Bóng đá Việt Nam trở lại lần 2 sau COVID-19

Lần thứ hai liên tiếp, loạt trận Cúp Quốc gia sẽ đánh dấu sự trở lại của bóng đá Việt Nam sau khi tạm ngừng vì COVID-19.

1. Sân cỏ cả nước sẽ không chứng kiến tình trạng "biển người" như Thiên Trường cách đây vài tháng, trong ngày bóng đá Việt Nam sôi động trở lại với cuộc so tài giữa Nam Định và HAGL.

Trận đấu giữa Bà Rịa - Vũng Tàu gặp CLB TP.HCM ở tứ kết chỉ đón tối đa 5.000 khán giả, như thế vẫn là may mắn khi các trận đấu ở Hàng Đẫy của Hà Nội FC và Viettel đều "bế quan tỏa cảng", không cho cổ động viên vào sân.

Lần trở lại này của bóng đá Việt Nam kém sôi động và nhiều nguy cơ tiềm ẩn hơn, nhưng như lựa chọn của lịch sử, Cúp Quốc gia sẽ lại là sân chơi "pháo hiệu" cho guồng quay mới của các CLB Việt Nam.

Bóng đá Việt Nam trở lại lần 2 sau COVID-19 - 1
"Biển người" đến Thiên Trường theo dõi Cúp Quốc gia.

Từ đấu trường hạng hai, nơi nhiều đội chỉ coi là nơi rèn quân, đá đội hình phụ, Cúp Quốc gia vô tình được quan tâm nhiều hơn trong đại dịch. Giá trị của đấu trường này cũng được nâng lên, khi nhiều đội bắt đầu đầu tư công sức cho danh hiệu.

Việc các đội cạnh tranh cho danh hiệu này là tín hiệu tốt, thay vì mùa giải nào cũng chỉ có một thiểu số đội mơ vô địch, phần còn lại đá... cho xong để nghỉ ngơi.

2. Dịch COVID-19 khiến lớp mặt nạ của các CLB đã rơi xuống. Giải tạm ngừng, nhiều CLB than hết tiền, có nguy cơ phá sản nên xin dừng luôn mùa giải. Chia sẻ với VTC News, Chủ tịch Nguyễn Húp của CLB Quảng Nam phân tích luôn về nguồn thu của đội với 3 cụm chính: ngân sách tỉnh, nhà tài trợ và doanh nghiệp địa phương.

Không nguồn thu nào trực tiếp liên quan đến thành tích. Dù không trực tiếp nói ra, nhưng ai cũng ngầm hiểu đó là thực tế của nhiều đội V-League. Tiền bản quyền truyền hình, tiền thưởng dự giải hay tiền vé không thấm vào đâu. Đội bóng sống nhờ "bầu sữa" bao cấp, làm bóng đá kiểu xin - cho.

Bóng đá Việt Nam trở lại lần 2 sau COVID-19 - 2
Bầu Đệ từng gửi công văn xin nghỉ giải cho Thanh Hóa.

Nhiều CLB chỉ đá để tồn tại ở V-League, hòng... kiếm thêm tiền từ tỉnh ở mùa giải sau, nên khi trụ hạng, đội coi như hết động lực. Nhiều đội mặc định khó xuống hạng, khó vươn cao, thì chỉ đá... tằng tằng qua ngày.

Nghịch lý khi đội bóng cần được vận hành để tồn tại, thì nhiều đội bóng lại mong giải hủy sớm. Nhưng đặt trong bối cảnh bóng đá Việt Nam, cách nghịch lý ấy lại rất dễ hiểu.

Vì không ít CLB sống vật vờ, đá chỉ cho đủ trận, không quan tâm đến thành tích, chất lượng bóng đá Việt Nam luôn long đong. Sức cạnh tranh là yếu tố cần thiết của một nền bóng đá lành mạnh. Đó là nền tảng để cầu thủ phát triển, CLB thu hút khán giả và đầu tư, song bóng đá Việt Nam không có yếu tố này.

3. V-League đã "thảm", Cúp Quốc gia còn đìu hiu hơn, khi các đội ít mặn mà với sân chơi này. SLNA vô địch Cúp Quốc gia 2017, có vé dự AFC Cup, nhưng đá kiểu "cho có" vì không có tiền chơi giải quốc tế. Các trận đấu ở đây thường kém hấp dẫn, dễ đoán, tính cống hiến gần như bằng 0.

Nhưng dịch COVID-19 vô tình khiến sân chơi này được chú ý. Cúp Quốc gia luôn là giải đấu trở lại đầu tiên. Nhà điều hành giải sẽ nhìn vào giải đấu này để vừa dò đường, vừa tính toán cho V-League. Khán giả cũng lần thứ hai xem Cúp Quốc gia trong tình trạng "đói" bóng đá, khi các giải tạm hoãn quá lâu.

Bóng đá Việt Nam trở lại lần 2 sau COVID-19 - 3
Các đội phải thi đấu hết mình để tồn tại, không thể mãi "sống mòn".

Nhờ vậy, trận đấu giữa Nam Định và HAGL trở thành ngày hội để cả thế giới nhìn vào. Đây là trận đấu hay, không chỉ trên khía cạnh khán giả (điều luôn đẹp ở sân Thiên Trường), mà nội hàm cuộc so tài cũng hấp dẫn.

Động lực và sức cạnh tranh giúp hai đội thi đấu máu lửa. Chỉ cần các đội vào cuộc với 100% quyết tâm, thì chưa nói đến V-League, ngay cả Cúp Quốc gia cũng đã rất hay rồi.

Lịch thi đấu mới của Cúp Quốc gia cũng giúp hành trình vô địch của các đội rút ngắn đáng kể. 3 ngày/trận, đá liên tục trong 10 ngày. Mọi đội bóng ở tứ kết chỉ còn cách danh hiệu 3 trận, thay vì đá hàng chục trận ở V-League, hạng Nhất.

Hơn hết, dịch COVID-19 khiến các CLB hiểu rằng sống nhờ "bầu sữa" bao cấp không phải cách làm bóng đá trường tồn. Khi khó khăn ập đến, các đội phải tự sống bằng đôi chân của họ, không thể cứ chìa tay xin tiền.

Muốn như vậy, đội bóng phải chiến thắng, cạnh tranh cho danh hiệu, chiến đấu ngay ở sân chơi ít người quan tâm như Cúp Quốc gia. Đó sẽ là xúc tác để giải đấu này thêm hấp dẫn và bóng đá Việt Nam không còn cảnh "sống mòn".

Một loạt giải bóng đá Việt Nam lên lịch lăn bóng trở lại Một loạt giải bóng đá Việt Nam lên lịch lăn bóng trở lại

Sau hơn một tháng tạm nghỉ vì đại dịch Covid-19 tái bùng phát, căn cứ vào tình hình phòng chống dịch trên toàn quốc, mới ...

Bóng đá Việt Nam có tham vọng dự World Cup 2026 Bóng đá Việt Nam có tham vọng dự World Cup 2026

Lãnh đạo VFF tái khẳng định tham vọng dự World Cup 2026 của bóng đá Việt Nam trong buổi gặp gỡ động viên U19 và ...

Bóng đá Việt Nam phơi bày bộ mặt xấu xí trong mùa dịch COVID-19 Bóng đá Việt Nam phơi bày bộ mặt xấu xí trong mùa dịch COVID-19

Từ khi trở lại sau thời gian tạm nghỉ vì dịch COVID-19 cho tới hiện tại tiếp tục phải ngưng lại, bóng đá Việt Nam ...

/ vtc.vn