Những năm qua, mặc dù các bộ, ngành, địa phương đã đặc biệt quan tâm đến công tác phòng, chống bệnh lao, tuy nhiên số người tử vong do bệnh lao vẫn còn cao, khoảng 13.000 người một năm, còn nhiều người mắc bệnh lao trong cộng đồng chưa được phát hiện.
Theo báo cáo mới đây của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tình hình bệnh lao tại Việt Nam còn rất nặng nề, xếp thứ 11 trong 30 nước có gánh nặng bệnh lao và lao kháng thuốc cao nhất thế giới.
Còn theo đánh giá của Chính phủ, công tác phòng, chống bệnh lao chưa được quan tâm đúng mức, chưa được đầu tư đồng bộ, toàn diện. Hệ thống phòng, chống bệnh lao tại hệ thống y tế cơ sở chưa đồng đều và hiệu quả chưa cao. Người dân còn kỳ thị, mặc cảm, chưa quan tâm đúng mức đến trách nhiệm và quyền lợi chăm lo sức khỏe cho mình, không thấy được sự nguy hiểm của việc giấu bệnh...
Chính vì vậy mà bệnh lao tại Việt Nam vẫn còn rất nặng nề, tốc độ giảm quá chậm và kinh phí đầu tư cho công tác chống lao rất thấp. Chúng ta đang phải đối mặt nguy cơ bệnh lao bùng phát trong cộng đồng và số người chết do bệnh lao cao gấp 1,5 lần số người chết do tai nạn giao thông.
Chúng ta đặt mục tiêu kết thúc bệnh lao vào năm 2035. Trong bối cảnh tỷ lệ bệnh nhân mắc bệnh lao được quản lý điều trị mới đạt khoảng 60%, tỷ lệ lao kháng đa thuốc ngày càng nhiều, để xóa sổ được bệnh lao như mục tiêu đã đề ra, cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành, sự tham gia hưởng ứng tích cực của toàn xã hội.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 25/CĐ-TTg ngày 25-3-2024 về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh lao. Theo đó, thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương cần tăng cường tuyên truyền công tác phòng, chống bệnh lao là một nhiệm vụ quan trọng, lâu dài của cả hệ thống chính trị, trong đó ngành Y tế là nòng cốt, lấy y tế cơ sở làm trọng tâm. Củng cố năng lực hệ thống khám bệnh, chữa bệnh (công lập và tư nhân), đặc biệt là hệ thống y tế cơ sở trong việc phát hiện, quản lý, điều trị và phòng bệnh lao, trong đó có việc gắn kết với cơ sở khám, chữa bệnh; kiện toàn, nâng cao năng lực hệ thống cơ sở phòng, chống bệnh lao...
Chúng ta chỉ có thể “thanh toán” được bệnh lao khi đẩy mạnh sự phát hiện chủ động tại cộng đồng, phát hiện tích cực tại cơ sở y tế. Tăng cường vai trò, trách nhiệm của lãnh đạo địa phương đối với hoạt động phòng, chống lao, tập trung vào kiểm soát các nhóm nguy cơ cao nhằm tăng cường phát hiện tối đa các bệnh nhân lao có trong cộng đồng, đưa vào điều trị sớm theo Chương trình chống lao quốc gia nhằm cắt đứt nguồn lây trong cộng đồng, giảm nhanh dịch tễ bệnh lao.
Đối với những người bệnh mắc các thể lao nhạy cảm, cần đi khám ngay khi có các triệu chứng nghi lao, tích cực tham gia khám sàng lọc chủ động bệnh hô hấp tại cộng đồng, sàng lọc tích cực bệnh lao trong các nhóm nguy cơ (tiểu đường, viêm phổi, bụi phổi, người cao tuổi…) tại cơ sở y tế. Khi được chẩn đoán và chỉ định điều trị, bệnh nhân cần tuân thủ điều trị tốt và thực hiện theo đúng hướng dẫn của thầy thuốc để hạn chế tối đa các trường hợp lao kháng thuốc mắc phải do bỏ điều trị hay do người bệnh uống thuốc không đúng cách.
Với chủ đề phòng, chống bệnh lao năm 2024: “Đúng! Việt Nam có thể chấm dứt bệnh lao”, chúng ta khẳng định mạnh mẽ những nỗ lực, quyết tâm, khát vọng ở mức cao nhất của Việt Nam trong công tác phòng, chống lao. Và việc không còn bệnh lao tại Việt Nam là hoàn toàn có thể, thậm chí còn sớm hơn mục tiêu đã đề ra.