Đức đặt cược vào xét nghiệm nhanh Covid-19

Thủ tướng Angela Merkel mong có thể nới lỏng lệnh hạn chế đi lại bằng cách triển khai xét nghiệm nhanh hàng loạt và đẩy mạnh tiêm chủng.

Bà Merkel đối mặt với áp lực chính trị gia tăng trong bối cảnh cần thay đổi hướng chống dịch khi số ca nhiễm giảm. Các khảo sát cho thấy người Đức đang dần mất kiên nhẫn, doanh nghiệp vật lộn để trụ lại sau nhiều tháng ngừng hoạt động.

"Chúng ta đang dần thoát khỏi tình trạng phong tỏa kéo dài và phải tiến hành từng bước", những người tham gia cuộc họp video với lãnh đạo các cấp ngày 2/3 dẫn lại lời bà Merkel.

Theo dự thảo sách lược chống dịch mới, được hãng tin AFP công bố trước buổi họp này, Thủ tướng Đức muốn nới lỏng lệnh hạn chế đi lại và giãn cách xã hội, cho phép tối đa 5 người lớn từ hai gia đình gặp nhau kể từ ngày 8/3. Trước đó, các thành viên trong cùng gia đình chỉ được tiếp xúc thêm với một người ngoài. Dự thảo cũng đề nghị để tiệm làm tóc mở cửa trong tuần này, tiếp theo là cửa hàng hoa, hiệu sách và cơ sở làm vườn. Tuy nhiên, quán ăn, nhà hàng, trung tâm giải trí, văn hóa và thể thao vẫn bị đóng cho đến ngày 28/3.

Bất chấp lo ngại về biến thể nCoV mới, lây lan mạnh hơn, dự thảo này cho thấy việc nới giãn cách vẫn an toàn bởi Đức sắp tăng cường cung cấp vaccine và xét nghiệm nhanh Covid-19 đại trà.

"Hai yếu tố này sẽ thay đổi tình hình đại dịch", dự thảo nêu rõ.

2807 4

Một khu chợ tại Berlin, Đức, tháng 12/2020. Ảnh: NY Times.

Bộ trưởng Y tế Jens Spahn đã cam kết sẽ sớm cung cấp xét nghiệm kháng nguyên miễn phí tại các địa điểm được chỉ định như hiệu thuốc. Loại kit thử này cho kết quả ngay tại chỗ. Người Đức cũng có thể mua các bộ xét nghiệm tại nhà với giá rẻ.

Theo dự thảo của bà Merkel, kể từ tháng 4, nhân viên công ty, học sinh và giáo viên trở lại trường phải được xét nghiệm miễn phí ít nhất một lần một tuần. Văn bản nhấn mạnh toàn quốc duy trì biện pháp y tế công cộng, phòng ngừa virus. Chính phủ sẽ thắt chặn hạn chế một lần nữa nếu nhận thấy tỷ lệ lây nhiễm tăng đột biến.

Hồi tháng 2, Đức phê duyệt ba kit xét nghiệm Covid-19 để sử dụng tại gia. Viện Liên bang về Thuốc và Thiết bị Y tế, cơ quan quản lý dược phẩm Đức, hôm nay phê duyệt các kit xét nghiệm kháng nguyên do Healgen Scientific, Xiamen Boson Biotech và Hangzhou Laihe Biotech phát triển cho những người không phải là nhân viên y tế sử dụng.

Đức đã đóng cửa quán bar, nhà hàng, phòng gym và trung tâm văn hóa kể từ tháng 11. Cửa hàng và trường học cũng ngừng hoạt động vào tháng 12 trong bối cảnh Covid-19 càn quét khắp châu Âu. Những biện pháp này phần nào hiệu quả, giúp giảm số ca mắc mới, cho phép trường học mở cửa trở lại một phần vào tháng trước.

Tuy nhiên, lượng bệnh nhân gần đây có dấu hiệu tăng nhẹ, làm dấy lên lo ngại về làn sóng Covid-19 thứ ba. Theo Viện Robert Koch, trong ngày 2/3, Đức ghi nhận thêm gần 4.000 trường hợp dương tính, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên 2,4 triệu. Hơn 70.000 người đã tử vong.

Dự thảo của bà Merkel cảnh báo về những rủi ro liên quan đến biến thể nCoV. Chủng virus từ Anh bắt đầu chiếm ưu thế tại Đức. "Kinh nghiệm từ nhiều quốc gia khác cho thấy mức độ nguy hiểm của các biến thể kháng nhau. Rõ ràng là chúng ta cần cẩn thận khi bắt đầu lại cuộc sống bình thường", văn bản viết.

2919 5

Một nhân viên chăm sóc sức khỏe đang tiêm vaccine Covid-19 tại Rostock, tháng 2/2021. Ảnh: NY Times.

Trong kỳ nghỉ lễ Phục sinh đầu tháng 4, chính quyền khuyến cáo người dân không đi du lịch trong nước hoặc quốc tế. Song các quy định về thăm hỏi gia đình, người thân sẽ được nới lỏng. Tháng trước, bà Merkel và các thủ hiến bang đã đồng ý vẫn phong tỏa đất nước đến khi tỷ lệ mắc mới trong 7 ngày giảm xuống dưới 35 ca trên 100.000 đầu người. Hôm 2/3, con số vẫn ở mức 65,4/100.000. Dự thảo mới cho biết xét nghiệm nhanh có thể giúp đất nước mở cửa trở lại, dù tỷ lệ mắc mới trên 35.

Song không phải tất cả nhà lãnh đạo của các bang đều đồng tình với ý tưởng "đặt cược" vào xét nghiệm nhanh. Thủ hiến Bavaria, ông Markus Soeder, cảnh báo không nên mở cửa trở lại quá vội vàng. Thay vào đó, ông kêu gọi chính phủ mở rộng danh sách ưu tiên tiêm chủng. Giống như các quốc gia thuộc Liên minh Châu Âu khác, Đức đã bị chỉ trích vì chậm triển khai vaccine.

Thục Linh (Theo AFP)

/ vnexpress.net