Sốt xuất huyết tăng mạnh, nguy cơ xảy ra dịch

Sốt xuất huyết đang tăng rất nhanh, đặc biệt tại các tỉnh phía Nam, mỗi tuần ghi nhận trên 4.000 người mắc, có một số trường hợp tử vong do sốt xuất huyết nặng. Triệu chứng của sốt xuất huyết là sốt cao, đau đầu, nguy hiểm nhất là giảm tiểu cầu gây chảy máu nội tạng.

Bên cạnh một số trường hợp mắc sốt xuất huyết tưởng nhầm là COVD-19 đến viện muộn, còn có tình trạng trẻ thừa cân, béo phì do cha mẹ chủ quan theo dõi và chăm sóc tại nhà, khi bệnh trở nặng mới đưa tới viện cấp cứu. Các chuyên gia dự báo, trong năm 2022, sốt xuất huyết có thể diễn tiến xảy ra dịch lớn.

Trẻ béo phì dễ bị sốc sốt xuất huyết

Trong 4 tháng đầu năm, TP Hồ Chí Minh có 4.700 ca sốt xuất huyết, trong đó 109 ca nặng, chiếm tỷ lệ 2%, cao gấp 4 lần so với tỷ lệ của những năm trước, đã có 4 ca tử vong. Nhiều ca nặng phải nhập viện rơi vào trẻ thừa cân, béo phì.

Điển hình là bệnh nhi T.D.A. (7 tuổi, nam, cân nặng 38kg, ở Vĩnh Lộc B, Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh) bị sốt cao liên tục 1 ngày, co giật toàn thân, tím tái. Khi vào cấp cứu tại Bệnh viện Nhi đồng thành phố, bé lơ mơ, mê, gồng giật toàn thân, được hỗ trợ hô hấp chống co giật, truyền thuốc hạ sốt. Sau đó, bé hết co giật nhưng vẫn lơ mơ, hôn mê dần, bé phải đặt nội khí, thở máy.

Sau khi làm xét nghiệm, chọc tủy… bé được chẩn đoán sốt xuất huyết thể não. Kết quả các xét nghiệm cho thấy trẻ bị tổn thương gan, rối loạn đông máu, toan chuyển hóa, hạ đường huyết. Các bác sĩ đã điều trị tích cực cho bé với thở máy, truyền dịch chống sốc, chống co giật, chống phù não, điều trị hỗ trợ gan. Sau hơn một tuần, sức khỏe bé cái thiện dần và cai máy thở.

gia tăng sốt xuất huyết ở trẻ nhỏ, có nhiều ca trở nặng.jpg -0
Bệnh nhi mắc sốt xuất huyết nặng điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng thành phố.

Theo BSCKII Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng thành phố, đây là trường hợp sốt xuất huyết dạng não ở trẻ dư cân hiếm gặp dễ chẩn đoán nhầm lẫn với bệnh lý khác. Trước đó, Khoa Cấp cứu của bệnh viện cũng tiếp nhận 2 trường hợp trẻ sốc sốt xuất huyết dengue kèm suy hô hấp, rối loạn đông máu, tổn thương gan nặng. Cả hai trường hợp này đều 4-5 ngày sốt cao liên tục, nôn, tiêu chảy, lúc đầu gia đình nghĩ trẻ bị rối loạn tiêu hóa nên mua thuốc cho trẻ uống nhưng không đỡ. Đến khi thấy con mệt, tay chân lạnh nên đưa vào bệnh viện gần nhà và được chẩn đoán sốc sốt xuất huyết dengue nặng, suy hô hấp, rối loạn đông máu, được truyền dịch chống sốc, diễn tiến không thuận lợi nên chuyển Bệnh viện Nhi đồng TP.

BS Tiến cho biết, các nghiên cứu cho thấy sốc sốt xuất huyết trên trẻ thừa cân, béo phì có nguy cơ suy hô hấp sớm. Việc điều chỉnh dịch truyền cho trẻ cũng khiến bác sĩ gặp nhiều khó khăn vì phải hiệu chỉnh cân nặng của trẻ sao cho phù hợp, tránh truyền quá tải dịch cũng như dễ dẫn đến sốc kéo dài, biến chứng rối loạn đông máu, xuất huyết tiêu hóa, tổn thương gan thận.

Theo BS Lê Phan Kim Thoa, Trưởng khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP Hồ Chí Minh, bệnh viện tiếp nhận nhiều ca sốt xuất huyết, có thời điểm 90% bệnh nhân nằm ở Khoa Nhi điều trị sốt xuất huyết. Đa số các trường hợp sốt xuất huyết, trẻ có thể được điều trị tại nhà, tuy nhiên cần tuân thủ lời khuyên của bác sĩ về việc theo dõi và tái khám.

“Không phải cứ hết sốt là trẻ đã khỏi sốt xuất huyết. Thường thì khi trẻ bớt sốt vào ngày 3-7, bệnh sẽ chuyển sang giai đoạn nguy hiểm. Do đó phụ huynh cần chú ý theo dõi sát nhiệt độ. Sốt xuất huyết thường đi kèm với tổn thương gan, phần lớn trường hợp nhập viện đều ghi nhận men gan tăng. Để tránh ảnh hưởng đến chức năng gan, phụ huynh nên hạ sốt bằng cách lau mát, chỉ nên hạ sốt khi bé trên 39 độ, uống thuốc hạ sốt theo đúng liều, phụ huynh không tự động tăng liều hạ sốt”, BS Thoa nhấn mạnh.

Sốt xuất huyết dễ nhầm thành COVID - 19

Không chỉ tăng mạnh ở phía Nam, tại miền Bắc, sốt xuất huyết bắt đầu vào mùa. Ghi nhận tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, các ca sốt xuất huyết tới khám hầu hết đều điều trị ngoại trú, nhập viện rất ít. Tuy nhiên, theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, trong tuần qua, số ca mắc sốt xuất huyết có dấu hiệu gia tăng so với những tuần trước đó. Cụ thể, vào đầu tháng 5/2022, trung bình ghi nhận từ 2 đến 5 ca mỗi tuần thì đến đến cuối tháng 5, tăng lên từ 8 đến 15 ca/tuần. Riêng tuần từ ngày 14/5 đến 20/5, Hà Nội ghi nhận 15 ca mắc sốt xuất huyết tại 10 quận, huyện, tăng 7 ca so với tuần trước đó.

Tại Bệnh viện Thanh Nhàn, số bệnh nhân mắc sốt xuất huyết phải nhập viện cũng bắt đầu tăng. Tuy số lượng bệnh nhân chưa cao đột biến nhưng đa phần đều vào viện trong tình trạng nặng. Nam bệnh nhân 26 tuổi, ở Hà Nội đang điều trị tại đây cho biết, cách đó ít ngày anh bị sốt cao đột ngột. Nghĩ mình mắc COVID-19, đã tiêm 3 mũi vaccine, nên anh cho rằng mình bị nhẹ và nhanh khỏi. Nào ngờ tới ngày thứ 3, anh vẫn sốt cao 40 độ C kèm theo triệu chứng đau đầu, mệt mỏi nhiều, tới Bệnh viện Thanh Nhàn khám, kết quả anh mắc sốt xuất huyết, tiểu cầu giảm sâu. Theo các bác sĩ, trường hợp bệnh nhân này, nếu đến viện muộn có nguy cơ xuất huyết nội tạng, đặc biệt xuất huyết não sẽ để lại di chứng nặng nề cho bệnh nhân.

BS Nguyễn Thu Hường, Trưởng khoa Bệnh Nghề nghiệp, Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết, nhiều bệnh nhân mắc sốt xuất huyết nhưng tâm lý e ngại tới viện nên tự điều trị tại nhà. Một trong những biến chứng đáng lo ngại nhất là giảm tiểu cầu, gây ra tình trạng rối loạn đông máu, chảy máu ở nhiều nơi gây ra xuất huyết não, đường tiêu hoá. Nếu bệnh nhân điều trị tại nhà khi bị giảm tiểu cầu mà không kịp thời phát hiện rất nguy hiểm. Đặc biệt, dịch COVID-19 vẫn đang lưu hành khiến cho rất nhiều người nhầm lẫn giữa COVID-19 và sốt xuất huyết.

BS Hường cho biết, theo chu kỳ dịch bệnh thì cứ sau 5 năm sẽ có một đỉnh dịch sốt xuất huyết. Lần dịch xảy ra gần đây nhất vào năm 2017. Năm 2022, theo dự báo có thể sẽ xuất hiện đỉnh dịch. Tuy nhiên, năm nay thời tiết miền Bắc có sự thay đổi. Hiện miền Nam số người mắc tăng khá cao, đã có những ca mắc nặng. Nhưng tại miền Bắc tới tháng 5 thời tiết vẫn đang còn lạnh, do vậy bệnh sốt xuất huyết sẽ đến chậm hơn các năm. Khả năng dịch tại miền Bắc sẽ rơi vào khoảng tháng 7-8.

BS Lê Phan Kim Thoa chia sẻ, giai đoạn cao điểm của dịch COVID-19 từng có ca tử vong do sốt xuất huyết mà nguyên nhân rất đau lòng là do sợ dịch. Ngoài ra, có nhiều trẻ bị trì hoãn việc đi khám vì phụ huynh tự chẩn đoán bệnh cho trẻ. Có trường hợp trẻ sốt cao, người thân nghi ngờ bị COVID-19 nên tự cách ly tại nhà hoặc có những bé bị sốt sau tiêm phòng COVID-19 lại tưởng là sốt do tiêm mà không đến bệnh viện sớm. Cá biệt, đã có trường hợp nhầm lẫn giữa sốt xuất huyết với sốt phát ban nên tự điều trị sai cách. Vì vậy, khi trẻ sốt cao, phụ huynh nên cho con đi thăm khám vì có rất nhiều nguyên nhân gây sốt ở trẻ em. Trẻ sốt xuất huyết thường sốt cao liên tục và không kèm các triệu chứng đường hô hấp như ho hay sổ mũi; trong khi nhiễm COVID-19, trẻ có thể sốt cao hay sốt nhẹ, kèm triệu chứng ho, chảy mũi, nghẹt mũi…

Bệnh sốt xuất huyết đến nay chưa có vaccine phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả là diệt muỗi, diệt loăng quăng/bọ gậy và phòng muỗi đốt.

Đặc biệt với trẻ nhỏ, BS Lê Phan Kim Thoa khuyến cáo: Cần chú ý chọn thuốc hạ sốt nhóm Paracetamol, không tự ý dùng thuốc hạ sốt khác mà không có ý kiến của bác sĩ vì có thể gây ra các biến chứng nặng như tổn thương gan, não hay xuất huyết nặng. Ngoài ra, không nên tự ý cho bé đi truyền dịch ở các cơ sở y tế ngoài bệnh viện vì khi sử dụng dịch truyền cho trẻ sốt xuất huyết, bác sĩ cần phải dựa trên xét nghiệm, thăm khám và đánh giá giai đoạn bệnh của trẻ để chọn lựa loại dịch truyền cũng như tốc độ và thời gian truyền dịch. Truyền dịch quá sớm hay quá trễ đều có hại cho trẻ.

https://cand.com.vn/y-te/sot-xuat-huyet-tang-manh-nguy-co-xay-ra-dich-i655408/

Trần Hằng / cand.com.vn