Sáng kiến Mỹ cạnh tranh Vành đai, Con đường

Mạng lưới Điểm Xanh được Mỹ giới thiệu chống lại những dự án cơ sở hạ tầng chất lượng thấp, khiến nhiều quốc gia rơi vào bẫy nợ. 

Trong một nỗ lực nhằm tìm kiếm giải pháp đối trọng với sáng kiến Vành đai, Con đường của Trung Quốc, Washington mới đây công bố sáng kiến Mạng lưới Điểm Xanh nhằm tài trợ cho những dự án cơ sở hạ tầng "bền vững".

Kế hoạch được đặt tên theo cuốn sách "Hàng rào Điểm Xanh" của nhà khoa học quá cố Carl Sagan và dựa trên bức ảnh Trái Đất được chụp từ tàu thăm dò Voyager 1 ngoài không gian ở khoảng cách 6,4 tỷ km.

sang kien my canh tranh vanh dai con duong
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp châu Á - Thái Bình Dương 2019 ở Bangkok, Thái Lan, ngày 4/11. Ảnh: AFP.

Sáng kiến mới do Cơ quan Đầu tư Tư nhân Hải ngoại Mỹ (OPIC), Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) cùng Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT) cùng khởi xướng và dẫn dắt. Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross công bố dự án bên lề hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 35 ở Thái Lan ngày 4/11 .

Một thông báo trên trang web OPIC cho biết mục tiêu ra đời của Mạng lưới Điểm Xanh là nhằm tăng cường hợp tác giữa khu vực công và khu vực tư nhân, qua đó "thúc đẩy các tiêu chuẩn chất lượng cao, đáng tin cậy về phát triển cơ sở hạ tầng toàn cầu trong một khuôn khổ cởi mở và toàn diện".

Sáng kiến Mạng lưới Điểm Xanh được cho là lời khẳng định từ chính quyền Tổng thống Donald Trump giúp đập tan những hoài nghi rằng Mỹ đang xa rời khu vực khi mà ông chủ Nhà Trắng chỉ cử cố vấn an ninh quốc gia Robert O'Brien tới tham dự hội nghị thường niên của ASEAN, năm thứ hai liên tiếp bỏ qua sự kiện này với lý do vướng lịch trình vận động tranh cử.

"Chúng tôi không có ý định từ bỏ vai trò quân sự và địa chính trị của mình", Bộ trưởng Ross nói với các phóng viên.

Cố vấn O'Brien nhấn mạnh sáng kiến Mạng lưới Điểm Xanh sẽ chống lại xu hướng hình thành những dự án "chất lượng không cao" đã khiến nhiều quốc gia rơi vào bẫy nợ, ám chỉ những phàn nàn từ Washington về các dự án được sáng kiến Vành đai, Con đường tài trợ mà họ cho rằng đang phá vỡ chủ quyền cũng như sự ổn định tài chính của các quốc gia liên quan.

Mỹ không phải nước duy nhất bày tỏ quan ngại về quỹ đầu tư cơ sở hạ tầng do Trung Quốc khởi xướng. Một số nước khác coi Vành đai, Con đường là phần không thể thiếu trong chính sách "ngoại giao bẫy nợ" của Bắc Kinh khi mà họ từng không ít lần yêu cầu nhượng bộ hoặc đòi hỏi lợi ích từ những quốc gia không thể theo kịp tiến độ trả nợ.

Chẳng hạn, hồi năm 2017, Sri Lanka buộc phải giao quyền kiểm soát cảng Hambantota cho Trung Quốc để Bắc Kinh xóa cho họ khoản nợ trị giá khoảng một tỷ USD.

Bộ trưởng Ross lưu ý Mạng lưới Điểm Xanh chỉ đang ở giai đoạn đầu nhưng nó sẽ bao gồm các quốc gia cam kết "phát triển cơ sở hạ tầng bền vững".

Theo giới chuyên gia, động thái trên là một phần trong tầm nhìn chính sách đối ngoại của chính quyền Trump tập trung vào một khu vực "Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và cởi mở", được Tổng thống Mỹ đưa ra khi tham dự hội nghị cấp cao ASEAN ở Manila, Philippines, năm 2017.

Phản ứng trước sáng kiến Mạng lưới Điểm Xanh do Mỹ dẫn đầu, trong một bài bình luận đăng hôm qua, tờ Global Times của đảng Cộng sản Trung Quốc, gọi đây là một phương tiện mới để Mỹ tạo ra những con số "lớn hơn" và gặt hái lợi ích. Song theo tác giả Shi Tian, nó không nên được sử dụng với mục đích gây trở ngại cho Trung Quốc cũng như cản trở hợp tác giữa Bắc Kinh và các nước khác trong khu vực.

"Nếu Washington muốn kế hoạch này thành công, họ cần mang đến nhiều thứ hơn là lời nói, đồng thời phải chân thành hơn. Họ nên từ bỏ lối tư duy 'cuộc chơi có tổng bằng không' và tập trung vào những kết quả đôi bên cùng có lợi. Trung Quốc đang chờ đợi Mỹ chứng minh sự nghiêm túc của mình, các nước châu Á - Thái Bình Dương khác cũng vậy", tác giả nhấn mạnh.

Hiện chưa rõ sáng kiến do Washington hậu thuẫn sẽ có hiệu quả như thế nào trong việc kìm hãm những dự án phát triển của Vành đai, Con đường. Các nhà tổ chức Mạng lưới Điểm Xanh tuyên bố sáng kiến này sẽ đóng vai trò như chất xúc tác đối với tài chính cá nhân nhưng không có chức năng cho vay, trái ngược sáng kiến Vành đai, Con đường.

Theo Chỉ số Sức mạnh châu Á do Viện Lowy ở Sydney, Australia, công bố, năm 2019, Mỹ vẫn là cường quốc tham gia mạnh mẽ vào các vấn đề khu vực nhưng "không thể hiện được như mong muốn" bởi sự mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc.

"Mỹ vẫn là một bên tham gia quan trọng nhưng không phải thế lực kinh tế chính ở châu Á", Herve Lemahieu, người đứng đầu Chương trình Ngoại giao và Quyền lực châu Á thuộc Viện Lowy, nhận định. "Họ phải làm quen với việc đó".

Vũ Hoàng (Theo Financial Times, Global Times, AP)

sang kien my canh tranh vanh dai con duong Tổng thống Iran đề xuất "Sáng kiến Hòa bình Hormuz"

Tổng thống Iran Hassan Rouhani ngày 23-9 cho biết sẽ trình bày "Sáng kiến Hòa bình Hormuz" tại kỳ họp của Liên hợp quốc sắp ...

sang kien my canh tranh vanh dai con duong Italia ngán ngẩm sáng kiến "Vành đai và Con đường" của Trung Quốc dù mới tham gia 4 tháng?

Italia có vẻ không còn mặn mà với sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc sau 4 tháng trở thành quốc gia ...

sang kien my canh tranh vanh dai con duong Sáng kiến 'thành phố quyến rũ' - ác mộng của giới đầu tư Trung Quốc

Sáng kiến biến các ngôi làng nông thôn Trung Quốc thành "thành phố quyến rũ" đang đứng bên bờ vực khi công ty huy động ...

/ vnexpress.net