Soi đối thủ của ĐT Việt Nam: Malaysia chỉ dùng đội hình B, phòng ngự nhiều sơ hở

So với tập thể bị loại ngay từ vòng bảng ở AFF Cup một năm về trước, đội tuyển Malaysia của HLV Kim Pan-gon ở giải đấu lần này cho thấy một hình ảnh hoàn toàn khác.

"Lối chơi của đội tuyển Malaysia rất khác", HLV Park Hang Seo nói về sự khác biệt của đối thủ mà đội tuyển Việt Nam sắp đối mặt so với lần gần nhất 2 đội gặp nhau. Đội tuyển Malaysia dưới thời HLV Kim Pan-gon khác xa so với cách đây một năm, cả về nhân sự lẫn lối chơi.

Chỉ là đội "Malaysia B"

Điều đầu tiên có thể khẳng định là Malaysia không có được những con người tốt nhất cho AFF Cup 2022. Trung vệ có đẳng cấp cao Dion Cools không góp mặt, trong khi một loạt những cái tên quen thuộc với màu áo ĐTQG thuộc biên chế CLB Johor Darul Ta’zim không được đội bóng chủ quản đồng ý cho tham dự giải đấu. 

Malaysia không dùng đội mạnh nhất, thay đổi rõ rệt sau trận thua tuyển Việt Nam - 1

Malaysia tạm đứng đầu bảng B sau 2 lượt trận.

Có thể kể đến những cái tên kì cựu như trung vệ Shahrul Saad, hậu vệ cánh Matthew Davies, tiền vệ trung tâm Syamer Kutty, cầu thủ nhập tích Mohamadou Sumareh hay gương mặt triển vọng nhất của nền bóng đá nước này ở thời điểm hiện tại Arif Aiman – ngôi sao sinh năm 2002 đạt danh hiệu cầu thủ Malaysia xuất sắc nhất năm 2022. 

Nếu so sánh đội hình 11 cái tên được ông Tan Cheng-hoe lựa chọn trong cuộc đối đầu với ĐT Việt Nam tại AFF Cup trước với 11 cái tên đã đá chính trong trận mở màn với Myanmar, chỉ đội trưởng Safawi Rasid là người còn sót lại. Cầu thủ sinh năm 1997 cũng đồng thời là người có số lần khoác áo ĐTQG nhiều nhất trong số 23 cầu thủ được HLV Kim Pan-gon triệu tập. 

Malaysia không dùng đội mạnh nhất, thay đổi rõ rệt sau trận thua tuyển Việt Nam - 2

Khung đội hình chính của Malaysia thay đổi gần hết so với AFF Cup 2020.

Số lần khoác áo ĐTQG trung bình của 23 cái tên này thậm chí còn không vượt qua nổi con số 10. Một tập thể gồm nhiều cầu thủ trẻ, kết hợp với những cá nhân nhập tịch không mấy nổi bật đang thi đấu trong nước. Lee Tuck, người mang áo số 10 năm nay đã 34 tuổi mới chỉ có 4 lần ra sân cho Malaysia. Trên hàng công là sự góp mặt của Darren Lok, 32 tuổi, người mới chỉ trở lại ĐTQG vào năm nay sau 5 năm liên tiếp không góp mặt, và Sergio Aguero, người thậm chí còn không mấy nổi bật tại giải trong nước.  

Đội bóng của ông Kim Pan-gon đến với AFF Cup lần này với một đội hình có thể nói là hoàn toàn mới mẻ, nhưng theo nghĩa không mấy tích cực. Chất lượng nhân sự của Malaysia là không tốt so với chính họ ở những giải đấu trước đó. 

Đáng nói hơn, kể từ khi nắm quyền tại ĐTQG nước này từ đầu năm nay, chiến lược gia người Hàn Quốc đã triệu tập tới 19 cầu thủ thuộc biên chế Johor Darul Ta’zim – trước khi CLB thống trị giải VĐQG Malaysia từ chối nhả người tại kì AFF Cup lần này. 

Sức mạnh tấn công của Malaysia

Bất chấp việc không có được những con người tốt nhất, và được vận hành bởi một hệ thống chiến thuật hoàn toàn mới, Malaysia sau 2 trận đấu đầu tiên vẫn cho thấy được bản sắc của đội bóng này ở khả năng tấn công. 

Malaysia không dùng đội mạnh nhất, thay đổi rõ rệt sau trận thua tuyển Việt Nam - 3

Hình ảnh tấn công điển hình của Malaysia. 

Tốc độ, kĩ thuật và đột biến luôn là thứ có sẵn trong phong cách thi đấu của các cầu thủ tấn công Malaysia ở mặt bằng khu vực nói chung. Trong hệ thống 3-4-3 khi kiểm soát bóng mà ông Kim Pan-gon áp dụng, đội trưởng Safawi Rasid đóng vai trò thủ lĩnh, trong khi số 7 Faisal Halim nổi lên như một cánh chim lạ ở cánh đối diện.

Khai thác bản sắc ấy của nền bóng đá Malaysia, ông Kim có một ý tưởng tương đối khác so với người tiền nhiệm trong ý đồ tấn công. Với sơ đồ 3-4-3, Malaysia sử dụng những đường chuyền chuyển hướng một cách liên tục khi kiểm soát bóng. Ví dụ trong trận gặp Myanmar là một hình ảnh điển hình. 

Rasid lùi về nhận bóng ở hành lang cánh phải, có cơ hội ra chân và ngay lập tức thực hiện một đường chuyển hướng cho Falim. 

Chỉ chưa đầy 20 giây sau đó, khi tiếp tục có được quyền kiểm soát bóng, tiền vệ trung tâm Stuart Wilkin tiếp tục thực hiện một đường chuyền có xu hướng tương tự, lần này là cho tình huống băng lên của wing-back cánh phải Azam Azmi. 

Malaysia không dùng đội mạnh nhất, thay đổi rõ rệt sau trận thua tuyển Việt Nam - 4

Những đường chuyển hướng xuất hiện nhiều khi Malaysia kiểm soát bóng. 

Và ngay khi Azmi không thể tiếp cận vòng cấm địa đối phương và buộc phải trả bóng ngược lại, trung vệ lệch phải Dominic Tan lập tức hướng bóng vào vòng cấm địa bằng một quả tạt sớm, trước khi wing-back đối diện Vengadesan xâm nhập và tiếp tục có một đường căng ngang khác. 

Sử dụng hai tiền vệ tấn công chơi nghịch chân, kết hợp cùng những cầu thủ chạy cánh có tốc độ và sẵn sàng dâng cao tấn công là điều ông Kim Pan-gon hướng đến với những con người có trong tay. Malaysia có thể không phải là đội bóng đủ khả năng áp đặt trận đấu như những gì ông Tan Cheng-hoe đã từng thực hiện, nhưng tốc độ tấn công và tính đột biến của đội bóng này luôn được duy trì. 

Trong định hướng ấy, Safawi Rasid cùng Faisal Halim chắc chắn là những gương mặt không thể xem thường ở giải đấu lần này. Số 11 dẫn đầu ở khả năng kiến tạo và tạo cơ hội, trong khi số 7 đã có 3 bàn thắng và đồng thời là cầu thủ Malaysia dứt điểm nhiều nhất sau 2 trận đấu. 

Điểm yếu ở hàng thủ

Bằng một định hướng khác, Malaysia vẫn duy trì được hình ảnh quen thuộc ở khả năng tấn công của mình. Song, hệ thống 5-4-1 khi phòng ngự của đội bóng này tại AFF Cup năm nay không thể khoả lấp những thiếu sót về mặt chất lượng nhân sự. 

Một trong những tình huống điển hình nhất để đánh giá khả năng tổ chức và tính liên kết giữa các cầu thủ phòng ngự là phản xạ với các đường chuyền ra sau khoảng trống sâu lưng. Trước Myanmar, đội bóng của ông Kim Pan-gon đã cho thấy rõ sự non nớt của mình. 

Tình huống dẫn đến quả penalty ở những phút cuối trận đấu dành cho Myanmar là minh chứng rõ nét, khi các trung vệ Malaysia không thể kiểm soát những tình huốngg di chuyển theo chiều sâu của đối phương. 

Malaysia đã may mắn khi bảo toàn được thắng lợi 1-0 tối thiểu của mình, nhưng những gì họ thể hiện trước Myanmar là không hề thuyết phục, đặc biệt ở hàng phòng ngự. 

Malaysia không dùng đội mạnh nhất, thay đổi rõ rệt sau trận thua tuyển Việt Nam - 5
 
Malaysia không dùng đội mạnh nhất, thay đổi rõ rệt sau trận thua tuyển Việt Nam - 6

Hình ảnh thiếu tính tổ chức của hàng phòng ngự Malaysia. 

Hơn nữa, yêu cầu về tốc độ cao trong các tình huống tấn công cũng trở thành con dao hai lưỡi với Malaysia, khi cấu trúc đội hình khi chống phản công của họ bộc lộ nhiều vấn đề. Hướng về phía trước quá nhanh khiến cự ly giữa các cầu thủ không được duy trì đủ tốt, và việc để lộ những khoảng trống lớn ở hai cánh ở thời điểm chuyển đổi trạng thái là điều dễ hiểu. 

Sự vắng mặt của trung vệ mang áo số 15 Khuzaimi Piee sẽ càng khiến ông Kim gặp những thử thách lớn hơn trong việc lựa chọn nhân sự cũng như tổ chức lại hệ thống phòng ngự của Malaysia ở những cuộc đối đầu quan trọng phía trước, khi đối thủ của đội bóng này là Việt Nam và Singapore. 

Dù đã có được 6 điểm trọn vẹn sau 2 trận đấu, nhưng những gì Malaysia thể hiện cho tới lúc này tại AFF Cup không hẳn là hoàn thiện. Vấn đề chất lượng nhân sự rõ ràng đã ảnh hưởng quá nhiều lên những tính toán của ông Kim Pan-gon cho giải đấu ở cấp độ khu vực. 

Trước mắt họ sẽ là những thử thách thực sự trên con đường giành vé vào vòng bán kết, nơi sự đột biến trên hàng công gặp phải những đối tượng chắc chắn hơn, còn sự non kém ở hệ thống phòng ngự sẽ phải đối đầu với những cầu thủ tấn công xuất sắc tại Đông Nam Á như Tiến Linh, Văn Đức, Văn Quyết của ĐT Việt Nam hay chân sút trẻ Ilhan Fandi của Singapore. 

https://vtc.vn/malaysia-khong-dung-doi-manh-nhat-thay-doi-ro-ret-sau-tran-thua-tuyen-viet-nam-ar723173.html

THÀNH VŨ / VTC News