Có tới 26/38 nước được khảo sát, người dân nước sở tại không thích cách làm ăn của người Trung Quốc với triết lý kinh doanh “lợi mình hại người”...
Thời gian gần đây, việc người dân trồng hồ tiêu và doanh nghiệp kinh doanh hạt tiêu Việt Nam bị thương lái Trung Quốc lừa đau đã gây xôn xao cộng đồng. Bởi đây không phải là lần đầu tiên thương lái Trung Quốc làm điều này và chiêu thức thực hiện lại rất quen thuộc.
Có nhiều nhìn nhận rằng, do người dân và doanh nghiệp Việt Nam chủ quan, hoặc vì hám lợi nên bị thương lái Trung Quốc đưa vào tròng. Tuy nhiên, khi thương lái Trung Quốc vẫn dựa vào chiêu thức cũ mà lừa được người dân và doanh nghiệp Việt Nam thì vấn đề không còn mang tính cảm xúc nữa. Vậy nguyên nhân từ đâu?
Hồ tiêu Việt Nam nhiều lần bị thiệt hại bởi nhân tai Trung Quốc |
Hồ tiêu Việt Nam giúp thương nhân Trung Quốc làm giầu
Hẳn dư luận - nhất là những người trong ngành hồ tiêu Việt Nam - không quên nội dung lời phát biểu của ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) tại Hội nghị thường niên của VPA tổ chức vào ngày 8/5/2015 ở TP HCM.
Khi đó người đứng dầu VPA cho biết, năm 2014 hồ tiêu lần đầu lọt vào nhóm các mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỉ USD với kim ngạch 1,2 tỉ USD và trong 4 tháng đầu năm 2015, đã xuất khẩu được 57.000 tấn hạt tiêu, trị giá 521 triệu USD.
Ông Chủ tịch VPA khẳng định, hồ tiêu Việt Nam xuất khẩu đi 97 quốc gia và vùng lãnh thổ nên không bị phụ thuộc thị trường, ngay cả với Trung Quốc (chiếm 20% thị phần) khi ngưng mua hàng, Việt Nam vẫn dễ dàng bán sang các nước khác, buộc Trung Quốc phải quay lại mua với giá cao hơn.
Và giai đoạn 2014-2015 được xem là thời hoàng kim của hồ tiêu Việt Nam, khi đó giá cả lên đến trên 160.000 VND/kg. Tuy nhiên, sang năm 2016 giá hạt tiêu thương phẩm giảm xuống chỉ cỏn khoảng 135.000 VND/kg, và hiện nay - 2 năm sau thời hoàng kim - giá hạt tiêu Việt Nam chỉ cỏn khoảng 85.000 VND/kg - giảm tới 50%.
Điều gì khiến cho thời hoàng kim của hồ tiêu Việt Nam qua nhanh như vậy?
Có thể thấy rằng, hồ tiêu Việt Nam bước vào thị trường thế giới và từng bước chiếm lĩnh tới 30% thị phần khiến VPA quá tự tin, dẫn đến chủ quan về triển vọng của loại cây gia vị đặc biệt này.
Thị trường luôn là nơi quyết định đối với sản xuất, song có lẽ vì có tới 97 khách hàng nên dường như những người định hướng cho ngành hồ tiêu Việt Nam không lo ngại tới vấn đề tiêu thụ sản phẩm.
Chủ tịch VPA từng nhận định rằng, chính người trồng tiêu Việt Nam là người quyết định giá cả hàng hoá, bởi họ có thể chủ động trữ hàng, buộc người mua muốn có hàng phải tăng giá và khi giá lên thì không hạ được, giúp cho nông dân thu lợi.
Từ đó, ngành hồ tiêu sinh ra đặc thù là lợi nhuận phần lớn vào túi người trồng, còn doanh nghiệp (DN) xuất khẩu chủ yếu hưởng phí dịch vụ xuất khẩu (công mua hàng, đóng gói, nâng chất lượng…) chứ không đóng vai trò nhà buôn như các ngành hàng khác.
Theo giới phân tích, đây là một cách đánh giá không chuẩn xác, từ đó tạo nên nghịch lý cho ngành hồ tiêu Việt Nam trong cơ chế thị trường.
Phải nhận định rằng hồ tiêu là cây trồng đặc biệt nhưng nó không tạo ra nét đặc thù cho ngành hồ tiêu là “người trồng tiêu quyết định thị trường hạt tiêu”. Vì vậy, khi xem nông dân là người điều tiết thị trường, những người có trách nhiệm định hướng cho hồ tiêu Việt Nam đã đưa ngành kinh tế này vào tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”.
Thứ nhất, gây ra ảo tưởng cho người trồng tiêu là họ có thể trồng bao nhiêu tuỳ ý, từ đó khiến việc quy hoạch cho hồ tiêu Việt Nam không thể xây dựng và triển khai được, đơn giản là nông dân trồng hồ tiêu không lắng nghe vì họ là người quyết định.
Ông Hoàng Phước Bính, Phó Chủ tịch Hội Hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai) cho rằng : “Năm 2015, hạt tiêu có giá cao nhờ mất mùa nhưng khoảng 4 năm nữa sản lượng có thể lên tới 200.000 tấn, do diện tích trồng tăng quá nhanh, lúc đó giá xuống là không tránh khỏi”. Nay thì điều đó đã thành sự thật, nhưng chỉ trong vòng có 2 năm.
Xem người trồng tiêu là lực lượng quyết định giá cả là một nguy hại cho hồ tiêu Việt Nam |
Thứ hai, chất lượng hồ tiêu dường như bị bỏ ngỏ, bởi thiếu quy trình kiểm soát, đặc biệt là không chú trọng đầu tư cho công nghệ sau thu hoạch - khâu yếu nhất của kỹ thuật nông nghiệp Việt Nam.
Ông Đỗ Hà Nam từng thừa nhận : “Tiêu Việt Nam đang gặp thách thức khi châu Âu và nhiều nước thực thi hàng rào kỹ thuật, nhất là về vệ sinh an toàn thực phẩm. Nếu không quan tâm vệ sinh an toàn ngay từ khâu sản xuất thì mặt hàng này sẽ gặp khó”. Đây là hậu quả nhãn tiền của việc xem nông dân là lực lượng quyết định thị trường.
Như vậy, giá cả và chất lượng tiêu của Việt Nam vẫn còn đang bị bỏ ngỏ và đây là những sơ hở chết người khiến cho ngành hồ tiêu Việt Nam có thể bị chi phối và phải chịu thiệt hại bởi những đối thủ cạnh tranh “ không trực diện”.
Đó là những đối thủ vừa đóng vai người mua, vừa đóng vai người bán nhưng không phải là người trồng hồ tiêu, sản xuất ra hồ tiêu. Do “không có gì để mất”, không sợ bị trả đũa nên thủ đoạn triệt hạ đối phương của lực lượng này rất tàn độc và đó chính là chiêu thức mà thương lái Trung Quốc áp dụng.
Rõ ràng, thời hoàng kim của hồ tiêu Việt Nam qua nhanh, người trồng tiêu Việt Nam dễ dàng bị thương lái Trung Quốc gài bẫy, đưa vào tròng vì luôn ở trong tình trạng đi trên dây. Do vậy, chỉ cần thương lái Trung Quốc tác động cùng một lúc vào cả số lượng và giá cả thì có thể đưa ngành hồ tiêu Việt Nam vào thế nguy hiểm.
Ma trận mua bán nguy hại của thương lái Trung Quốc
Ngoài những sơ hở chết người của ngành hồ tiêu Việt Nam, việc thương lái Trung Quốc thành công trong hành động "hại người lợi mình" còn do phương thức mua bán của họ. Đó là thủ thuật trong việc tạo ma trận mua bán nguy hại.
Thủ thuật mà người Trung Quốc thực hiện là đóng vai cả người mua và người bán chỉ trong một nghiệp vụ kinh tế phát sinh. Và đây chính là nguyên nhân tạo nên những “cơn sốt mơ hồ” - cơ chế tác động của triết lý "hại người lợi mình".
Bắt đầu là việc tạo dư luận về nhu cầu rất lớn, rất gấp về một sản phẩm nào đó - khởi nguồn cho hoạt động cung - cầu. Tiếp theo là dùng một khoản tài chính rất nhỏ (khoản này sau đó sẽ được thu về lại hết) để tiếp sức cho ít nhất 3 đối tác là lực lượng trung gian - thương lái. Tạm gọi là đối tác A, đối tác B và đối tác C.
Chủ hàng Trung Quốc sẽ đưa thời hạn giao hàng khác nhau cho 3 đối tác theo thứ tự A, B, C với nguyên tắc đối tác được đặt hàng trước tiên thì giao cuối cùng, đối tác được đặt hàng cuối cùng thì giao trước tiên.
Trung Quốc không sản xuất hồ tiêu nên không sợ trả đũa, do vậy thương lái Trung Quốc là đối thủ trực tiếp không trực diện của hồ tiêu Việt Nam khi thị trường này tiêu thụ tới 20% lượng hạt tiêu của Việt Nam |
Và động thái tiếp theo là hối thúc C giao hàng. Vì đã tính toán nên chủ hàng Trung Quốc biết C không thể có hàng để giao đúng thời hạn và có nguy cơ phải bồi thường.
Lúc này người mua “trong bóng tối” - chủ hàng Trung Quốc - thông qua một lực lương trung gian khác - lực lượng tiếp thị - thông tin về khả năng cung ứng hàng hóa của đối tác B cho C biết.
Do B chưa tới thời hạn giao hàng nên sẽ bán cho C, còn C sợ bồi thường nên phải mua giá cao để giao trót lọt lô hàng đầu tiên. Thế là B bán hàng cho C mà không hề biết rằng người mua đã tính toán là B sẽ lại có nguy cơ như C.
Và B lại mua hàng của A tương tự như C mua lại của B vậy. Đến lượt A cũng thế, nhưng phải mua từ chính chủ hàng Trung Quốc.
Thế là cả A, B và C cứ chạy lòng vòng theo sự điều khiển của chủ hàng Trung Quốc với sức ép về thời giao hàng, số lượng hàng hóa và giá cả hàng hóa theo tính toán có lợi cho họ, nhưng thiệt hại cho người Việt Nam.
Khi chủ hàng thấy nguy cơ bại lộ và mục đích đã đạt được thì mọi việc chấm dứt một cách đột ngột và hậu quả là hàng kho sản phẩm không có người mua, gây thiệt hại vô cùng lớn cho người sản xuất và các tầng nấc trung gian.
Năm 2013, Trung tâm nghiên cứu về các vấn đề xã hội, thái độ và xu hướng dư luận xã hội toàn cầu của Mỹ (PEW), đã công bố kết quả khảo sát tại 38 quốc gia trên toàn thế giới về thái độ đối với Trung Quốc.
Trong đó có tới 26/38 nước, người dân nước sở tại không hài lòng với cách làm ăn của người Trung Quốc. Họ cho rằng Trung Quốc chỉ xem trọng lợi ích của mình mà xem thường lợi ích của đối tác, qua việc áp dụng triết lý kinh doanh “lợi mình hại người”.
Vì vậy, giới phân tích cho rằng, để tránh thiệt hại bởi “nhân tai” Trung Quốc thì ngành hồ tiêu Việt Nam phải khắc phục được những sơ hở chết người, còn người dân và doanh nghiệp thì phải hiểu rõ về cơ chế tác động từ ma trận mua bán nguy hại của thương nhân Trung Quốc.