Để đi đến thành công, không chỉ Vinfast cần được người Việt đón nhận, tiêu thụ, mà bất kể doanh nghiệp Việt nào cũng cần được thế.
Vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước, lần đầu tiên tôi đặt chân lên đất nước Hàn Quốc và đã thầm cảm phục dân tộc này vô cùng. Tôi đã thử "giải mã" và cảm nhận được sâu sắc vì sao nước họ phát triển nhanh đến mức thần kỳ sau 40 năm cuộc chiến tranh Nam - Bắc Triều tạm đình chiến, cho dù tài nguyên thiên nhiên rất nghèo nàn. Ngay từ lần ấy, tôi đã thầm mong ước Việt Nam mình cũng cần học hỏi tinh thần tự hào dân tộc, tự lực tự cường của dân tộc Hàn, tinh thần người Hàn tự hào dùng hàng "made in Korea". Chỉ có như vậy, dân tộc Việt chúng ta mới hùng cường đi lên.
Tinh thần Hàn Quốc: Tự hào khi dùng hàng nội địa!
Nếu ai đã đọc cuốn sách “Made in Korea” của ông Richard M. Steer - chuyên gia quản trị doanh nghiệp tại Trường kinh doanh Lundquist, Đại học Oregan, Hoa Kỳ, thì sẽ vô cùng cảm phục một doanh nhân vĩ đại người Hàn cách đây ngót 50 năm.
Tác giả cuốn sách muốn qua cuộc đời và sự nghiệp của một doanh nhân xứ Kim chi để đúc rút ra nguyên lý thành công của cái gọi là "tinh thần doanh nhân Hàn Quốc" và "dân tộc tính Hàn Quốc".
Cuốn sách “Made in Korea” của ông Richard M. Steer
Nhân vật trong cuốn sách nói trên là "vị thuyền trưởng vĩ đại của con tàu Hyundai". Ông Chung Ju Yung - người con trai cả trong một gia đình có 8 anh em ở ngôi làng nông nghiệp Asan rất nghèo khó của Hàn Quốc, đã xây dựng nên đế chế Hyundai bắt đầu từ con số 0 đầy gian khó năm xưa.
Thử hỏi, liệu trên thế giới có mấy ai như ông Chung, vào những năm 1970, dù chưa hề có kinh nghiệm đóng một chiếc thuyền nhỏ, mà lại có thể tự tin thuyết phục chính phủ đồng thuận cho mở công ty đóng tàu biển? Tiếp đó là thuyết phục đối tác nước ngoài hỗ trợ công nghệ rồi thuyết phục ngân hàng nước ngoài cho vay hơn 60 triệu USD để mở công ty đóng tàu biển hạng nặng?
Bất chấp sự bàn lùi, ngăn cản của giới khoa học, ông còn nghĩ ra phương pháp "tàu chở dầu", dùng lưới chèn đá quai đê lấn biển, tạo ra vùng đất mênh mông để trồng trọt, nhờ vậy đã cung cấp lương thực cho đất nước có tới 80% diện tích là đồi núi, đất đai cằn khô như Hàn Quốc.
Đã có quá nhiều điều người đời có thể gọi là "phép mầu", thế nhưng ông Chung luôn khẳng định "phép mầu chỉ có trong tôn giáo, chứ chính trị hay kinh tế thì không".
“Phép mầu”, theo ông, là thành quả của sự vận dụng sức mạnh ý chí, là phải có một niềm tin mãnh liệt vào "khả năng vô biên của con người". Chính cá tính mạnh mẽ, quyết liệt và những trải nghiệm ở vị thuyền trưởng Chung ấy đã lý giải vì sao doanh nhân vĩ đại này của Hàn Quốc luôn tâm niệm rằng: "Nếu lạc quan và có thái độ sẵn sàng thì bạn sẽ làm được bất cứ điều gì. Thành công hay thất bại đều là ở tư tưởng và thái độ của mình"...
Tuy nhiên, để đi tới thành công to lớn đối với Hyundai như hôm nay, ngoài sự vượt khó của người đứng đầu doanh nghiệp ấy, phải nhắc đến tinh thần của người Hàn Quốc và Chính phủ Hàn Quốc trợ sức giúp họ thành công. Đó là nhờ có chủ trương đúng của chính phủ, luôn hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp lúc còn gian khó. Đó là tinh thần "Người Hàn dùng hàng Hàn".
Nếu không có tinh thần yêu nước và tự hào dân tộc ấy, làm sao đất nước này chỉ trong vài chục năm đã có rất nhiều doanh nghiệp sản xuất ô tô ra đời, bám trụ kiên cường và thành công như bây giờ, không riêng chỉ Hyundai; làm gì có chuyện rất rất nhiều sản phẩm do người Hàn Quốc làm ra đủ sức cạnh tranh với nhiều thương hiệu mạnh trên thế giới.
Như tôi vừa nhắc đến từ đầu, từ những năm trước 1990, Hàn Quốc đã khích lệ người dân quan tâm và ủng hộ hàng hoá trong nước sản xuất. Trên mọi ngả đường, chúng tôi chứng kiến xe Hàn Quốc luôn chiếm vị trí độc tôn, tìm mỏi mắt cũng khó thấy một chiếc xe nước ngoài nào khác.
Nếu không có tính dân tộc và tinh thần dân tộc cao như người Hàn thì thử hỏi đất nước họ có phát triển nhanh và vững chắc đến như vậy không? Tôi nghĩ là rất khó, thậm chí là không thể!
“Tự hào Việt Nam” và trách nhiệm với sản phẩm của người Việt!
Nhiều chuyên gia kinh tế đã có chung một nhận xét rằng, một quốc gia có đến trăm triệu dân thì rất cần và rất nên nghĩ đến chuyện xây dựng một nhà máy sản xuất xe hơi cho đất nước mình. Đó không chỉ là danh dự, là bộ mặt cho một quốc gia phát triển mà còn rất hiệu quả về kinh tế, nhất là tình hình kinh tế và đời sống người dân của quốc gia đó đang dần khá lên.
Trong lịch sử nước nhà, ngành sản xuất ô tô đã xuất hiện cả nửa thế kỷ nay ở cả hai miền khi đất nước còn bị chia cắt, tiếc rằng đã không duy trì được và lụi tàn.
650 chiếc xe VinFast Fadil đầu tiên đã đến tay người tiêu dùng trong ngày 17/6/2019.
Ở miền Bắc, Nhà máy Chiến Thắng (Hà Nội) đã cho ra đời chiếc ôtô 4 chỗ ngồi đầu tiên do người Việt Nam tự chế tạo vào ngày 21/12/1958, lấy mẫu từ chiếc Fregate chạy bằng xăng của Pháp. Tuy nhiên, do điều kiện chiến tranh ở miền Bắc nên xe “Chiến Thắng” không được sản xuất hàng loạt, rồi sau đó thì dừng hẳn. Dù sao, đây có thể coi là sự bắt đầu của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.
Ở miền Nam, trước ngày đất nước thống nhất 1975, xe hơi hiệu La Dalat do hãng Citroën của Pháp thiết kế và nắm bản quyền chế tạo, người Việt chỉ được thuê làm công nhân lắp ráp. Nhưng do xe La Dalat được lắp ráp tại nhà máy Citroën đặt tại Sài Gòn, một số bộ phận đơn giản của xe (đèn chiếu sáng, còi báo hiệu, ghế nệm) được nội địa hóa (tỷ lệ nội địa mới đạt 25-40%), nên một số người tại Việt Nam vẫn coi La Dalat là xe hơi "made in Vietnam". Tiếc rằng sau đó, chúng ta chủ trương xoá bỏ tư sản mại bản nên nhà máy không tồn tại nữa.
Bây giờ, với tỷ lệ nội địa như thế, theo quy định, người ta vẫn coi nó chỉ là xe lắp ráp, như vài chục năm qua các liên doanh lắp ráp xe hơi đến Việt Nam.
Trước Vinfast có đến chục năm, doanh nghiệp sản xuất xe tải nhẹ Vinaxuki của ông chủ Bùi Ngọc Huyên cũng khá đình đám và rất đáng nể trọng. Nhưng do đường hướng chưa chuẩn so với thực lực, ông đã bỏ thế mạnh sản xuất xe tải nhẹ chuyển sang sản xuất xe con 4 chỗ. Vốn thiếu, chất lượng xe lại không được thị trường chấp nhận, nên doanh nghiệp này đành đắp chiếu trong đống nợ đáng tiếc. Đây quả là điều đáng tiếc cho ông Huyên với khát vọng thật tốt đẹp nhưng không thành.
Vinfast của tỷ phú Phạm Nhật Vượng lại khác. Bước đi của ông khi quyết định đầu tư vào lĩnh vực sản xuất xe hơi thật chắc chắn, bài bản, căn cơ, mà vốn liếng thì lại rất mạnh, dễ được ngân hàng tin tưởng và chấp nhận cho vay hơn rất nhiều. Ông cũng thừa hiểu, người đi sau luôn gặp nhiều gian nan và có được thị phần thật không dễ dàng, nhất là với Việt Nam, khi đây không phải là lĩnh vực chúng ta có uy tín trên thương trường dù công nghệ rất hiện đại.
Thực trạng cũng cho thấy chúng ta vẫn còn áp dụng chính sách thuế quan với ô tô quá cao, khiến cho giá ô tô tại Việt Nam cao gấp 3 - 4 lần so với giá xe các nước như Pháp, Mỹ, Nhật Bản... Điều này rồi đây sẽ thay đổi và sẽ là cơ hội cho doanh nghiệp sản xuất ô tô trong nước tiêu thụ sản phẩm tốt hơn...
Người tiêu dùng trải nghiệm chiếc xe Vinfast Fadil trước khi lăn bánh ra đường phố. Ảnh: Nguyễn Chương.
Ông Bùi Huy Hùng - nguyên Tổng giám đốc Công ty 3C một thời oanh liệt đầu những năm 1990, mới đây đã có nhận xét khá thú vị với tôi rằng: "Vinfast rồi đây sẽ phải cạnh tranh sòng phẳng với phần còn lại của thế giới để chinh phục người tiêu dùng. Tôi nghĩ là họ rất hiểu điều đó nên đã chấp nhận ra biển lớn. Họ quả là những người dũng cảm và tài giỏi, dám làm việc cực khó và rất mạo hiểm bằng tiền của mình (nếu có vay mượn thì phải chịu trách nhiệm). Trong thời buổi ở nước ta, khi mà cả quan lẫn dân thích chém gió phần phật, thích "nổ" tung trời, mà có những người làm ra sản phẩm cụ thể, thiết thực cho xã hội như thế thì thật đáng khích lệ. Dù phía trước họ sẽ còn vô vàn khó khăn, nhưng tôi vẫn xin chúc họ thành công!”.
Vài ngày trước, Nhà máy sản xuất ôtô VinFast (Tập đoàn Vingroup) đã chính thức khánh thành và bước vào giai đoạn sản xuất hàng loạt, chỉ sau 21 tháng xây dựng. Hôm qua 17/6, những chiếc xe đầu tiên của Vinfast đã được bàn giao cho khách hàng.
“Khoảnh khắc chiếc xe PTO đầu tiên lăn bánh. Đó là lúc tôi nhìn vào những đôi mắt cộng sự của mình và nói rằng chúng ta đã làm được điều không thể. Và tôi phải tự thú rằng, tôi đã bật khóc!”, tâm sự của ông Benjamin Peter Stewart - Giám đốc hậu cần sản xuất của Vinfast đã cho thấy, ngay đến người nước ngoài đến làm thuê cho người Việt cũng nể người Việt mức nào.
Để đi đến thành công, không chỉ Vinfast cần được xã hội người Việt đón nhận, tiêu thụ, mà bất kể doanh nghiệp Việt nào cũng cần được thế.
Nên chăng, ngay lúc này nên phát động một phong trào lớn: Người Việt Nam tự hào dùng hàng Việt Nam. Nên chăng, hãy bắt đầu từ các cơ quan nhà nước qua các vị lãnh đạo hãy làm gương, sử dụng các sản phẩm trong nước sản xuất, lắp ráp, mang thương hiệu Việt. Từ đó, sản phẩm Việt Nam sẽ ngày một lan toả, được kiểm nghiệm chất lượng tích cực hơn. Cũng từ đó, trong lĩnh vực xe hơi, tôi nghĩ giá thành sản phẩm sẽ giảm hơn hiện nay, khi nhà máy chạy hết công suất. Tuy nhiên, Nhà nước khi ban hành chính sách cũng cần khách quan, công bằng, không để thất thu thuế nhưng rất cần nhất quán, có tầm nhìn xa, tránh thay đổi để doanh nghiệp luôn phải chạy theo, rất mệt mỏi.
VinFast - huyền thoại ngành công nghiệp ô tô Việt Nam
“Với VinFast, sản xuất ô tô ‘Made in Vietnam’ đã không còn chỉ là ước vọng.Người Việt Nam chúng ta đang thật sự sản xuất ... |
Honda Brio ra mắt đối đầu VinFast Fadil, giá từ 418 triệu đồng
Liên tiếp trong tháng 6, 2 mẫu xe hạng A ra mắt thị trường Việt Nam. Honda Brio xuất hiện ngay sau VinFast Fadil, giá ... |
VinFast Fadil đến tay khách hàng: Yêu từ lần “chạm” đầu tiên
Fadil, dòng ô tô đầu tiên của VinFast đã chính thức đến tay khách hàng tại sự kiện giao xe lớn nhất từ trước đến ... |
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng xúc động cảm ơn khách hàng VinFast
“Chúng tôi cam kết sẽ nỗ lực không ngừng để khẳng định đẳng cấp và vị trí của thương hiệu Việt Nam trên trường quốc ... |