Chính quyền Trump cấm doanh nghiệp trong nước giao dịch công nghệ siêu máy tính với Trung Quốc, nhưng chuyên gia đánh giá thiệt hại có thể nghiêng về Mỹ.
Mỹ và Trung Quốc là hai quốc gia có siêu máy tính mạnh nhất nhì thế giới. Ảnh: Network World. |
Bộ thương mại Mỹ ra lệnh hạn chế xuất khẩu với năm công ty phát triển siêu máy tính Trung Quốc do "hành động trái với an ninh quốc gia hoặc lợi ích chính sách đối ngoại của Mỹ". Theo Washington Post, động thái mới không chỉ nhằm hạn chế Trung Quốc tiếp xúc với công nghệ, linh kiện máy tính Mỹ, mà còn cho thấy căng thẳng tiếp tục leo thang giữa hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới. Tháng trước, Nhà Trắng cũng đưa Huawei và 68 chi nhánh của Huawei vào danh sách "có nguy cơ đe dọa an ninh".
"Giai đoạn này được đánh giá rất quan trọng với Trung Quốc, bởi các công ty công nghệ nước này đang tự nhìn lại mình trong việc giảm phụ thuộc vào công nghệ Mỹ ở một mức độ nhất định, trong đó có hệ thống siêu máy tính", Bob Sorensen, Phó chủ tịch nghiên cứu và công nghệ tại Hyperion Research có trụ sở tại Minneapolis (Mỹ), đánh giá.
Ông cho rằng lệnh cấm của Mỹ sẽ càng thúc đẩy Trung Quốc tự chủ công nghệ trong tương lai xa, tạo thêm động lực cho Trung Quốc củng cố ngành công nghệ của chính họ.
Thực tế, Trung Quốc đang có bước tiến đáng kể về siêu máy tính trong những năm qua, như Viện Công nghệ Máy tính Vô Tích Giang Nam dùng siêu máy tính để hỗ trợ các hệ thống quân sự lớn, theo Federal Register. Hay Sugon, công ty tự nhận là nhà sản xuất siêu máy tính lớn nhất châu Á, đang dùng hệ thống của mình giúp quân đội Trung Quốc mô phỏng thử nghiệm vũ khí hạt nhân cũng như xe trượt siêu âm. Trong khi đó, Học viện Công nghệ Điện toán Giang Nam, được cho là thuộc sở hữu của Viện Nghiên cứu số 56 - Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Giải phóng nhân dân Trung Quốc, có hệ thống siêu máy tính phục vụ quân đội dưới danh nghĩa "Lực lượng hỗ trợ chiến lược".
Các công ty khác đang xây dựng hệ thống siêu máy tính là Chengdu Haiguang Integrated Circuit, Chengdu Haiguang Microelectronics Technology và Higon. Tất cả đều nằm trong danh sách đen mới nhất của Mỹ.
Nỗ lực tự tạo siêu máy tính của Trung Quốc là một lĩnh vực mà Lầu năm góc đặc biệt quan tâm. Chính phủ Mỹ lo ngại quân đội Trung Quốc sẽ sử dụng nó để thử nghiệm và phát triển vũ khí hạt nhân cùng một loạt ứng dụng quốc phòng, như máy bay chiến đấu, tàu ngầm và tên lửa. Dù Trung Quốc tự phát triển một số chip xử lý hiệu suất cao, các chương trình liên quan đến siêu máy tính của họ vẫn phụ thuộc vào chip Mỹ.
James Mulvenon, chuyên gia Trung Quốc tại SOS International - một nhà đầu tư quốc phòng có trụ sở ở Bắc Virginia (Mỹ), cho rằng các công ty kể trên có thể là nạn nhân tiếp theo, tương tự Huawei ở mảng viễn thông và di động. "Đây sẽ là trường hợp nổi bật tiếp theo cho thấy sự phụ thuộc của công ty Trung Quốc vào nước ngoài, trong đó có công nghệ Mỹ", Mulvenon nói.
Trong khi đó, Tarek El-Ghazawi, giáo sư chuyên về siêu máy tính tại Đại học George Washington, nhận định kể cả xét về ngắn hạn, chính các đối tác cung cấp công nghệ siêu máy tính cho Trung Quốc như Intel hay Nvidia cũng chịu thiệt hại nặng. Còn về lâu dài, lệnh cấm làm cho Trung Quốc tiến bộ nhanh hơn về công nghệ siêu máy tính và sớm làm chủ nó." Tôi thấy đây là một trận chiến và phần thua nghiêng về phía Mỹ nhiều hơn", El-Ghazawi nêu quan điểm.
Tuy vậy, cũng có một số chuyên gia cho rằng đây chỉ là đòn gây áp lực mà Mỹ dành cho Trung Quốc trước cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hội nghị thượng đỉnh G20, dự kiến diễn ra tuần tới tại Nhật Bản.
"Động cơ của Mỹ chưa hẳn đến từ mối quan tâm an ninh quốc gia, nó có thể là một phần của cuộc chiến thương mại đang diễn ra", Robert K. Knake, chuyên gia chính sách an ninh mạng của Nhà Trắng thời Tổng thống Obama, nghi ngờ. "Nếu ông Trump đạt thỏa thuận thương mại theo ý muốn với Trung Quốc, ông ta liệu có gỡ bỏ lệnh cấm? Tôi nghĩ đó là một câu hỏi mở".
Richard C. Sofield, cựu luật sư của Bộ Tư pháp Mỹ và từng giám sát an ninh quốc gia về thương mại công nghệ Mỹ, cho rằng thông qua lệnh cấm, chính quyền Trump đang có thêm một bước thăm dò mới.
Thuật ngữ siêu máy tính (supercomputer) được dùng để chỉ những hệ thống máy tính khổng lồ, có sức mạnh tính toán cao gấp nhiều lần máy tính thông thường. Các siêu máy tính được tạo thành từ hàng nghìn máy tính nhỏ hơn, kết nối với nhau để thực hiện cùng một tác vụ cụ thể. Mỹ và Trung Quốc là hai cường quốc hàng đầu trong phát triển siêu máy tính. Năm 2016, Sunway TaihuLight của Trung Quốc là siêu máy tính mạnh nhất thế giới với tốc độ 93 petaflop. Tuy nhiên, Mỹ đã đòi lại vị trí này vào năm ngoái với Summit có tốc độ 200 petaflop (thực hiện được 200 nghìn tỷ phép tính mỗi giây).
Bảo Lâm (theo Washington Post)
Siêu máy tính đắt nhất thế giới của Mỹ thực hiện 1 tỷ tỷ phép tính/giây
Siêu máy tính Aurora dự kiến ra đời vào năm 2021 với mức giá 500 triệu USD. Trước đó, chi phí phát triển siêu máy ... |