WHO tiếp tục cảnh báo về biến chủng Omicron

Mặc dù biến thể Omicron gây bệnh ít nghiêm trọng hơn chủng Delta nhưng nó vẫn là một "loại virus nguy hiểm", đặc biệt đối với những người chưa được tiêm chủng vaccine COVID-19.

Phát biểu tại một cuộc họp báo, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, hơn 90 quốc gia trên thế giới vẫn chưa đạt được mục tiêu tiêm chủng cho 40% dân số của họ và hơn 85% người dân ở Châu Phi vẫn chưa được tiêm ít nhất 1 liều vaccine.

Tổng giám đốc nói: “Chúng ta không được phép để cho loại virus này lan tràn hay vẫy cờ trắng đầu hàng, đặc biệt là khi rất nhiều người trên toàn cầu vẫn chưa được tiêm chủng’’.

Theo ông Tedros: “Sự gia tăng đột biến về số ca nhiễm này là do biến thể Omicron gây ra. Nó đang nhanh chóng thay thế Delta ở hầu hết các quốc gia”.

Ông cho hay, phần lớn những người nhập viện vì COVID-19 trên khắp thế giới đều chưa được tiêm chủng và nếu việc lây truyền không được hạn chế thì sẽ có nguy cơ cao xuất hiện một biến thể khác thậm chí có thể lây truyền cao hơn và gây tử vong nhiều hơn Omicron.

Tới nay, các nhà khoa học vẫn chưa trả lời được nhiều câu hỏi về Omicron trong khi biến chùng này đã bùng phát ở hơn 100 quốc gia.

Chẳng hạn, chúng ta vẫn chưa rõ được triệu chứng khác nhau của Omicron ở những người chưa được tiêm chủng, những người đã có miễn dịch từ việc tiêm chủng hoặc bị nhiễm trước đó. Nhiều báo cáo cho thấy rằng những người có miễn dịch trước đó có triệu chứng nhẹ hơn.

Tương tự, các nhà nghiên cứu cho biết còn quá sớm để kết luận rằng Omicron ít gây tử vong hơn các biến chủng khác - mặc dù tỷ lệ nhập viện tương đối thấp và giảm tình trạng hỗ trợ thở bằng máy cho bệnh nhân, có nghĩa là vẫn có khả năng xảy ra trường hợp đó.

Theo các nghiên cứu gần đây của nhóm nghiên cứu của Tiến sĩ Musser, những người bị nhiễm chủng Omicron ít phải nhập viện hoặc phải chăm sóc đặc biệt hơn những người nhiễm biến chủng Delta.

Tuy nhiên theo tổng giám đốc WHO, thế giới vẫn đang đứng trước một "cơn sóng thần" số ca nhiễm có thể khiến hệ thống y tế quá tải khi cả biến thể Omicron và Delta cùng đẩy số ca nhiễm ở nhiều nước tăng vọt.

Người đứng đầu WHO lặp lại lời kêu gọi của mình về thúc đẩy sự công bằng lớn hơn trên toàn cầu trong việc phân phối và tiếp cận vaccine.

Dựa trên tốc độ triển khai vaccine hiện tại, 109 quốc gia sẽ không đạt mục tiêu của WHO là 70% dân số thế giới được tiêm chủng đầy đủ vào tháng 7 năm nay, theo ông Tedros. WHO nhiều lần khẳng định khi đạt được mục tiêu này, thế giới sẽ thoát khỏi giai đoạn cấp tính của đại dịch.

bà Maria Van Kerkhove, trưởng nhóm kỹ thuật của WHO về COVID-19, cho biết một biến thể khác B.1.640 đang nằm trong số những biến thể đang được WHO giám sát nhưng chưa phổ biến như Omicron hay Delta.

Bà Van Kerkhove cho rằng rất khó để nói liệu Omicron có phải là biến thể đáng lo ngại cuối cùng trước khi đại dịch kết thúc hay không.

Chuyên gia của WHO cũng kêu gọi mọi người làm tốt những hướng dẫn chống dịch đã có, từ đơn giản nhất là đeo khẩu trang đúng cách. "Khẩu trang phải che cả mũi và miệng, chứ để ở dưới cằm thì đâu có ích lợi gì", bà Van Kerkhove kêu gọi.

PV (th)

Bộ Y tế yêu cầu đẩy nhanh tiêm vaccine, cả nước ghi nhận 35 ca nhiễm Omicron Bộ Y tế yêu cầu đẩy nhanh tiêm vaccine, cả nước ghi nhận 35 ca nhiễm Omicron
Omicron gây ra hội chứng COVID kéo dài? Omicron gây ra hội chứng COVID kéo dài?
Long An ghi nhận ca nhiễm Omicron đầu tiên, là chuyên gia nhập cảnh Long An ghi nhận ca nhiễm Omicron đầu tiên, là chuyên gia nhập cảnh

/ Nghề nghiệp và cuộc sống