Theo GS.TS Vũ Trọng Hồng, Ủy hội sông Mekong quốc tế (MRC) chịu trách nhiệm chính trong việc tập hợp các nước, cùng bàn bạc đưa ra giải pháp.
Thời gian qua có hiện tượng nước ở một số đoạn sông Mekong như đoạn sông Mekong chảy qua tỉnh Nakhon Phanom của Thái Lan và tỉnh Thakhek của Lào, chuyển sang màu xanh lục lam.
Theo giải thích của MRC, việc mực nước xuống rất thấp, bùn cát sông giảm và sự xuất hiện của tảo trên cát cũng như ở đáy sông có thể là nguyên nhân có thể khiến nước sông Mekong gần đây đổi sang màu xanh.
MRC cho hay, hiện tượng nước màu lục lam có khả năng lan sang các đoạn khác trên sông Mekong, tại những nơi có dòng chảy thấp, đồng thời cảnh báo hiện tượng này có thể để lại hậu quả rất nghiêm trọng như: giảm lượng thức ăn cho các loài côn trùng và cá nhỏ, giảm đa dạng sinh học dưới nước, từ đó ảnh hưởng tới năng suất đánh bắt và sinh kế của các cộng đồng địa phương.
Chia sẻ với những lo ngại của MRC, GS.TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT đề cập đến vai trò của các đập thủy điện trên sông Mekong.
Theo đó, vào mùa hạn, thủy điện các nước trên dòng Mekong đều tích nước khiến vùng hạ lưu sông Mekong bị thiếu nước, rơi vào cảnh hạn hán. Mực nước xuống rất thấp, phù sa không còn khiến nước sông trong hơn và xuất hiện các loài tảo.
Đặc biệt, GS Hồng cảnh báo, nếu nước không về, sông Mekong tiếp tục trải qua hạn hán thì đoạn sông Mekong ở Việt Nam cũng sẽ xuất hiện tình trạng hơn.
Không chỉ xuất hiện tảo, phù sa - trong đó có cát, sỏi, đá, cũng bị giữ lại, ĐBSCL không được bồi tích tiếp.
"Cát, sỏi, đá nuôi dưỡng lòng sông Mekong ở Việt Nam, để bờ không bị phá ra. Nhưng khi dòng sông không có cát sỏi đi theo, nó sẽ ngoạm bờ để lấy cát sỏi đi", GS.TS Vũ Trọng Hồng nói.
Nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT cho rằng, những giải thích, khuyến cáo của MRC là cần thiết nhưng chưa đủ, quan trọng là phải hành động như thế nào. Vì vậy, GS.TS Vũ Trọng Hồng đề nghị, MRC - với tư cách là tổ chức liên quốc gia theo dõi sông Mekong từ lâu, cần chịu trách nhiệm chính trong việc tập hợp các nước ở lưu vực sông Mekong để cùng bàn bạc, đưa ra hướng xử lý.
"Việc này rất quan trọng. Như ở Việt Nam, người ta tính toán từ sông Hồng chảy ra biển thì Q phải đạt hơn 800m3/s thì mới đủ để dòng sông chảy được. Giờ đối với sông Mekong cũng phải xem xét những vấn đề này. Một số điểm mà GS.TS Vũ Trọng Hồng đề nghị MRC xem xét: Thứ nhất, xem lại Q (lưu lượng) và Q tạo lòng dẫn để đảm bảo có phù sa, dòng sông không bị thiếu oxy, các sinh vật trong nước sống được, tức những điều kiện để đảm bảo cho dòng Mekong "sống", trước đây là bao nhiêu, bây giờ thay đổi thế nào. Bây giờ một số đoạn Mekong bị thiếu oxy nên tảo mới xuất hiện.
Sông Mekong qua nước nào thì nước đó chịu ảnh hưởng, Trung Quốc nằm ở thượng nguồn sông Mekong, dù không nằm trong MRC nhưng cũng phải có trách nhiệm với chuyện này. MRC cần phải lên tiếng đề nghị Trung Quốc cùng xem xét. Ngoài ra, phải tính toán từng nước dùng nước bao nhiêu, phương thức sử dụng ra sao để từ đó có phương án hành động", GS.TS Vũ Trọng Hồng nói.
Vị chuyên gia lưu ý, đây là vấn đề về mặt kỹ thuật và MRC - là cơ quan theo dõi sông Mekong, phải tập hợp các nước cùng ngồi lại bàn bạc.
Về nguy cơ đoạn sông Mekong qua Việt Nam cũng có thể xuất hiện tình trạng đổi màu, GS Hồng nói thêm: "Nếu các nước phía trên dùng nhiều nước rồi thì Việt Nam cũng sẽ bị. Đặc biệt, nếu nay mai Campuchia, Thái Lan chuyển nước, Lào làm thủy điện, nguy cơ ấy càng hiện hữu".
Theo giải thích của GS Hồng, vào mùa khô, thủy điện của các nước đều trữ nước, họ không chỉ trữ để dùng mà còn chuyển nước sang các khu vực khác - những vùng cao, nước kém dồi dào để phát triển.
Chẳng hạn, Trung Quốc chuyển nước từ phía nam lên phía Bắc, Campuchia chuyển nước Biển Hồ sang các cánh đồng, Thái Lan chuyển nước từ sông Mekong lên vùng đông bắc... Việc ấy sẽ tác động mạnh mẽ đến vùng hạ lưu thuộc Việt Nam, không chỉ lượng nước mà lượng phù sa chắc chắn sẽ bị suy giảm.
Cũng theo vị chuyên gia, quốc gia nào cũng có luật tài nguyên nước, trong đó quy định rất chặt chẽ về vấn đề chuyển dòng. Chẳng hạn, theo Luật Tài nguyên nước của Việt Nam, khi chuyển dòng Nhà nước phải xem xét kỹ, đánh giá tác động môi trường.
"Vì lẽ đó, ủy hội phải có trách nhiệm chính trong vấn đề này, nếu chỉ đưa ra khuyến cáo mà không bàn bạc, hành động gì thì không ổn, bản thân tất cả các nước ở hạ lưu sông Mekong cũng đều phải đấu tranh", GS.TS Vũ Trọng Hồng nhấn mạnh.
Thành Luân 13/12/2019 07:40
Sông Mekong đổi màu vì cạn nước
Ủy hội Sông Mekong cho biết vài đoạn sông Mekong gần đây chuyển màu xanh lục lam, nguyên nhân chính do mực nước xuống quá ... |
Chuyên gia Mỹ: Trung Quốc xây đập trên Mekong không để lấy điện
Giám đốc Chương trình Đông Nam Á, Trung tâm nghiên cứu Stimson, Mỹ, cho biết Trung Quốc có thể đang trữ nước cho tương lai. |
Trong 5 ngày tới, lũ sông Mekong sẽ về đến đồng bằng sông Cửu Long
Trong vòng 5 ngày tới, nước lũ sông Mekong sẽ về đến khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. |