Sống thời thực dụng

Vẻ như chưa bao giờ xảy ra cảnh người ta sùng bái thần linh đến mê muội như bây giờ. Từ tín ngưỡng chuyển sang mê tín dị đoan bằng những hành vi rất lệch lạc, thảm hại.

Tại Quảng Bình, một cặp rắn xuất hiện trên ngôi mộ người ăn xin đã khuất cách đây hàng chục năm bỗng được đồn thổi là "rắn thần". Thế là nam phụ lão ấu, nam thanh nữ tú kéo đến vái lạy, chen lấn cúng vật phẩm, dâng hoa và đốt hương nghi ngút cốt để cầu được ước thấy. Rốt cuộc, cơ quan chuyên môn bảo đây chỉ là loài... rắn nước!

Mới đây, một con cá chép bị kích điện nổi lờ đờ trên mặt nước ở Nghệ An, vậy mà người ta lại thêu dệt là "cá thần" rồi lũ lượt mang nhang đèn đến cúng tế, xin mạnh khỏe, cầu phước, cầu tài…

Vì sao như vậy? Có phải một bộ phận người dân đang bị khủng hoảng niềm tin sâu sắc? Không tin vào năng lực của bản thân mình và cũng không tin quy luật tự nhiên nên phải cầu cạnh đấng siêu hình để mong được độ trì. Sự cuồng tín đã khiến cho nhiều người mất lý trí, không kiểm soát được hành vi của bản thân. Khi đám đông như thế hình thành thì trở nên nguy hiểm, là mầm mống cho những bất ổn xã hội khác.

Những tưởng xã hội càng văn minh thì con người càng sống đẹp và tiến bộ nhưng thực tế cho thấy cảnh an bần lạc đạo thuở nào nay thật khó tìm. Trong mùa lễ hội ken dày này, biết tìm đâu ra cảnh đi đền, đi chùa để tịnh tâm, cầu mong mưa thuận gió hòa để ra sức lao động, cố gắng phấn đấu nhằm đạt được những thành quả như ý trong cuộc sống; thay vào đó là "siêng năng" viếng đền, chùa và trẩy hội quanh năm suốt tháng chủ yếu để tìm may, phát tài phát lộc mà chẳng cần nỗ lực làm ăn gì...

Thế mới có chuyện khắp nơi đua nhau xây dựng đền chùa, miếu mạo, tượng Phật, thậm chí tượng Bà trên núi cao để đáp ứng nhu cầu tâm linh đang gia tăng. Nhiều công trình không phép như tượng Bà Chúa Xứ được "hồn nhiên" xây dựng nhưng vẫn được chính quyền địa phương (Châu Đốc, An Giang) làm ngơ cho qua. Hay trong lễ khai ấn đền Trần năm nay, chính quyền TP Nam Định phải bố trí hơn 2.000 chiến sĩ công an, quân sự, dân quân tự vệ để bảo đảm an ninh trật tự cho lễ. Dù nhiều năm qua, các nhà quản lý và nhà nghiên cứu văn hóa đã cảnh báo sự biến tướng của lễ khai ấn nhưng cảnh người ta tranh nhau cướp ấn, cướp lộc ngay trên bàn thờ và ném tiền vào kiệu ấn không hề giảm đi. Những người mê muội tin rằng lộc ấn là một tấm bùa hộ mệnh để thăng quan tiến chức nên họ sẵn sàng làm mọi cách để tranh đoạt cho được một tấm có mấy chữ "Tích đức vô cương", mang về trưng nơi trang trọng nhất trong nhà hay phòng làm việc. Có không ít kẻ làm việc thì làng nhàng, "sáng cắp ô đi, tối cắp về" nhưng mỗi năm đến mùa lễ hội lại đưa theo cả bầu đoàn thê tử với mâm cao cỗ đầy, vái xin bổng lộc, cầu tiến thân.

Những hành động cuồng tín và mặt trái của lễ hội đang phản ánh khá đúng một phần sự thật bản chất của xã hội chúng ta đang sống - một xã hội có màu sắc thực dụng.

song thoi thuc dung "Rắn thần" tại Quảng Bình chỉ là... rắn nước, tránh mê tín dị đoan

Chuyên gia về rắn xem và nhận định rằng cặp rắn xuất hiện trên ngôi mộ của "Bà ăn mày" mà người dân đồn thổi ...

song thoi thuc dung Dân ùn ùn xem mẹ con "rắn thần" xuất hiện trên mộ vô danh

Một cặp rắn bỗng dưng xuất hiện trên ngôi mộ vô danh ở Quảng Bình đã rộ lên nhiều đồn đoán về chuyện tâm linh. ...

/ https://nld.com.vn