Cô bé Nguyễn Như Linh đặt câu hỏi cho GS Zhenan Bao, người tìm ra vật liệu mang lại cảm giác cho làn da - chủ nhân giải đặc biệt VinFuture năm đầu tiên.
Tại buổi giao lưu giữa chủ nhân các giải thưởng khoa học công nghệ toàn cầu VinFuture với sinh viên và khán giả Việt Nam sáng 21/1, cả khán phòng được chứng kiến câu chuyện cảm động của cô bé không tay Nguyễn Như Linh (thôn Trung, xã Thượng Lâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội) làm mọi việc bằng đôi chân bé nhỏ của mình.
Cô bé Như Linh đặt câu hỏi cho GS Zhenan Bao: "Phát minh của bà có thể giúp con cảm nhận được những gì?"
Cô bé Như Linh đặt câu hỏi cho GS Zhenan Bao. |
Chứng kiến câu chuyện truyền cảm hứng của Như Linh, GS Zhenan Bao xúc động nói: "Da nhân tạo mà tôi nghiên cứu ra có rất nhiều cảm biến, giúp tạo ra những tín hiệu điện tử. Khi tiếp xúc, chạm vào các đồ vật, da nhân tạo sẽ gửi tín hiệu cho não bộ, giúp con hiểu thông tin, nắm bắt được những điểm chạm vào đồ vật như hoa, giấy như một làn da thông thường".
Bà từng gặp nhiều người khuyết tật như cô bé Như Linh. Chính họ đã truyền cảm hứng và thôi thúc bà nghiên cứu, không ngừng trăn trở về ý tưởng đặt câu hỏi: "Nếu có thể tạo ra một điện thoại màn hình gập thì sao chúng ta không thể tạo ra những thứ có thể giúp người khuyết tật?".
Bà đã nghiên cứu phân tử suốt 15 năm qua để tìm ra được loại da nhân tạo hay còn gọi là điện tử mang cảm xúc thực sự. Da điện tử được phát triển từ các lớp nhựa bán dẫn công nghệ cao có thể co giãn, bắt chước khả năng uốn cong và chữa lành của da thật, đồng thời đóng vai trò là lưới cảm biến gửi tín hiệu cảm ứng nhiệt độ và cảm giác đau đến não. Da điện tử cũng có khả năng phân huỷ sinh học và thân thiện với môi trường.
Bà cho biết, những chức năng trên rất hữu ích trong chẩn đoán và điều trị chăm sóc sức khỏe thông minh, đồng thời có thể được ứng dụng vào các thiết bị điện tử để đeo và cấy ghép, mang lại trải nghiệm sống trọn vẹn hơn cho hàng triệu người khiếm khuyết các bộ phận cơ thể trên khắp thế giới hiện tại, cũng như tạo ra các đột phá về y tế trong tương lai.
Học thẳng tiến sĩ nhờ nghiên cứu khoa học
GS Zhenan Bao sinh năm 1970, người gốc Giang Tô, Trung Quốc. Cha bà dạy vật lý còn mẹ dạy hóa, họ đều là hai giáo sư nổi tiếng tại Đại học Nam Kinh.
"Còn nhớ, lúc 5 tuổi, bố đưa tôi đến công viên chơi. Bố mua cho tôi một cốc nước đá và hỏi: "Viên đá con thả xuống nước thì nổi hay chìm?". Tôi nghĩ đá sẽ chìm nhưng hóa ra nó nổi. Tôi tò mò tìm hiểu nguyên nhân và nhận ra viên đá nhẹ hơn nước. Từng chút một, thông qua những câu hỏi trong cuộc sống, bố mẹ dần tạo cho tôi niềm hứng thú khám phá và hướng theo con đường nghiên cứu khoa học", bà chia sẻ.
GS Zhenan Bao. |
Năm 1989, bà cùng chị gái di cư sang Mỹ để học tiếp chương trình học tại Đại học Illinois ở Chicago. "Thời gian đầu, do điều kiện kinh tế khó khăn, tôi phải làm thêm nhiều việc để đủ tiền trang trải cuộc sống", bà nói.
Tại đây, nhờ hai giải thưởng về hóa học mà bà từng đạt được khi còn là sinh viên tại Đại học Nam Kinh, bà được đặc cách nhận vào chương trình tiến sỹ Hóa học mà không cần hoàn thành chương trình cử nhân.
"Khi được nhận vào Đại học Chicago, tôi rất phấn khích. Nhưng tôi lại khá nhút nhát, ngại nói chuyện trước đám đông. Tôi nhớ bài thuyết trình đầu tiên khi làm nghiên cứu sinh, tôi còn chẳng đọc nổi vì quá run và hồi hộp".
Để vượt qua rào cản ấy, bà không ngừng đặt ra những câu hỏi và cuốn theo những giấc mơ. "Tôi tạo ra mục tiêu nào đó, điều đó khích lệ tôi tiếp tục tìm hiểu. Tôi nhút nhát nhưng tôi biết rằng phải thay đổi, phải làm gì đó để vượt ra sự ngần ngại, nói chuyện trước đám đông. Cuối cùng tôi cũng cố tiếp cận mọi người để nói chuyện và vượt qua. Nó trở nên dễ dàng hơn sau nhiều lần thử, cố gắng".
Sau khi lấy bằng thạc sĩ vào năm 1993, bà bắt đầu nghiên cứu tiến sĩ về hóa học vật liệu tại Đại học Chicago. Bà tốt nghiệp và nhận bằng tiến sĩ năm 1995. Không lâu sau, bà gia nhập công ty nghiên cứu Bell Labs, làm việc tại bộ phận vật liệu hữu cơ và polymer. Năm 2004, bà tới Đại học Stanford và trở thành giáo sư ngành kỹ thuật hóa học.
Bao cùng nhóm nghiên cứu tại Đại học Stanford dành tời gian gần hai thập kỷ nỗ lực phát triển da điện tử. Thay vì chế tạo các cảm biến rồi làm cho chúng tương thích với da, bà lựa chọn cách tiếp cận phân tử, đó là chế tạo các polymer hữu cơ và thành phần điện tử với tính mềm dẻo, linh hoạt, ngay từ đầu. "Chúng tôi thiết kế chúng từ cấp độ phân tử và đặc tính giống da trở thành đặc tính nội tại của vật liệu mới".
Bà được vinh danh là một trong những nhà nghiên cứu trong Danh sách TR35 của MIT Technology Review năm 2013 (danh sách bao gồm những cá nhân xuất sắc dưới 35 tuổi có đóng góp cho sự thay đổi của thế giới bằng các phát minh mang tính cách mạng công nghệ). Ngoài ra, bà còn được đánh giá là một trong 12 nhà khoa học mới nổi của C&EN vì nghiên cứu về chất bán dẫn hữu cơ của mình.
Năm 2015, Tạp chí Nature vinh danh bà là một trong 10 nhân vật có tầm ảnh hưởng nhất của năm 2015. Là một trong những người đoạt giải thưởng L'Oréal-UNESCO dành cho phụ nữ có đóng góp to lớn trong lĩnh vực khoa học năm 2017.
Từ năm 2018, GS Bao là Chủ nhiệm khoa Kỹ thuật Hóa học và Giám đốc Nhóm Sáng kiến Đồ điện tử đeo trên người thuộc Đại học Stanford (eWEAR). Bà cũng đồng thời là giảng viên của Viện Precourt, Viện Woods, ChEM-H, Bio-X và là một nghiên cứu viên của Nhóm Chan - Zuckerberg BioHub.
Đến nay, GS Bao có hơn 700 bài báo khoa học được trích dẫn, tham khảo và hơn 100 bằng sáng chế tại Mỹ.