Cao tốc Bắc - Nam: Không đánh đổi chất lượng với thời gian

Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) cho biết, theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông từ cửa khẩu Hữu Nghị đến Cà Mau sẽ dài 2.063km. Tính đến nay, trên toàn tuyến đã đưa vào khai thác 478km, đang đầu tư 829km, còn lại 756km chưa đầu tư.

Các dự án đường cao tốc Bắc - Nam được Ban Quản lý dự án và nhà thầu đang đẩy nhanh tiến độ thi công nhằm đưa dự án về đích đúng tiến độ.

Không thi công kiểu “đốt cháy” giai đoạn

Theo báo cáo của Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT), đến nay một số dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam như đoạn Cam Lộ - La Sơn sản lượng thi công hơn 70%; cầu Mỹ Thuận sản lượng thi công đạt 45,5%; đoạn Phan Thiết - Dầu Giây sản lượng thi công đạt 25,9%; Cao Bồ - Mai Sơn sản lượng thi công đạt 99,5% khối lượng, dự kiến đưa vào khai thác đầu năm 2022.

Ông Lê Hải Đăng, cán bộ kỹ thuật, đại diện nhà thầu Tổng Công ty Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) cho biết, nhằm bảo đảm tiến độ dự án, đơn vị đã huy động công nhân và thiết bị làm việc 3 ca. Khó nhất ở dự án này là thi công dưới lòng hồ nên nhà thầu, chủ đầu tư và tư vấn giám sát thường xuyên trao đổi về an toàn lao động, bảo vệ môi trường…

Tương tự, ông Lương Văn Long, Giám đốc điều hành dự án Mai Sơn - Quốc lộ 45 (Ban Quản lý dự án Thăng Long) cho biết, cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn QL45 khởi công từ tháng 9/2020. Đến nay, dự án đang triển khai 68 mũi thi công tại 5 gói thầu. Tổng sản lượng đạt khoảng 45% giá trị xây lắp theo hợp đồng, cơ bản đáp ứng theo kế hoạch.

7-1.jpg -0

Một đoạn cao tốc Bắc - Nam qua Thừa Thiên-Huế vừa được đưa vào khai thác. Ảnh: CTV

“Hiện, dự án đang bước vào giai đoạn thi công móng, mặt đường. Gói thầu số 11-XL đã triển khai thi công móng cấp phối đá dăm. Các gói thầu còn lại đang chuẩn bị thi công móng mặt với các đoạn tuyến nền đường thông thường, để có thể sớm triển khai thi công móng, cấp phối đá dăm trong năm 2021, tiến tới thảm bê tông nhựa từ tháng 3/2022”, ông Long thông tin thêm.

Riêng hai hạng mục hầm của dự án là hầm Tam Điệp dự kiến sẽ hoàn thành trong tháng 4 hoặc tháng 5/2022, đã vượt tiến độ khoảng 5-6 tháng. Hầm Thung Thi cũng được thông cả hai ống hầm, dự kiến vượt tiến độ 3 tháng. Lãnh đạo Ban quản lý dự án chia sẻ thêm, dự án vẫn đang đảm bảo song song hai nhiệm vụ phòng, chống dịch và triển khai thi công, tiến độ thi công cơ bản đáp ứng theo kế hoạch và hoàn thành trong năm 2022 theo chỉ đạo của Bộ GTVT. Tuy nhiên, theo ông Lương Văn Long, với dự án Mai Sơn - Quốc lộ 45 dài 63,5km khó khăn nhất là xử lý hơn 22km đất yếu bởi khó kiểm soát được cấu kết ở phía dưới. Do đó, chủ đầu tư liên tục có cảnh báo các nhà thầu để đảm bảo chất lượng dự án.

Giám đốc điều hành dự án Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh thông tin, riêng dự án đi qua huyện Nông Cống (Thanh Hóa) dài 20km nền đất yếu, có những bước thi công khó về mặt tiến độ, đặc biệt là gia tải. “Tiến độ có thể chậm nhưng chất lượng thì không thể vì bất kỳ lý do gì để ảnh hưởng”, ông Quỳnh khẳng định.

Tại nhiều cuộc họp và các buổi thị sát công trình, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể luôn nhắc nhở và đưa ra thông điệp yêu cầu các Ban Quản lý dự án, nhà thầu thi công phải đặc biệt quan tâm đến chất lượng dự án cao tốc Bắc - Nam là hàng đầu. “Không thi công đốt cháy giai đoạn, kể cả năm 2025 không hoàn thành cao tốc Bắc - Nam thì chịu trách nhiệm trước Quốc hội, Chính phủ, nhưng không đánh đổi chất lượng với thời gian. Tôi luôn nhắc nhở, mỗi dự án luôn có sự giám sát của nhân dân”, Bộ trưởng Thể lưu ý các đơn vị.

Nhượng quyền không thành công, sẽ nghiên cứu thuê dịch vụ thu phí

Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, sau khi các dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025 hoàn thành sẽ tổ chức thu phí để thu hồi vốn Nhà nước thông qua hình thức chuyển nhượng quyền thu phí trong một thời hạn nhất định (3 năm, 5 năm hoặc 10 năm). Trên cơ sở quy định pháp luật, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GTVT phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng phương án thu phí đối với các tuyến đường cao tốc đầu tư bằng nguồn ngân sách Nhà nước để thu hồi vốn đầu tư, quản lý vận hành và điều tiết giao thông.

Hiện, các cơ quan của Chính phủ đang khẩn trương hoàn thiện Đề án để trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thông qua, làm cơ sở triển khai thực hiện. Tính toán sơ bộ cho thấy, nếu thu phí toàn bộ 12 dự án thành phần trong 5 năm đầu có thể thu hồi khoảng 18.300 tỷ đồng vốn Nhà nước, trong 10 năm thu khoảng 37.881 tỷ đồng. Nếu thu phí 8 dự án thành phần (không thu phí 3 dự án đi trùng và nâng cấp một số đoạn đường Hồ Chí Minh hiện hữu), trong 5 năm đầu có thể thu hồi khoảng 14.800 tỷ đồng vốn Nhà nước, trong 10 năm thu khoảng 30.000 tỷ đồng.

7-2.jpg -0

Tuyến cao tốc Bắc - Nam sẽ được triển khai liên thông dịch vụ thu phí.

“Mức phí dịch vụ sẽ được Chính phủ tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, tổ chức nhận chuyển nhượng quyền thu phí và người sử dụng dịch vụ, đồng thời hạn chế tác động, điều tiết lưu lượng giao thông phù hợp với năng lực khai thác giữa các tuyến đường song hành”, Bộ trưởng Thể cho hay. Trường hợp nhượng quyền thu phí không thành công, Bộ GTVT sẽ nghiên cứu áp dụng hình thức thuê dịch vụ thu phí từ các nhà cung cấp hiện nay đang triển khai như VETC, VDTC (Vietel)... để thu hồi vốn Nhà nước.

Người đứng đầu ngành GTVT cho biết thêm, các tuyến cao tốc Bắc - Nam sẽ được triển khai liên dịch vụ thu phí thông trên toàn bộ 12 dự án giai đoạn 2021-2025 và các dự án giai đoạn 2017-2020, áp dụng hình thức thu phí điện tử tự động không dừng, bố trí trạm tại các điểm ra, vào đường cao tốc, thu phí theo số km thực tế sử dụng. Tuy nhiên, ông Thể thừa nhận do hệ thống thu phí điện tử không dừng lần đầu tiên được triển khai tại Việt Nam, việc quản lý vận hành hệ thống liên quan đến nhiều đối tượng (cơ quan có thẩm quyền, ngân hàng, nhà đầu tư BOT, nhà cung cấp dịch vụ, chủ phương tiện giao thông...) nên trong quá trình vận hành hệ thống vẫn còn tồn tại một số lỗi, bất cập, gây bức xúc cho một số chủ phương tiện tham gia dịch vụ.

Để khắc phục các tồn tại, vướng mắc trên, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GTVT khẩn trương khắc phục triệt để các tồn tại nảy sinh trong quá trình vận hành hệ thống thu phí điện tử không dừng bảo đảm thuận tiện nhất cho phương tiện giao thông; tổ chức tuyên truyền, vận động; cải thiện, đa dạng hóa hình thức nạp tiền, trả tiền để thuận tiện cho người sử dụng.

Đặng Nhật

ĐBQH đề xuất đầu tư cao tốc Bắc - Nam hoàn chỉnh một lần để tiết kiệm chi phí ĐBQH đề xuất đầu tư cao tốc Bắc - Nam hoàn chỉnh một lần để tiết kiệm chi phí
Bộ GTVT đồng ý cao tốc Hà Nội - Hải Phòng chỉ thu phí không dừng Bộ GTVT đồng ý cao tốc Hà Nội - Hải Phòng chỉ thu phí không dừng

/ cand.com.vn