầu sống còn của doanh nghiệp. Trong nhóm giải pháp quản lý, doanh nghiệp phải giảm bớt những đoàn tàu không hiệu quả, có hệ số sử dụng chỗ quá thấp; tổ chức thêm các đoàn tàu hàng bù vào phần năng lực chạy tàu dư thừa do tàu khách bị cắt giảm. Tuy nhiên với việc mở rộng, hoàn thiện mạng lưới bán hàng, tạo thuận lợi cho khách hàng dễ dàng mua vé, tăng cường truyền thông thường xuyên cập nhật kế hoạch chạy tàu, chính sách kinh doanh khuyến mãi đến khách hàng. Ứng dụng các chức năng của hệ thống bán vé điện tử, sử dụng app bán vé tàu qua điện thoại sẽ hỗ trợ doanh nghiệp phát hiện nhu cầu của khách hàng để tổ chức lập tàu sớm đáp ứng yêu cầu của hành khách.
Đến thời điểm hiện tại tình trạng thua lỗ do COVID-19 của ngành Đường sắt như thế nào, thưa ông?
- Dịch bệnh COVID-19 đã khiến luồng khách suy giảm nghiêm trọng, hành khách đi tàu 6 tháng đầu năm 2020 chỉ đạt 2.075.455 lượt hành khách, bằng 49,04% so với cùng kỳ. Thời điểm đầu tháng 4.2020, thực hiện chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng chính phủ từ ngày 1.4.2020 đến 15.4.2020, lượng hành khách lên tàu chỉ đạt 10,56% so với cùng kỳ. Các doanh nghiệp vận tải đường sắt điêu đứng, sản lượng vận tải quá thấp doanh thu không đủ bù đắp các chi phí cố định tối thiểu. Doanh thu thấp hơn sản lượng hòa vốn, việc lỗ sản xuất kinh doanh là điều tất yếu doanh nghiệp vận tải đường sắt phải đối mặt.
Dự kiến thực hiện 7 tháng đầu năm 2020, doanh thu hợp nhất 3.652,86 tỉ đồng, trong đó riêng doanh thu vận tải đường sắt ước đạt 1.908,2 tỉ đồng bằng 67,94% cùng kỳ, giảm 900,46 tỉ đồng so với cùng kỳ. Dự báo, toàn ngành Đường sắt 7 tháng đầu năm 2020 lỗ 725, 9 tỉ đồng.
Vậy ngành Đường sắt sẽ đưa ra những giải pháp gì để giảm lỗ trong thời gian tới?
- Tác động của dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế quốc gia nói chung và hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành Đường sắt nói riêng. Việc hỗ trợ từ các chính sách của Nhà nước đối với doanh nghiệp để duy trì hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, đảm bảo đời sống tối thiểu cho người lao động là hết sức cấp bách. Doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt mong nhận được hỗ trợ của Chính phủ bởi các giải pháp dài hạn sẽ giúp doanh nghiệp giảm giá thành vận tải, nâng sản lượng vận tải tiến gần đến sản lượng hòa vốn, giảm lỗ và bảo toàn vốn doanh nghiệp. Duy trì việc làm nhằm đảm bảo thu nhập tối thiểu cho người lao động, nhằm đạt mục tiêu ổn định đời sống người dân của Chính phủ.
Đồng thời, xin Chính phủ miễn giảm phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt năm 2020 (8% trên doanh thu vận tải) để tăng sản lượng vận tải tạo công việc cho người lao động; Cho phép gia hạn thời gian sử dụng đầu máy, toa xe theo quy định của Nghị định 65/2018/NĐ-CP để giảm áp lực đầu tư thay thế các phương tiện quá niên hạn. Theo tính toán để phục vụ vận tải đối với nhu cầu vận tải như hiện nay, dự kiến đầu năm 2021, Đường sắt Việt Nam sẽ thiếu 21 đầu máy và 479 toa xe.
Hiện tại do ảnh hưởng của dịch bệnh kết quả sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp vận tải đường sắt trong thời gian hết sức khó khăn phải huy động nguồn vay từ ngân hàng để đầu tư...
- Xin cảm ơn ông!