Giới khoa học đang đau đầu với sự xuất hiện của một biến thể mới có tên BA.2. Biến thể này hiện đã có mặt tại hơn 40 quốc gia ở tất cả các châu lục và chiếm phần lớn các ca mắc gần đây ở một số quốc gia như Ấn Độ, Đan Mạch hay Thụy Điển.
BA.2 là dòng phụ của biến thể Omicron đang thống trị các ca mắc trên thế giới hiện nay. Biến thể này xuất hiện tại Pháp lần đầu tiên cách đây vài tuần và được Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Véran xác nhận hồi tuần này: "Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xếp loại các biến thể dựa trên các đặc tính, khả năng lây nhiễm, mức độ nghiêm trọng, khả năng lẩn tránh vaccine. BA.2 là một dòng phụ của Omicron và hiện đã có mặt tại Đan Mạch, cũng như là tại Anh. Ở giai đoạn hiện nay, WHO không xếp BA.2 vào danh sách các biến thể đáng quan tâm. Điều duy nhất chúng ta biết hiện nay là nó có ít nhiều các đặc tính tương tự như Omicron và chúng ta vẫn chưa biết mức độ lây truyền của biến thể phụ này ở những người từng nhiễm Omicron".
Trong khi đó, Cơ quan An ninh Y tế Anh (UKHSA) đã xác định được hơn 400 ca nhiễm chủng phụ của Omicron tại Anh trong 10 ngày đầu của tháng này và cho biết nó đã được phát hiện ở khoảng 40 quốc gia khác, chiếm phần lớn ca mắc gần đây tại một số nước như Ấn Độ, Đan Mạch và Thụy Điển. UKHSA xác định BA.2 là một biến thể đang được điều tra bởi số ca nhiễm biến thể này đang gia tăng, song thậm chí cả như vậy, tại Anh, chủng BA.1 hiện vẫn đang vượt trội nhất.
Giới khoa học đang theo dõi chặt chẽ BA.2. Tuy nhiên hiện vẫn chưa có dữ liệu chính xác về khả năng kháng vaccine cũng như mức độ nghiêm trọng của các ca mắc do biến thể phụ này. Theo nhà virus học Tom Peacock thuộc Đại học Hoàng gia London (Anh), những quan sát từ rất sớm tại Ấn Độ và Đan Mạch cho thấy, không có sự khác biệt đáng kể về mức độ nghiêm trọng của BA.2 so với Omicron. Ông cũng nói thêm rằng, dù có thể có sự khác biệt tối thiểu về hiệu quả của vaccine, song bản thân ông không tin rằng BA.2 sẽ có tác động đáng kể đến làn sóng Omicron hiện nay. BA.2 đang đặt ra những thách thức nhất định cho các nhà khoa học, vì nó không dễ theo dõi.
Theo nhà sinh vật học Florence Débarre tại Viện Sinh thái và Khoa học Môi trường ở Paris, một sự thay đổi trong các giao thức thử nghiệm PCR và thực tế là loại kit thay đổi từ phòng thí nghiệm này sang phòng thí nghiệm khác khiến cho việc xác định BA.2 một cách đáng tin cậy là rất khó. Có một công cụ chính xác hơn nhưng ít được sử dụng hơn để theo dõi các biến thể: giải trình tự gen của virus. Tuy nhiên, biện pháp này lại cho kết quả chậm và khá tốn kém, vì thế không thích hợp để theo dõi một biến thể có khả năng lây lan nhanh chóng.
Bất chấp sự phản đối ban đầu của WHO do sự bất bình đẳng trong việc phân phối vaccine, nhiều quốc gia giàu hoặc có thu nhập trung bình đã bắt đầu triển khai mũi tiêm thứ ba cho người dân trong những tháng gần đây. Động thái này được thúc đẩy bởi nhiều dữ liệu cho thấy hiệu quả của những vaccine tốt nhất, như vaccine sử dụng công nghệ mRNA, cũng giảm dần trong 6 tháng và chúng kém hiệu quả hơn trong việc bảo vệ chống lại biến thể Omicron. Do đó, người ta hoài nghi về các chương trình vaccine trong tương lai. Tiêm phòng cúm hàng năm có thể thích nghi với các chủng khác nhau. Nhưng với COVID-19, nhiều người đã tiêm 3 mũi chỉ trong năm qua.
Trong 2 tuần qua, các nhà phát triển vaccine đã công bố tài liệu đánh giá về kết quả trong phòng thí nghiệm để xác định xem liệu mũi thứ ba có thể tạo ra đủ kháng thể trung hòa để chống lại chủng Omicron hay không. Hãng Pfizer cho biết 3 liều vaccine sử dụng công nghệ mRNA của họ có thể giúp vô hiệu hóa Omicron, còn 2 liều thì không.
Giáo sư Peter Smith, làm việc tại trường Y học nhiệt đới và vệ sinh dịch tễ London (LSHTM), nói: "Các dấu hiệu ban đầu cho thấy biến thể Omicron ít có khả năng dẫn đến bệnh nặng hơn so với các biến thể trước đó, và trong khi 2 liều vaccine cung cấp sự bảo vệ đáng kể chống lại biến thể này thì một liều tăng cường sẽ khôi phục khả năng bảo vệ chống lại bệnh nặng ở mức tương tự như 2 liều chống lại Delta". Tuy nhiên, liệu 3 mũi tiêm có đủ khả năng ngăn chặn biến thể này hay không vẫn còn chưa biết.
Ông Peter Smith nói: "Hiện tại, có vẻ như 3 liều vaccnie sử dụng công nghệ mRNA là đủ khả năng bảo vệ chống lại bệnh nặng do Omicron gây ra, nhưng nếu khả năng bảo vệ chống lại bệnh nặng giảm đáng kể theo thời gian kể từ liều thứ 3 thì liều thứ 4 có thể là rất cần thiết".
Trong khi đó, ông Jerome Kim, Tổng giám đốc Viện vaccine quốc tế, chỉ ra rằng đơn giản là có quá nhiều điều chưa biết về Omicron, và các chương trình tiêm chủng tăng cường với các loại vaccine hiện có chỉ là cách để các nhà khoa học và chính phủ có thêm thời gian.
Trong khi các trường hợp đột phá hơn được mong đợi với Omicron vì mức độ thấp hơn của kháng thể trung hòa mà các loại vaccine hiện tại có thể tạo ra, các nhà khoa học đang cố gắng tìm ra cách miễn dịch tế bào có thể bảo vệ cho những ca nhiễm phải nhập viện. Các nhà khoa học cũng muốn kiểm tra xem liệu những mũi tiêm tăng cường sử dụng các nền tảng khác với mRNA có hoạt động hiệu quả hay không và liệu có cần một loại vaccine ngừa Omicron cụ thể hay không. Tuy nhiên, vấn đề này rất phức tạp.
Ví dụ, các nhà khoa học có nên phát triển một loại vaccine đa hóa trị hay thậm chí là một loại vaccine chống lại mọi virus Corona? Quyết định này càng trở nên khó khăn hơn do thiếu dữ liệu thực tế về hiệu quả của các mũi tiêm tăng cường. Một điều đáng chú ý cho đến nay là bản báo cáo của các nhà khoa học Nam Phi cho biết mũi tiêm vaccine tăng cường của hãng Johnson & Johnson cho khoảng 69.000 nhân viên y tế có hiệu quả 84% trong việc ngăn ngừa nhập viện. Tuy nhiên, một ẩn số lớn khác là liệu những mũi tiêm tăng cường có hoạt động tốt với những người chưa bao giờ mắc COVID-19 hay không, bởi vì nhiều người ở Nam Phi đã mắc COVID-19 trước đó và sẽ có một số kháng thể từ những lần nhiễm trước. Nam Phi sẽ dỡ bỏ lệnh cấm giới nghiêm khi làn sóng Omicron đạt đỉnh mà tỷ lệ tử vong không tăng.
Và nếu việc cập nhật liên tục tiêm chủng ngừa COVID-19 là cần thiết thì vẫn chưa rõ vaccine có thể bắt kịp các đột biến của virus này như thế nào. Ông Peter Smith cho biết: "Hiện tại, khả năng dự đoán về những đột biến mới xuất hiện là khó và rất khó để sản xuất một loại vaccine mới sử dụng các phương pháp hiện tại để bảo vệ chống lại một biến thể mới chưa thể xác định. Điều này không khác với vấn đề của vaccine cúm, khi các dự đoán phải được đưa ra về các loại virus cúm có khả năng xuất hiện trong mùa cúm tiếp theo".
Có một vài năm khi dự đoán của các nhà khoa học về các chủng cúm là sai, hiệu quả của việc tiêm phòng cúm là rất thấp. Theo ông Peter Smith, về lâu dài, các nhà nghiên cứu nên tìm cách phát triển vaccine ngừa tất cả các loại virus Corona mà ít nhạy cảm hơn với các biến thể, nhưng có lẽ chỉ còn "vài năm nữa" và công việc tương tự để phát triển vaccine ngừa tất cả các loại cúm cho đến nay đã không thành công.
Khổng Hà