Một mùa mưa bão lại đến và tôi sẽ không bỏ tiền ra để ủng hộ từ thiện. Tôi và nhiều người khác đang chờ đợi một sự chuyên nghiệp của công tác từ thiện ở Việt Nam.
Quán cơm Nụ Cười |
Sống để làm điều tốt |
Một mùa mưa bão lại đến. Người dân lại một phen lao đao, mất nhà cửa, mất nguồn sống. Tôi nghĩ bản thân mình là một người may mắn khi không phải gánh chịu những thảm họa, thiên tai như đồng bào miền Trung. Hơn bất cứ điều gì, tôi phải khẳng định là một người dân Việt Nam, ai ai cũng thương xót, ngậm ngùi nào trước cảnh tượng những cơn bão đến và đi, mang theo của nải như những tên cướp.
Vài ngày qua, điện thoại của tôi nhận được những tin nhắn kêu gọi ủng hộ "vì đồng bào vùng lũ". Chỉ với dòng tin nhắn theo cú pháp đơn giản, tôi có thể mang biếu 20.000 đồng cho một người nông dân trắng tay hay giúp đỡ phần nào đó cho một ngôi trường học đổ nát cần khắc phục sau thiên tai. Cước phí chỉ là 300 đồng/tin. Một con số quá rẻ để làm từ thiện.
Từ thiện cần phải tạo được niềm tin.
Nếu bạn là một người chẳng mấy khi bỏ tiền ra để ủng hộ những người khó khăn, đây là một công cụ tốt để có thể làm từ thiện một cách tiết kiệm, thậm chí có thể khoe khoang với bạn bè rằng mình có một tấm lòng khá quảng đại. Hay chí ít nó cũng giúp bản thân bớt cảm giác áy náy khi chứng kiến cảnh người người, nhà nhà đi làm từ thiện tiền tỷ như trẩy hội mà mình lại không làm được điều gì.
Nhưng với tôi, có lẽ dù chỉ mất thao tác chưa đến 1 phút để gửi tin nhắn và mất đi số tiền quá nhỏ như vậy, tôi cũng sẽ không gửi. Tôi không muốn đồng tiền của mình dù là 300 đồng có thể sẽ trôi vào túi một người khác chứ không phải một hoàn cảnh nào đó mà tôi đang rưng rưng đồng cảm.
Cách làm của nhà mạng trong việc kết hợp với một đơn vị nào đó kêu gọi khách hàng nhắn tin ủng hộ không phải là sai, thậm chí là rất có ý nghĩa. Nhưng cái tôi cần là một sự minh bạch. Hay chí ít ra tôi muốn biết tôi sẽ giúp cho những ai, số tiền của tôi hay của bao người khác sẽ được chuyển đến đâu, và điều gì chắc chắn rằng sẽ không có sự khuất tất ở đây.
Tôi nhớ đến khoảng thời gian này năm ngoái, trên trang Facebook cá nhân có hơn một triệu người theo dõi của một nam MC nổi tiếng đã kêu gọi mọi người cùng chung tay ủng hộ cho đồng bào lũ lụt miền Trung bằng cách gửi thẳng tiền vào tài khoản cá nhân của anh.
Với tầm ảnh hưởng lớn, được nhiều người yêu thích và là nhân vật phản biện khá có tiếng trên mạng xã hội, không ngạc nhiên khi nhân vật này thu về số tiền khổng lồ lên tới 24 tỷ đồng.
Chuyện sẽ không có gì đáng nói nếu số tiền thu về không phải là... 24 tỷ đồng. Một số tiền quá lớn không phải chỉ là một vài chục, một vài trăm triệu không thấm vào đâu so với thu nhập của một MC đắt khách nhất nhì Việt Nam như anh. 24 tỷ có thể sẽ vượt xa số tài sản mà nhân vật này có. Nó khiến cho những người hoài nghi cho rằng, biết đâu anh sẽ chiếm đoạt phần lớn số tiền này thành của riêng?
Vài ngày sau, một làn sóng phản đối dữ dội lan truyền trên mạng cùng với những phân tích về các lỗ hổng được cho là có sự gian trá trong việc giải ngân số tiền từ thiện nói trên. Người ta thấy nam MC với gương mặt đen nhẻm, thấm đẫm mồ hôi, lặn lội vào miền Trung nước lũ đi trao từng món quà tận tay cho những người đồng bào đang mong chờ những người như anh tới như nắng hạn chờ mưa.
Nhưng hình ảnh đó không làm vừa lòng những người hoài nghi anh. Có những câu hỏi đặt ra là 24 tỷ là một số tiền quá lớn, vì sao nó chỉ được chuyển hóa thành những thùng mì tôm bé nhỏ tại một số xã ở Quảng Bình, Hà Tĩnh và chấm hết? Số tiền còn lại là bao nhiêu? Vì sao cả nửa tháng sau đó MC này không còn hoạt động từ thiện nào hết? Hay có gì khẳng định số tiền mà anh ta thu được là 24 tỷ hay còn hơn thế nữa?
Nam MC này im lặng. Và chỉ đến khi làn sóng phản đối anh trở nên quá dữ dội, hay chỉ khi đến cả những người hâm mộ nhất cũng bày tỏ hoài nghi, nhân vật này mới bắt đầu lên tiếng bằng những bảng thống kê thu chi từ ngân hàng sơ sài. Anh giải thích rằng số tiền còn lại sẽ được anh tiếp tục chuyển giao cho bà con ở những lần sau!?
Tất nhiên nó không phải là một lời giải thích làm hài lòng tất cả. 24 tỷ không phải một con số nhỏ, những người có tấm lòng thực sự sẽ không bao giờ chấp nhận một sự lập lờ trong câu chuyện này. Tại sao số tiền không được chi hết. Biết đâu để lâu cứt trâu lại hóa bùn?
Vụ việc sau đó trở thành một vệt đen không mong muốn trong sự nghiệp đang chói sáng của nam MC nổi tiếng. Về sau này, anh phải lập hẳn một trang web đăng tải toàn bộ hoạt động, thống kê tài chính xung quanh số tiền từ thiện nói trên và chỉ khi đó, câu chuyện mới dần lắng xuống.
Chưa bàn đến việc có sự mờ ám nào trong đó hay không, nhưng nó thực sự là một bài học và câu chuyện suy ngẫm cho bất cứ ai muốn đi làm từ thiện trong thời buổi hiện nay. Cầm tiền của người khác không phải chuyện dễ dàng. Không phải uy tín lớn có thể trở thành chìa khóa cho sự bảo đảm. Có lẽ ngay từ đầu nam MC nổi tiếng nói trên nên nhận ra rằng, từ thiện phải đi đôi với sự minh bạch, dù mục đích của anh thật sự là gì.
Mọi hoạt động gây quỹ, ủng hộ từ thiện ở nước ngoài đều phải tuân theo quy chuẩn của pháp luật.
Chương trình "60 phút Mở" từng khiến người xem tranh luận khi nhà báo Tạ Bích Loan đặt ra câu hỏi: "Họ từ thiện vì ai, để giúp đỡ hay do muốn thể hiện, chứng tỏ bản thân?".
Nhiều người cho rằng chủ đề đặt ra bởi nhà báo Tạ Bích Loan là một sự xúc phạm đối với những nhân vật từ thiện có tiếng thời gian qua. Nhưng với tôi đó là một câu hỏi đi thẳng vào sự thật và là điều tôi muốn biết trước khi rút hầu bao bỏ ra một số tiền cho một mục đích cao cả.
Ngay cả trước khi chương trình được phát sóng, nó cũng luôn là câu hỏi lởn vởn trong đầu tôi mỗi khi nhìn thấy những lời kêu gọi từ thiện ở đâu đó.
Lừa đảo thông qua hình thức thiện nguyện không còn là câu chuyện lạ trên thế giới. Ở các nước phương Tây như Australia, Mỹ hay Canada, quy định về hoạt động từ thiện được đặt trong khung pháp lý rất rõ ràng. Các tổ chức từ thiện hay cá nhân khi kêu gọi sự ủng hộ trong cộng đồng đều phải thông qua các công ty gây quỹ chuyên nghiệp được cấp giấy phép của chính quyền. Các công ty gây quỹ sẽ có trách nhiệm thay mặt kiểm soát các khoản đóng góp và đảm bảo công khai số tiền mà họ thu về và chịu trách nhiệm trước pháp luật. Từng khoản tiền sẽ được đăng tải một cách minh bạch thông qua các tài liệu, thông cáo báo chí một cách bắt buộc, để cho công chúng biết rằng, ai là người đóng góp, số tiền đó được giao cho ai, với mục đích gì. Ngược lại, mọi hành động kêu gọi gây quỹ cộng đồng gửi vào tài khoản cá nhân hay không công khai số tiền thu được đều được coi là bất hợp pháp.
Quay trở lại câu chuyện từ những tin nhắn mà tôi nhận được. Dù nội dung nhấn mạnh rằng nhà mạng viễn thông này kết hợp với một tổ chức khá uy tín, tôi vẫn không thể vứt bỏ sự hoài nghi của mình. Tôi từng nhiều lần nhận được những tin nhắn như vậy nhưng rất hiếm khi (mà có thể là không bao giờ) tôi thấy các nhà mạng đăng tải thông tin về số tiền họ thu về từ hàng chục triệu thuê bao khách hàng (tất nhiên nếu làm một phép nhân thì số tiền này là không nhỏ).
Ngoài việc có cơ hội trực tiếp trao quà hoặc biếu một số tiền nhỏ cho những đối tượng khó khăn, tôi sẽ không bao giờ đi làm từ thiện bằng cách ủy thác tình thương của mình cho một người khác. Tôi đang chờ đợi một sự chuyên nghiệp của "ngành" từ thiện ở Việt Nam.
Nhìn vào số tiền 24 tỷ mà nam MC trên kêu gọi được, tôi càng khẳng định chắc chắn rằng người Việt Nam yêu thương đồng bào hơn bất kỳ điều gì. Nhưng điều khiến nhiều người trong đó có cả tôi cảm thấy băn khoăn đó là sự thiếu niềm tin.
Trước đây, tôi chỉ miễn cưỡng ủng hộ vài chục nghìn đồng cho những lời kêu gọi từ thiện xung quanh mình và cảm thấy như thế là quá nhiều so với thu nhập của bản thân. Nhưng biết đâu nếu tìm được một nơi tôi có thể chuyển giao sự đồng cảm một cách hoàn toàn tin tưởng, tôi có thể ủng hộ đến cả tháng lương của mình.
http://www.nguoiduatin.vn/sau-mua-mua-bao-toi-se-khong-uy-thac-tinh-thuong-neu-thieu-niem-tin-a339412.html