Nhiều người dùng khẳng định smartphone của họ "nghe lén" các lần trò chuyện để lấy thông tin nhằm hiển thị quảng cáo chính xác hơn, điều này có đúng?
"Nghe lén" luôn là vấn đề được người dùng quan tâm trong thế giới hiện đại, nơi thiết bị công nghệ và kết nối internet có sẵn ở gần như mọi nơi trong cuộc sống. Nhiều người dùng khẳng định thiết bị di động cá nhân đã lén ghi lại và phân tích các đoạn nói chuyện của họ với bạn bè, người thân hay đối tác để phục vụ cho mục đích bán quảng cáo nhắm mục tiêu. Tuy nhiên, nhà quảng cáo - những tổ chức, doanh nghiệp hay cá nhân được lợi từ các nội dung hiển thị đến người dùng - dù có đến "ba đầu sáu tay" cũng khó làm được điều đó.
Trên thực tế, quá trình điện thoại có thể tự động ghi âm, gửi dữ liệu lên một máy chủ điều khiển từ xa (bất kỳ) nhằm phục vụ mục đích phân tích nội dung phục vụ cho quảng cáo nhắm mục tiêu sẽ tiêu tốn rất nhiều tài nguyên máy, dung lượng pin cũng như dữ liệu không dây. Đây đều là các dấu hiệu người dùng rất dễ nhận ra và tạo sự nghi ngờ. Việc lưu trữ lượng khổng lồ các đoạn ghi âm và phân tích cũng đòi hỏi cơ sở hạ tầng, nhân lực vô cùng tốn kém.
Giả sử có doanh nghiệp, tổ chức đủ tiền tài, hạ tầng để vận hành phòng thí nghiệm chuyên lưu trữ, phân tích nội dung thu được từ thiết bị di động. Với hơn một tỷ máy cá nhân đang hoạt động trên thế giới ngày đêm, chắc chắn không đơn vị nào đủ khả năng xử lý hết các nội dung, kể cả đó là Google. Bên cạnh đó, đa phần nội dung trao đổi giữa người dùng thông thường đều là các nội dung nhàm chán và nhiều khả năng gây nhiễu loạn thông tin bởi theo lẽ thường, mọi người thường tỏ ra hào hứng với những câu chuyện nhàm chán của đối phương chỉ nhằm giữ phép lịch sự.
Smartphone không nghe lén các hội thoại như chúng ta vẫn nghĩ.
Vậy smartphone có nghe lén người dùng hay không? Câu trả lời chính xác là "Không!" bởi việc này đòi hỏi quá nhiều yếu tố nhằm đảm bảo chất lượng thu về. Trong khi đó, nhà quảng cáo thực tế đang áp dụng cách làm đơn giản và hiệu quả hơn nhiều: Lọc thông tin từ lịch sử duyệt web, tìm kiếm nội dung trên mạng và vị trí thiết bị của người dùng. Một cuộc trò chuyện có thể xã giao, giả dối nhưng lịch sử vào mạng thì luôn nói lên sự thật về mỗi con người.
Chúng ta có thể hình dung cách điện thoại và doanh nghiệp thu thập thông tin để hiển thị nội dung quảng cáo đúng với nhu cầu của người dùng như sau: giả sử bạn hẹn người quen tại quán cà phê. Trước đó, người này đã tìm hiểu nhiều thông tin về một sản phẩm bất kỳ, ví dụ máy nướng bánh. Trong suốt cuộc trò chuyện, người bạn sẽ có lúc nào đấy đề cập tới việc đang tìm hiểu các loại máy nướng bánh để tự làm ở nhà và mức độ quan tâm của bạn ở chủ đề này chỉ dừng ở mức xã giao nhằm giữ phép lịch sự. Tuy nhiên khi về nhà, những quảng cáo về máy làm bánh bắt đầu xuất hiện trên điện thoại của bạn.
"Tôi chắc chắn điện thoại đã nghe lén câu chuyện và đề xuất quảng cáo vì có đề cập tới máy làm bánh", nhiều người sẽ có suy nghĩ như vậy.
Nhưng thật ra không phải như chúng ta hình dung. Các công cụ tìm kiếm, theo dõi hành vi người dùng trên internet đã ghi nhận thói quen của người bạn kia. Hệ thống định vị vị trí xác nhận 2 người ở cùng nhau trong một khoảng thời gian đủ lâu để trò chuyện, không phải là vô tình có mặt tại cùng một nơi. Mối liên kết giữa hai người trước đó cũng được xác thực qua các công cụ giao tiếp mạng xã hội, nhắn tin, gọi điện cho nhau...
Bằng việc tính toán dựa trên thói quen của người này, theo dõi địa điểm và tư duy logic từ máy học, kết nối từng mảnh thông tin với nhau, nhà quảng cáo sẵn sàng gợi ý cho bạn về sản phẩm của họ vì biết đâu sẽ quan tâm. Quá trình này không gây tốn kém nhiều tiền tài, hạ tầng mà lại có chất lượng cao hơn so với hành vi ghi âm hội thoại không được phép (có thể bất hợp pháp tại một số địa phương).
Nói cách khác, không phải smartphone nghe lén mà chính thói quen và dữ liệu về bản thân mỗi người dùng nhà quảng cáo có được (nhân khẩu học, thói quen, sở thích, lịch sử duyệt web, lịch sử mua sắm...) mới là "thủ phạm" khiến điện thoại luôn hiện chính xác những gì chúng ta thảo luận với những người xung quanh.