Như chuyện “biết rồi, khổ lắm nói mãi”, những hạn chế trong công tác phòng cháy, chữa cháy ở các cơ sở kinh doanh có điều kiện như quán bar, massage, vũ trường, karaoke… và nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh đã nhiều lần được đề cập. Dù đã có hàng loạt biện pháp được áp dụng, nhưng nguy cơ cháy, nổ vẫn tiềm ẩn ở mức cao…
Thường trực nỗi lo
Theo Công an thành phố Hà Nội, 6 tháng đầu năm 2022, số vụ cháy trên địa bàn đã tăng 3 vụ, tăng 1 người chết so với cùng kỳ năm 2021. Đáng chú ý, vẫn còn tình trạng một số chủ đầu tư không chấp hành quy định về phòng cháy, chữa cháy nhưng vẫn đưa công trình vào sử dụng. Ngoài ra, toàn thành phố có tới 120.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh kết hợp làm nhà ở riêng lẻ, càng nhân lên nỗi lo thường trực về cháy, nổ.
Trước vụ cháy quán karaoke ISIS số 231 Quan Hoa (quận Cầu Giấy) ngày 1-8 vừa qua, cũng đã xảy ra nhiều vụ việc đau lòng tương tự. Đó là chiều 1-11-2016, đám cháy tại quán karaoke trên phố Trần Thái Tông (quận Cầu Giấy) đã làm 13 người tử vong. Trước đó, ngày 19-11-2013, ngọn lửa bùng phát tại quán bar Zone 9 ở khu 9A Trần Thánh Tông (quận Hai Bà Trưng) làm 6 người chết. Ngày 29-7-2017, tại xưởng sản xuất bánh kẹo nằm ven quốc lộ 32, xã Đức Thượng (huyện Hoài Đức) cũng đã xảy ra cháy làm 8 người chết... Nguyên nhân của 3 vụ cháy trên được xác định là do bất cẩn trong quá trình hàn xì, khiến lửa hàn bắn vào vật liệu thi công là chất dễ cháy, gây ra những cái chết thương tâm.
Ngoài ra, nhà dạng ống được các gia đình dùng để ở kết hợp với kinh doanh, chỉ có lối thoát hiểm duy nhất ở tầng 1 gây khó khăn rất lớn cho việc giải cứu người và tài sản cũng dẫn đến nhiều cái chết đau lòng. Điển hình là vụ cháy ngày 4-4-2021 khiến 4 người tử vong ở số nhà 311 phố Tôn Đức Thắng (quận Đống Đa). Đặc điểm chung của nhà dạng ống liền kề thường kết cấu ba mặt giáp với nhà bên cạnh, trong khi cửa ra vào chính ở mặt tiền và ban công thường bị che chắn kiên cố để chống trộm nên không có lối thoát hiểm. Hiện trạng này xảy ra phổ biến tại các quận trung tâm thành phố…
Sử dụng nhà ở kết hợp trông giữ xe máy tại tầng 1, bà Phạm Thị Phương ở ngõ 629 đường Giải Phóng (quận Hoàng Mai) cho biết, do đặc thù kinh doanh, để bảo đảm an toàn nên cửa chính của ngôi nhà được thiết kế hai lớp cửa gỗ và cửa sắt. Đây cũng là lối thoát hiểm duy nhất của gia đình. Biết là nguy hiểm nhưng gia đình vẫn thiết kế cửa kiên cố để chống trộm.
Lỗ hổng từ thiết kế đến sử dụng
Địa bàn quận Cầu Giấy, nơi từng xảy ra vụ cháy ngày 1-11-2016 cướp đi 13 sinh mạng, nhưng nỗi lo cháy nổ vẫn còn đó. Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy) Tống Xuân Duy chia sẻ, ngoài việc Đội Phòng cháy, chữa cháy cơ sở cấp phường sử dụng phương tiện xe máy, xe đạp tuần tra bám sát từng ngõ nhỏ, phố nhỏ…, thì việc thường xuyên kiểm tra đôn đốc công tác phòng cháy, chữa cháy tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện vẫn được địa phương quan tâm.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, tình trạng phổ biến hiện nay trong các khu dân cư là không có giải pháp phòng cháy hữu hiệu từ chính bản thân từng công trình của các gia đình cũng như chủ cơ sở kinh doanh ngay từ khâu thiết kế. Vì vậy, việc áp dụng biện pháp phòng cháy, chữa cháy thường là chắp vá, thiếu bài bản. Trong khi đó, công tác tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ nhân viên của nhiều cơ sở kinh doanh còn bị buông lỏng vì phần lớn những người này là lao động tự do, lao động thời vụ, nên khi hỏa hoạn xảy ra, đội ngũ này hầu như không có kỹ năng xử lý ban đầu…
Nhà nghiên cứu văn hóa - lịch sử, Tiến sĩ Đinh Đức Tiến, giảng viên Khoa Lịch sử (Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn) cho biết: “Nhìn lại các nguyên nhân vụ cháy quán karaoke đều có "mẫu số" chung là mất an toàn lao động trong quá trình hàn xì. Điều này cần xem xét lại việc giám sát quy trình sửa chữa cũng như những quy định phòng cháy, chữa cháy vốn là yêu cầu bắt buộc để cơ sở kinh doanh có điều kiện như quán karaoke được hoạt động. Cá nhân tôi được biết, hiện tại những sửa chữa nhỏ tại nhà riêng, cơ sở kinh doanh không phải xin phép chính quyền địa phương mà chủ nhân tự ý làm”.
Trong khi đó, theo Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình Nguyễn Trung Dũng, hiện nay chỉ có quy định, quy chuẩn về thoát nạn đối với các chung cư, trung tâm thương mại và công trình khách sạn, nhà khách, nhà nghỉ từ 5 tầng trở lên hoặc có khối tích trên 5.000m³, còn nhà ở đơn lẻ, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh vẫn chưa có quy định. Hầu hết công trình nhà ở riêng lẻ chỉ chú trọng tận dụng diện tích công năng sử dụng, chưa tính toán đến vấn đề thoát nạn khi sự cố xảy ra.
Còn theo Trưởng phòng Quản lý văn hóa (Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội) Lê Thị Hồng Hạnh, phần lớn các quán karaoke được cấp phép trước thời điểm xảy ra vụ cháy tại quán karaoke trên phố Trần Thái Tông không bảo đảm đủ điều kiện, quy định phòng, chống cháy, nổ, do không phải là công trình chuyên phục vụ cho karaoke mà được cải tạo từ công trình nhà ở.