Các phương án nới lỏng giãn cách xã hội sau ngày 21.9 sẽ được Thành uỷ xem xét, trong đó có phương án lưu thông xe khách nội đô và liên tỉnh.
Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội vừa qua đã họp nghe báo cáo và cho ý kiến chỉ đạo về công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố, trong đó có việc nới lỏng giãn cách tại các vùng "xanh, đỏ, cam" của thành phố. Các giải pháp đưa ra sẽ dựa trên đặc thù dân cư, tình hình dịch bệnh của từng địa bàn để có phương án cho phù hợp; tránh khuynh hướng lơ là, chủ quan, nóng vội, chưa chuẩn bị tốt, chưa an toàn đã nới lỏng.
Về việc người ở các tỉnh, thành khác có được về Hà Nội sau ngày 21.9 không, ông Vũ Văn Viện - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho hay, thành phố vẫn đang tăng cường công tác kiểm tra các phương tiện qua các chốt kiểm soát dịch... Đồng thời thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thành ủy và UBND thành phố, Sở GTVT Hà Nội tập trung xây dựng phương án để mở lại các loại hình vận tải hành khách công cộng và liên tỉnh theo từng giai đoạn, phù hợp với các quy định về kiểm soát dịch bệnh của ngành Y tế đối với hành khách và người điều khiển phương tiện.
Theo ông Viện, phía sở sẽ căn cứ vào chỉ thị của Thành phố để mở lại các loại hình vận tải hành khách cho phù hợp. Người dân làm việc tại Hà Nội đang “mắc kẹt” tại các tỉnh được trở lại thành phố từ 21.9 nếu đảm bảo các điều kiện phòng chống dịch. Nếu những cơ sở làm việc, sản xuất kinh doanh được thành phố cho phép hoạt động thì người lao động sẽ được trở lại Thủ đô.
Thủ tục, giấy tờ sẽ được cơ quan công an hướng dẫn cụ thể khi có chỉ đạo mới của thành phố. Việc đi lại trong nội thành và Hà Nội với các tỉnh thì vẫn theo chủ trương mọi người chỉ ra đường khi cần thiết, tuân thủ quy định phòng chống dịch.
Trước mắt, theo Công văn số 3084/UBND-KGVX ngày 15.9.2021 của UBND TP.Hà Nội về điều chỉnh một số biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, thành phố có nới lỏng một số hoạt động xã hội.
Trên địa bàn Thủ đô hiện còn 1 quận nguy cơ rất cao là Thanh Xuân; 2 quận nguy cơ cao là Hoàng Mai và Đống Đa; 9 quận, huyện nguy cơ là Ba Đình, Gia Lâm, Hai Bà Trung, Hoài Đức, Hoàn Kiếm, Hà Đông, Thanh Trì, Thường Tín, Đan Phượng; 18 quận, huyện, thị xã còn lại ở mức bình thường mới. Do đó, người dân ra khỏi Hà Nội trước ngày 24.7.2021 và muốn quay lại Hà Nội; người bán hàng hóa thiết yếu từ các tỉnh, thành khác vào Hà Nội cần có: Căn cước công dân, giấy tờ chứng minh việc buôn bán, kết quả xét nghiệm âm tính bằng PCR (có giá trị trong vòng 3 ngày). Người ở tỉnh, thành khác vào TP.Hà Nội làm việc, lao động trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được phép hoạt động cần có giấy xác nhận của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.
Trước câu hỏi liệu việc nới lỏng giãn cách có bị ảnh hưởng khi ổ dịch tại quận Long Biên đang gia tăng ca nhiễm, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội cho biết, lộ trình nới lỏng giãn cách được xây dựng chặt chẽ dựa trên đánh giá các yếu tố nguy cơ và linh hoạt theo diễn biến dịch. Do đó, khi xuất hiện một ổ dịch mới, người dân không nên quá hoảng sợ mà đảo lộn lộ trình nới lỏng giãn cách. Không vì một vài ổ dịch đã phong tỏa mà giãn cách xã hội trên diện rộng toàn phường, quận/huyện hay toàn thành phố.
Nói về việc vận hành lại bến xe sau ngày 21.9, ông Lý Trường Sơn - Giám đốc Bến xe Mỹ Đình cho biết, hiện tại đơn vị này chưa nhận được chỉ đạo từ phía các cơ quan ban ngành. Phía bến xe rất "sốt ruột", muốn sớm trở lại hoạt động vì đã phải đóng cửa, dừng phục vụ hành khách nhiều tháng nay. Việc mở theo tỉ lệ và công suất bao nhiêu để đảm bảo công tác phòng chống dịch COVID-19 sẽ được căn cứ theo chỉ đạo của thành phố và của Sở Giao thông Vận tải.
Ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành Phát - đơn vị sở hữu hãng xe khách Sao Việt (Hà Nội - Lào Cai) thông tin, hiện tại phía thành phố và Sở đang xây dựng phương án nhưng nhiều nhà xe chưa sẵn sàng hoạt động lại. Bởi hiện tại nhà xe phụ thuộc vào các tỉnh có điểm đến và điểm đi, trong đó có Lào Cai.
Theo ông Bằng, hiện tại nhiều bến xe của Hà Nội như Giáp Bát, Gia Lâm, Yên Nghĩa... vẫn nằm trong vùng "đỏ" và vùng "cam," đây là những nơi chưa được hoạt động. Có thể trước mắt Hà Nội sẽ ưu tiên xe buýt công cộng hoạt động lại trước. Tần suất hoạt động của xe buýt không quá 50% công suất. Xe chỉ được vận chuyển không quá 50% số chỗ (ngồi, đứng) và không quá 20 người tại cùng một thời điểm trên xe, kể cả lái xe và nhân viên phục vụ.
PV (th)
Phát hiện 2 xe khách chở "chui" 35 người từ vùng dịch về Quảng Bình |
Hoán cải 15 xe khách thành xe vận chuyển bệnh nhân COVID-19 |
9 ca Covid-19 ở Hải Phòng liên quan một chuyến xe khách |