Số người chết sớm ở Việt Nam do ô nhiễm sẽ tăng gấp 3 lần

Báo cáo của nhóm nghiên cứu Đại học Harvard về gánh nặng bệnh tật do nhiệt điện than tại Đông Nam Á ước tính số ca tử vong sớm ở Việt Nam sẽ tăng từ 4.300 ca năm 2011 lên 15.700 ca vào 2030... (tức là tăng gấp 3 lần hiện nay).
 

Một nghiên cứu về kiểm soát ảnh hưởng của ô nhiễm không khí tới sức khỏe cộng đồng và môi trường thực hiện ở xã Thanh Hải (Hà Nam), kết quả khám lâm sàng thật sự giật mình: 70% người trên 65 tuổi và trẻ em dưới 5 tuổi mắc các bệnh hô hấp hoặc tim mạch. Tỷ lệ bệnh viêm nhiễm đường hô hấp ở trẻ tương đương nhóm trẻ em bị phơi nhiêm ở khu vực ô nhiễm nặng.

Ô nhiễm không khí tại Việt Nam

Thông tin đáng lo ngại này được ông Trần Tuấn- Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và đạo tạo phát triển cộng đồng “bật mí” tại hội thảo “Ảnh hưởng của ô nhiễm không khí tới sức khỏe cộng đồng” nhằm khẳng định vai trò của ngành y tế trong ngăn chặn nguy cơ gây bệnh từ ô nhiễm không khí, nhất là từ nhà máy nhiệt điện than.

Ông Trần Tuấn còn cho biết, báo cáo của nhóm nghiên cứu Đại học Harvard về gánh nặng bệnh tật do nhiệt điện than tại Đông Nam Á ước tính số ca tử vong sớm ở Việt Nam sẽ tăng từ 4.300 ca năm 2011 lên 15.700 ca vào 2030.

Theo ông Tôn Tuấn Nghĩa (đại diện WHO tại Việt Nam), báo cáo của WHO cho thấy, trên thế giới mỗi năm có khoảng 2 triệu người chết trẻ do ô nhiễm không khí, trong đó, hơn một nửa là ở các nước đang phát triển. Ô nhiễm không khí đứng thứ 10 trong các nguy cơ gây tử vong trong gần 3 triệu người chết do bệnh nghẽn phổi mãn tính và ung thư; nguy cơ chính gây ra bệnh tim mạch, đột quỵ, bệnh hô hấp mãn tính và ung thư phổi, tăng mức độ trầm trọng của bệnh hen suyễn…Riêng với trẻ em dưới 5 tuổi, ô nhiễm không khí là nguy cơ đứng thứ 7 gây tử vong do các bệnh lây truyền qua đường hô hấp.

“Mà, công nghiệp hóa, hoạt động giao thông và việc đun nấu bằng than củi, than đá, phân khô, phế thải nông nghiệp … chính là nguồn gây ô nhiễm không khí, tác động đến tỷ lệ bệnh tật và tử vong cao. Chỉ một người đốt bếp than có thể khiến nhiều người xung quanh bị ô nhiễm.” - ông Tôn Tuấn Nghĩa lưu ý.

Trong khi đó, cũng theo báo cáo của WHO: các ngành công nghiệp đốt than, nhà máy nhiệt điện và đốt than sưởi chiếm 40% tỷ lệ phơi nhiễm hạt rắn lơ lửng PM2.5, ước tính gây ra 4,2 triệu ca tử vong năm 2015, trong đó, Trung Quốc và Ấn Độ chiếm 52%. Riêng tử vong do ozon tăng khoảng 60%, ở Ấn Độ tăng 67%.

Vì thế, GS. Lê Vũ Anh -Chủ tịch Hội Y tế Công cộng Việt Nam lo lắng: Chỉ ở một xã Thanh Hải đã thấy bị ô nhiễm nghiêm trọng thế thì sức khỏe người dân sẽ ra sao, chưa kể ảnh hưởng về vật nuôi, cây trồng, nếu hơn 40 nhà máy nhiệt điện được xây dựng? Ô nhiễm không khí chắc chắn sẽ tác động nặng nề tới sức khỏe của trẻ nhỏ và chất lượng sống, tuổi thọ của người cao tuổi cũng bị ảnh hưởng, còn việc biến đổi gen hiện chưa có báo cáo.

Chuyên gia bày tỏ lo ngại về ô nhiễm không khí

GS. Lê Vũ Anh lưu ý: Do tác động xấu đến sức khỏe người dân, nên nhiều nước đã cấm xây dựng nhà máy nhiệt điện than, tại sao Việt Nam lại định tăng? Việc xây dựng nhiều BV dành cho chữa bệnh là cần thiết nhưng cần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, chú trọng đầu tư cho y tế dự phòng mới là căn bản.

Ông Trần Đình Sính- Phó Giám đốc Green ID nhấn mạnh việc phải đối diện với ô nhiễm do nhiệt điện than là vô cùng quan trọng vì hậu quả của nó rất lớn, nhất là khi mức độ ô nhiễm đang vượt tiêu chuẩn Việt Nam. Nếu xây dựng gấp 4 lần hiện nay thì nguy cơ ô nhiễm sẽ tác động khủng khiếp. Việc khảo sát một số nhà máy đang vận hành bộ lọc tĩnh điện hút bụi đã cho thấy con số giật mình: Dù bộ lọc đã lọc được 99,75% mà một nhà máy 1.200 MW vẫn thải tới 7,7 tấn bụi/ngày. Nếu xây dựng 42.000 MW thì sẽ thải bụi ra không khí nhiều chừng nào?

Đáng lưu ý khi đại diện của WHO cho hay, hàng chục nhà máy nhiệt điện than dự định xây dựng đều không có đánh giá tác động môi trường, hoặc có thì không có đánh giá tác động tới sức khỏe người dân. Vì thế, cần làm rõ để các nhà thầu phải có trách nhiệm bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Ông Ngô Quang Toàn –Tổng cục Địa chất cũng nêu vấn đề: Tại sao chúng ta không xây dựng điện gió thay cho nhiệt điện than để bảo vệ sức khỏe người dân, khi mà nghiên cứu khoa học đã cho thấy môi trường ở Hà Nam còn kinh khủng hơn ở thành thị. Hơn nữa, nhiều nước đã cấm nhiệt điện than, tại sao Việt Nam lại đưa về? Tại sao không kiến nghị Hà Nam xây dựng tĩnh điện để hạn chế? Cần bạch hóa thông tin để người dân hiểu rõ về ô nhiễm môi trường.

Bệnh tật gia tăng vì ô nhiễm

Chuyên gia Vũ Thế Long thẳng thắn: Cơ quan quản lý về xây dựng không có quyền nói amiăng không độc khi không hỏi ý kiến của ngành y tế, nhất là các tổ chức quốc tế đều nói amiăng độc hại.

Vì thế, Liên minh Phòng chống các bệnh không lây nhiễm Việt Nam cho rằng, cần phải chặn nguồn gây ô nhiễm không khí bằng việc thiết kế, qui hoạch chọn công nghệ thuận theo sinh thải, thay nguồn ít nguy cơ hơn, tuân thủ quy trình bảo vệ sức khỏe cộng đồng; vận động hệ thống Nhà nước đưa ra quy định quản lý và kiểm soát ô nhiễm không khí tuân thủ khuyến cáo quốc tế. Bên cạnh đó, thúc đẩy các tổ chức xã hội giám sát, theo dõi đánh giá tình hình ô nhiễm và sức khỏe cộng đồng.

Các chuyên gia nhấn mạnh việc cần có tổ chức xã hội được thừa nhận tập trung các chuyên gia đầu ngành trong nước và quốc tế cùng đo đạc, đưa các bằng chứng khoa học, thuyết phục, phản biện nghiêm túc, vì lợi ích nhân dân trước khi xây dựng các nhà máy nhiệt điện than .

Thanh Hằng / Theo Công an Nhân dân