Nhóm công nhân bị cô lập do suối chảy xiết, cầu bê tông, cầu sắt bị nước cuốn trôi trong khi thiếu lương thực và mất liên lạc.
Trên đường vào tìm kiếm, cứu nạn người dân bị đất đá vùi lấp ở xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn, chiều 29/10 chính quyền địa phương nhận được tin báo hơn 200 công nhân của thuỷ điện Đăk Mi 2 đang bị cô lập.
Cầu qua sông Đăk Mi - gần nhà máy bị cuốn trôi dầm, không thể qua lại. Cầu trên tuyến đường lên đập cũng bị trôi và giao thông sạt lở nhiều đoạn. Nhà máy bị ngập nước do lưu lượng nước từ thượng nguồn sông Đăk Mi về hồ rất lớn (khoảng 10.000m3/s).
Nhà máy thủy điện Đăk Mi 2 sáng 30/10. Ảnh: Phước Tuấn |
Ông Lê Xuân Tuấn - Tổng giám đốc công ty cổ phần Năng lượng Agrita (chủ đầu tư thủy điện Đăk Mi 2) cho biết cho biết do đường ở khu vực này bị sạt lở, cầu hỏng nên các công nhân đối mặt với thiếu lương thực. Việc tiếp tế đang gặp khó khăn. Trong đó, tại ngã 3 suối (cầu Khỉ) đang có 25 người; trạm Trộn công ty Sông Đà (cách nhà máy khoảng 3 km) có 27 người, gồm cả ông Lê Xuân Tuấn.
Riêng khu vực cách cầu Khỉ khoảng 10 km có 167 người, nhưng không thể liên lạc được. Một người dân từ đập chính cắt rừng về tới cầu Khỉ 15h chiều 29/10 báo tin nhóm người này đang an toàn nhưng lương thực hạn chế, đường đi rất nguy hiểm.
Nhà máy thuỷ điện Đăk Mi 2 được đầu tư, xây dựng hai năm trở lại đây. Các công nhân chủ yếu là người của Công ty Sông Đà 10 và một số nhà thầu phụ. Số lương thực còn lại có thể giúp họ cầm cự khoảng 1-2 ngày tới.
Đại tá Trương Quang Nhạn, Phó tham mưu trưởng quân khu 5. Ảnh: Phước Tuấn. |
Sáng 30/10, UBND tỉnh Quảng Nam cùng Quân khu 5 họp bàn phương án tiếp cận cứu hộ cứu nạn. Trung tá Nguyễn Trung Kiên, Chỉ huy trưởng Huyện đội Phước Sơn, cho biết vẫn chưa liên lạc được với 167 công nhân thuỷ điện.
Đại tá Trương Quang Nhạn, Phó tham mưu trưởng Quân khu 5, cho biết sẽ yêu cầu Kom Tum mở đường để tiếp cận Phước Lộc và nhà máy thủy điện. "Ưu tiên hàng đầu của chúng ta là phải sớm tiếp cận để cứu dân", ông nói.
Theo ông Nhạn, hiện các đường tiếp cận khu vực bị nạn khó khăn, nhiều điểm sạt lở, đường đứt gãy, không thể cơ động bằng đường bộ vào. Nếu không tiếp cận bằng đường bộ thì sẽ đề nghị sử dụng trực thăng đưa lương thực vào.
Trước mắt, việc tiếp tế lương thực, thực phẩm qua dây cáp đã được công ty kéo qua trạm vận hành tại khu vực cầu Khỉ. Riêng với công nhân ở nhà máy đá và đập chính, lực lương chức năng đang lên ba phương án tiếp tế.
Đường vào Phước Lộc có nhiều đoạn ôtô không vào được, đoàn sở chỉ huy phải đi xe máy vào xã Phước Công, nơi dự kiến đặt Sở chỉ huy tiền phương. Ảnh: Phước Tuấn. |
Phương án thứ nhất là tìm cây to cắt cho ngã ngang qua suối để làm cầu; thứ hai là đi đường bộ từ Đăk Choong, Đắk Lấy vào; thứ ba là đề nghị trực thăng thả lương thực, thực phẩm từ trên không.
Nhà máy thuỷ điện Đăk Mi 2 đang được xây dựng tại xã miền núi Phước Lộc; công suất 147 MW, sản lượng dự kiến đạt 450 triệu KWh/năm; tổng mức đầu tư 4.700 tỷ đồng. Ở xã Phước Hiệp gần đó, công trình thuỷ điện lớn Đăk Mi 4, công suất 190 MW, đã đi vào vận hành vào năm 2012.
Ảnh hưởng của bão Molave, từ ngày 28/10 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã xảy ra nhiều vụ sạt lở. Tại huyện Phước Sơn, ngoài vụ lở đất vùi lấp 11 người còn xảy ra vụ lở đất khiến hai cán bộ xã tử nạn trên đường giúp dân sơ tán, tránh lũ tại thôn 1, đến nay chưa tìm thấy thi thể.
Còn tại huyện Nam Trà My, vụ sạt lở thứ nhất ở xã Trà Leng khiến 53 người bị đất đá vùi lấp. Sau nhiều nỗ lực, đến tối qua, lực lượng chức năng tìm thấy 46 người sống sót và bị thương, 14 người chết, còn 13 nạn nhân mất tích. Vụ sạt lở thứ hai ở xã Trà Vân khiến 8 người chết, 12 người bị thương.
Phước Tuấn - Võ Thạnh - Nguyễn Đông
200 công nhân mắc kẹt trong rừng kêu cứu: Dùng cáp treo tiếp tế lương thực
Lực lượng chức năng sử dụng cáp treo qua sông tiếp tế lương thực cho 200 công nhân thủy điện Đăk Mi 2, Phước Sơn, ... |