Sát cánh ủng hộ ASEAN trong vấn đề Biển Đông

Lập trường chung mang tính nguyên tắc của các thành viên ASEAN về Biển Đông, trong đó đề cao luật pháp quốc tế và nhấn mạnh Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 là khung khổ điều chỉnh các hành vi trên biển và đại dương, nhận được sự ủng hộ rộng rãi và mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế.

dai-su-vu-ho-phat-bieu-tai-doi-thoai-thuong-nien-asean-canada-lan-thu-19-5266
Đại sứ Vũ Hồ phát biểu tại Đối thoại thường niên ASEAN-Canada lần thứ 19

Giá trị cốt lõi của ASEAN trong vấn đề Biển Đông

Tại cuộc đối thoại thường niên ASEAN - Canda lần thứ 19 diễn ra ngày 21-6 vừa qua theo hình thức trực tuyến, trước những diễn biến phức tạp của tình hình khu vực và quốc tế, các quan chức cấp cao (SOM) của ASEAN và Canada cùng nhấn mạnh, cần phải chung tay bảo đảm môi trường hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực, trong đó có an ninh và an toàn hàng hải tại các vùng biển trong khu vực, tạo thuận lợi cho đà phục hồi, hợp tác và phát triển.

Phía Canada khẳng định ủng hộ vai trò và những nỗ lực của ASEAN thúc đẩy đối thoại, hợp tác và xây dựng lòng tin tại khu vực, đồng thời nhấn mạnh ủng hộ lập trường nguyên tắc của ASEAN về Biển Đông và những nỗ lực thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) cũng như phấn đấu xây dựng Bộ quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.

Phát biểu tại đối thoại, Đại sứ Vũ Hồ, Quyền Trưởng SOM ASEAN Việt Nam, một lần nữa khẳng định lại lập trường nguyên tắc nhất quán của ASEAN về Biển Đông, trong đó đề cao luật pháp quốc tế, xây dựng lòng tin, kiềm chế, không quân sự hóa, giải quyết hòa bình các tranh chấp, thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC và xây dựng COC hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982, nỗ lực đưa Biển Đông thành vùng biển hòa bình, hợp tác và phát triển.

Có thể nói, trong bất kỳ cuộc đối thoại, diễn đàn hay hội nghị quốc tế nào liên quan tới vấn đề hòa bình, ổn định và an ninh cũng như hợp tác của khu vực, vấn đề Biển Đông luôn nổi lên như một mối quan tâm hàng đầu của tất cả các bên tham gia. Điều này cũng dễ hiểu do vị trí địa chính trị hết sức quan trọng của Biển Đông với các thành viên ASEAN cũng như khu vực và thế giới. Tuy nhiên, vùng biển chiến lược là không gian sinh tồn của nhiều quốc gia ASEAN này thời gian dài qua lại luôn trong tình trạng căng thẳng, tiềm ẩn những nguy cơ đe dọa an ninh và ổn định cũng như đe dọa tự do hàng hải và hàng không do những hành vi hung hăng, gây hấn, bắt nạt của Trung Quốc nhằm hiện thực hóa yêu sách đòi chủ quyền phi lý với khoảng 80% diện tích Biển Đông.

Thực tế cho thấy, mọi diễn biến căng thẳng ở Biển Đông đều là nguồn gốc gây lo ngại sâu sắc cho các nước ASEAN vốn có lợi ích chiến lược to lớn trong đảm bảo hòa bình, an ninh, tự do hàng hải, hàng không ở vùng biển này. Trong đó, hoạt động quân sự hóa tiếp diễn ráo riết của Trung Quốc nhiều năm qua là mối đe dọa nghiêm trọng nhất với an ninh và sự ổn định ở Biển Đông cũng như toàn bộ khu vực.

Căng thẳng, tranh chấp ở Biển Đông vì thế đã trở thành một trong những quan tâm chính của ASEAN trong các vấn đề an ninh và phát triển. Thách thức, đe dọa an ninh càng lớn, ASEAN lại càng chứng tỏ giá trị cốt lõi làm nên thành công của mình là đoàn kết, sát cánh cùng nhau để ứng phó. ASEAN thực sự đã trở thành “Một Cộng đồng chung, Một vận mệnh chung”, sự đoàn kết của ASEAN càng được ưu tiên hàng đầu. Điều này rất quan trọng để ASEAN có vị trí trung tâm cầm lái, định hình sự phát triển khu vực cũng như góp phần vào việc xử lý các thách thức chung ở khu vực.

Ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN

ASEAN những năm qua đã luôn thể hiện bản lĩnh và vai trò tự chủ trong duy trì hòa bình, an ninh và ổn định trên Biển Đông. Cả Hiệp hội kiên định lập trường nguyên tắc về Biển Đông; thúc đẩy mạnh mẽ cam kết của các nước tuân thủ luật pháp quốc tế, hành xử trách nhiệm, kiềm chế, không có hành động gây căng thẳng, làm phức tạp tình hình. Bảo đảm tự do, an toàn, an ninh hàng hải và hàng không là lợi ích của tất cả các quốc gia. Giải quyết mọi tranh chấp bằng biện pháp hòa bình dựa trên luật pháp quốc tế.

Lập trường chung mang tính nguyên tắc, phù hợp với luật pháp quốc tế, có lợi cho thúc đẩy hòa bình, ổn định, an ninh và hợp tác ở Biển Đông của ASEAN đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi trên khắp thế giới. Tại các phiên làm việc chính thức của Hội nghị Cấp cao Đặc biệt ASEAN - Mỹ diễn ra ở Thủ đô Washington trung tuần tháng 5 vừa qua, lãnh đạo ASEAN và Mỹ chia sẻ nhận định rằng, tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp với nhiều thách thức mới nảy sinh, đồng thời khẳng định hai bên cùng phối hợp chặt chẽ đóng góp duy trì hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực, trong đó có an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông. Nhà lãnh đạo Mỹ khẳng định ủng hộ lập trường của ASEAN về Biển Đông, hoan nghênh ASEAN thúc đẩy hợp tác, đối thoại và xây dựng lòng tin ở khu vực, nỗ lực xây dựng COC hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982.

Làm việc với Lãnh đạo ASEAN nhân dịp Hội nghị Thượng đỉnh đặc biệt ASEAN - Mỹ, các nghị sỹ Mỹ đã đánh giá cao tầm quan trọng của ASEAN đối với hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển ở khu vực, khẳng định luôn ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN, đồng thời cam kết sẽ hỗ trợ để Mỹ tiếp tục tham gia tích cực, xây dựng và trách nhiệm vào hợp tác khu vực.

Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao tổ chức nhân kỷ niệm 30 năm quan hệ đối tác ASEAN-Ấn Độ diễn ra ngày 16-6 vừa qua tại Thủ đô New Delhi, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar khẳng định ủng hộ lập trường nguyên tắc của ASEAN về Biển Đông, đề cao luật pháp quốc tế và nhấn mạnh UNCLOS năm 1982 là khung khổ điều chỉnh các hành vi trên biển và đại dương. Ấn Độ ủng hộ ASEAN thúc đẩy đối thoại và xây dựng lòng tin, thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC, xây dựng Bộ COC thực chất, hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982. Ấn Độ cũng khẳng định tiếp tục phối hợp với ASEAN để duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn và tự do hàng hải ở Biển Đông.

Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio trong chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 5-2022 đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, bao gồm tôn trọng đầy đủ các tiến trình ngoại giao và pháp lý, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS năm 1982. Nhà lãnh đạo Nhật Bản bày tỏ sự ủng hộ lập trường của Việt Nam cũng như ASEAN khi nhấn mạnh rằng cần thực hiện đầy đủ, toàn diện, hiệu quả DOC, sớm hoàn tất COC.

Hoàng Hà / ANTĐ