Theo Air Recognition, các phi công Hạm đội Biển Bắc đã hoàn thành chương trình đào tạo đối với máy bay săn ngầm Il-38N.
Tất cả những phi đội lái máy bay Il-38N của Hạm đội Biển Bắc đã hoàn thành chương trình vận hành máy bay tuần tra săn ngầm tối tân Il-38N. Một đại diện cấp cao của hạm đội Nga cho biết:
"Để có thể hoạt động tốt ở khu vực có khí hậu khắc nghiệt như Bắc Cực, Il-38N đã được tăng cường khả năng chiến đấu bằng việc tích hợp thiết bị thủy âm và cảm biến cảnh báo từ trường thế hệ mới, có thể dễ dàng tháo rời.
Các thiết bị này có khả năng tác chiến vượt trội so với những thiết bị tương tự của phương Tây về cự li phát hiện mục tiêu".
Máy bay Il-38N.
Máy bay Il-38N có thể sử dụng bản đồ điện từ và đồ thị trọng trường để thực hiện nhiệm vụ trên Bắc Cực.
Ngoài ra, còn có thể hoạt động như một máy bay tuần tra hải quân và tham gia các nhiệm vụ trinh sát điện tử. Máy bay mới này được trang bị hệ thống Novella, cho phép phát hiện được các mục tiêu từ cự li xa tới 320km, bao gồm cả radar trên tàu ngầm, tàu chiến và máy bay.
Hệ thống Novella bao gồm một thiết bị quan sát ảnh nhiệt đội phân giải cao và các cảm biến phát hiện điện từ trường, kết hợp với các cảm biến khác, cho phép Il-38N có thể định vị vị trí tàu ngầm và các mục tiêu mặt nước, cũng như thực hiện nghiên cứu khoa học biển.
Thực tế, Novella là một biến thể cải tiến của hệ thống Sea Dragon đã được lắp đặt trên 5 máy bay Il-38 đang phục vụ trong Hải quân Ấn Độ trong thập kỷ qua.
Il-38 là máy bay tuần tra hải quân và tác chiến chống ngầm do Tổ hợp Hàng không Ilyushin (Nga) thiết kế dựa trên khung thân cơ sở máy bay vận tải Il-18. Máy bay được thiết kế để triển khai cho hoạt động trinh sát biển, giám sát, tác chiến chống tàu ngầm, chống tàu mặt nước, tìm kiếm cứu nạn.
Máy bay trang bị 4 động cơ tuốc bin cánh quạt Progress AI-20M (công suất 4.250 mã lực/chiếc) cho phép đạt tốc độ tối đa 724km/h, tầm bay 9.500km, trần bay 11.000m.
Để được gọi là "sát thủ" săn ngầm, Il-38N có thể mang theo 9 tấn vũ khí trong 2 khoang thân máy bay gồm: tên lửa chống tàu Sea Eagle (tầm bắn 110km), ngư lôi, bom. Đặc biệt, Il-38N mang được tên lửa không đối không tầm ngắn R-73RDM2 để tự phòng vệ chống máy bay tiêm kích địch trên không.
Được biết, ngay trước khi Nga công bố kế hoạch triển khai Il-38N, để có thể giám sát hoạt động của tàu Nga tại Bắc Cực, Mỹ cũng đã quyết định chi 1,3 tỷ USD để mở lại sân bay Adak và triển khai P-8A.
Trang Breaking Defense dẫn nguồn tin Hải quân Mỹ cho biết, đường băng nhỏ nằm trên đảo Adak thuộc chuỗi đảo Aleutian là sân bay cực tây có thể tiếp nhận máy bay chở khách ở Mỹ. Sân bay nhỏ này hiện mỗi tuần đón 2 chuyến bay của hãng Air Alaska.
Có tên gọi đầy đủ là Cơ sở hàng không hải quân Adak, sân bay nhỏ này vận hành thương mại từ khi Hải quân Mỹ rút đi vào năm 1997. Tuy nhiên do hoạt động ngày càng tăng của Nga và Trung Quốc ở Bắc Cực khiến Mỹ quyết định tăng cường khả năng tuần tra vùng cực Bắc.
"Sân bay có cơ sở nhiên liệu mà Air Alaska hiện dùng để bơm nhiên liệu cho máy bay của hãng. Sân bay cũng có các cơ sở khử băng mà chúng ta có thể dùng để rửa máy bay P-8A bằng nước ngọt", ông Richard Spencer, người đứng đầu Hải quân Mỹ cho biết.
Nói về lý do khiến Mỹ chi tiền cải tạo sân bay và triển khai P-8A, vị lãnh đạo này cho biết: "Những người bạn Nga đang khởi động 5 đường băng và 10.000 lính Spetsnaz (ở Bắc Cực) phục vụ hoạt động tìm kiếm, cứu nạn.
Trung Quốc cũng tăng cường hiện diện ở đó. Mọi người đều ở đó. Vì vậy, quyết định cải tạo sân bay và điều P-8A của Lầu Năm Góc là hoàn toàn chính xác dù đã hơi muộn".
Trung Quốc lấn lướt Mỹ, tham vọng thống lĩnh Bắc Cực
Trong khi Mỹ ngày càng ít quan tâm tới Bắc Cực, Trung Quốc đang tích cực mở rộng hoạt động nhằm tạo ảnh hưởng tại ... |
Nga xây dựng cơ sở quân sự hiện đại nhất thế giới ở Bắc Cực
Bộ trưởng Quốc phòng Nga tuyên bố Moskva hiện sở hữu những cơ sở hạ tầng quân sự tại Bắc Cực mà không quốc gia ... |