Doanh nghiệp khốn khổ khi công nhân liên tiếp mắc COVID-19

Số ca mắc COVID-19 là công nhân, người lao động tăng cao khiến nhiều doanh nghiệp lao đao giữa giai đoạn hồi phục.

Gần một tháng nay, cụm làng nghề Triều Khúc, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì (Hà Nội) với hàng trăm doanh nghiệp rơi vào cảnh vắng vẻ bất ngờ. Nguyên nhân là số công nhân, người lao động mắc COVID-19 tăng mạnh, ảnh hưởng trầm trọng đến hoạt động của các nhà xưởng, trụ sở.

Chị Lưu Thị Dung, Phó Giám đốc Công ty thực phẩm Nhân Hòa cho biết, trước đây, doanh nghiệp với hơn 500 công nhân, người lao động vẫn hoạt động cung cấp thực phẩm cho các đơn vị là khu công nghiệp, nhà hàng. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiều công nhân của công ty mắc COVID-19 nên tình hình thay đổi hẳn.

Thiếu lao động, doanh nghiệp đã phải điều chuyển nhân sự từ các mảng khác như kế toán, hành chính về sản xuất trực tiếp. Nhưng số ca bệnh vẫn không ngừng tăng, đến giờ là hơn 100 lao động, còn F1 thì chiếm đến hơn 50%. Kể cả ban điều hành là Giám đốc, Phó Giám đốc cũng là F0 hoặc là F1, phải làm việc tại nhà.

Doanh nghiệp khốn khổ khi công nhân liên tiếp mắc COVID-19 - 1
Nhiều đơn hàng được ký kết nhưng nhân sự khan hiếm do người lao động mắc COVID-19 ngày càng nhiều. (Ảnh minh họa)

"Thiếu nhân sự, công ty cũng muốn tuyển thêm người mới nhưng do COVID-19 đang lây lan nhanh trong cộng đồng nên chưa thể triển khai. Chúng tôi đành phải huy động nhân sự từ các mảng khác sang hỗ trợ, đồng thời yêu cầu người lao động làm việc 3 tại chỗ với tinh thần xong việc chứ không hết ngày và chỉ được về nghỉ ngày cuối tuần", chị Dung chia sẻ.

Tương tự, Công ty Trung Dũng có 400 công nhân làm việc tại 2 nhà máy ở cụm làng nghề Triều Khúc (Hà Nội) và khu công nghiệp Phố Nối (Hưng Yên) chuyên sản xuất chỉ, cung cấp cho các doanh nghiệp, nhà máy may mặc trong cả nước.

Ông Triệu Khắc Trung, Giám đốc công ty, cho biết, từ đầu năm đến nay, doanh nghiệp có hàng trăm công nhân khai báo là F1. Ngay lập tức công ty đã tổ chức xét nghiệm PCR cho toàn bộ cán bộ, công nhân và phát hiện tới hơn 100 trong tổng số 400 công nhân dương tính với COVID-19.

“Người lao động dương tính với COVID-19 và người là F1 chiếm tới hơn 2/3 số người trong công ty, những người này cần phải được cách ly theo quy định. May mắn, số lượng sản phẩm cung cấp cho các doanh nghiệp đối tác cũng vừa đủ cho đến giữa tháng 3 nên công ty đã tạm dừng hoạt động sản xuất, kinh doanh để công nhân, người lao động nghỉ ngơi, điều trị, chăm sóc sức khỏe, tái tạo sức lao động. Công ty đang tuyển công nhân để dự kiến đầu tháng 3 tiếp tục hoạt động trở lại”, ông Trung nói.

Còn ông Đặng Văn Đảm, Tổng Giám đốc Công ty TNHH sản xuất Thái Bình Dương Việt Nam, có nhà máy sản xuất cáp quang và thiết bị viễn thông tại Khu công nghiệp Đồng Văn II, phường Đồng Văn, thị xã Duy Tiên, Hà Nam cho biết, từ đầu năm đến nay, số ca mắc COVID-19 cũng ngày càng nhiều, buộc công ty phải tuyển thêm nhân sự mới, với sự ưu đãi đặc biệt. Mức lương dành cho người mới là 7-8 triệu đồng/người/tháng, tăng hơn 1,5 triệu đồng so với công nhân tuyển dụng đầu vào cùng thời điểm năm ngoái.

Doanh nghiệp khốn khổ khi công nhân liên tiếp mắc COVID-19 - 2
Thiếu lao động do ảnh hưởng bởi COVID- 19, nhiều doanh nghiệp tăng cường tuyển dụng lao động với nhiều chế độ ưu đãi như tăng lương, ký hợp đồng dài hạn, đóng bảo hiểm ngay khi đi làm để đảm bảo kế hoạch sản xuất, kinh doanh.

“Công ty sẽ hỗ trợ thêm bữa giữa ca và tăng ca (nếu có). Trước khi vào, công ty hỗ trợ xét nghiệm PCR để đảm bảo sức khỏe của người lao động và bảo đảm an toàn trong sản xuất, kinh doanh của công ty cũng như đơn hàng cho đối tác trong và ngoài nước”, ông Đảm nói.

PHẠM DUY

Đằng sau sự sụp đổ của một biểu tượng chống COVID-19 Đằng sau sự sụp đổ của một biểu tượng chống COVID-19
Nhiều cầu thủ mắc COVID-19, hoãn trận Viettel vs Hà Nội FC Nhiều cầu thủ mắc COVID-19, hoãn trận Viettel vs Hà Nội FC
Đã đến lúc coi COVID-19 như bệnh cúm mùa? Đã đến lúc coi COVID-19 như bệnh cúm mùa?

/ vtc.vn