Trong trường hợp Samsung, LG bị đánh thuế tự vệ, không chỉ có 2 tập đoàn này bị thiệt hại, mà quyền lợi của Việt Nam cũng bị ảnh hưởng.
Vạ lây
Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ vừa khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp tự vệ toàn cầu với máy giặt nhập khẩu và các bộ phận đi kèm.
Theo cáo buộc của Tập đoàn Whirpool (Mỹ), các sản phẩm máy giặt nhập khẩu vào Mỹ tăng gấp đôi trong giai đoạn 2012-2016, từ 1,6 triệu chiếc lên 3,21 triệu chiếc, khiến ngành sản xuất máy giặt nước này thiệt hại nghiêm trọng như doanh số, lợi nhuận giảm, thất nghiệp tăng...
Whirlpool cũng cáo buộc về việc "phá giá hàng loạt" của các tập đoàn sản xuất, trong số này có Samsung và LG, đã dịch chuyển các nhà máy sản xuất từ Trung Quốc sang Thái Lan, Việt Nam để giảm đơn giá và tránh thuế mà Mỹ áp dụng với Trung Quốc.
Sản phẩm máy giặt Samsung, LG bị điều tra bán phá giá |
Bình luận về động thái này của Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ, TS Bùi Quang Tín, khoa Quản trị Kinh doanh, Đại học Ngân hàng TP.HCM cho rằng, mục đích của Ủy ban là bảo vệ các nhà sản xuất trong nước và muốn nhằm vào xuất xứ hàng hóa.
"Trung Quốc xuất khẩu qua Mỹ quá nhiều và Mỹ bị nhập siêu nặng nề. Bởi thế, Mỹ chắc chắn đánh thuế tự vệ thương mại rất lớn, dẫn đến các hãng sản xuất dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam để né thuế tự vệ. Tuy nhiên, Mỹ sẽ truy xuất nguồn gốc hàng hóa", TS Tín nhận định.
Ông chỉ ra rằng, đối tượng điều tra của Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ không phải là Việt Nam.
"Samsung, LG chuyển nhà máy sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam là muốn hưởng điều kiện ưu đãi khi Việt Nam xuất khẩu qua Mỹ. Hàng Việt Nam xuất qua Mỹ khác hàng Trung Quốc xuất qua Mỹ. Trong quan hệ thương mại với Việt Nam, lúc nào Mỹ cũng có những điều kiện ưu tiên hơn.
Mặt khác, sự dịch chuyển này xuất phát từ việc giá nhân công của Việt Nam rẻ. Tuy nhiên, nó không hẳn là yếu tố để Mỹ đánh thuế tự vệ đối với Samsung, LG. Chủ yếu là các doanh nghiệp nói trên có thể lợi dụng những điều kiện ưu đãi Mỹ dành cho Việt Nam trong quan hệ thương mại Việt-Mỹ", TS Bùi Quang Tín nhận xét.
Phán đoán về động thái của Samsung, LG trong trường hợp bị Mỹ áp thuế tự vệ, vị chuyên gia nhấn mạnh, cần phải chờ phán quyết của tòa.
Nếu tòa quyết định áp thuế tự vệ và mức thuế đó thấp hơn so với khi Samsung, LG đóng ở Trung Quốc thì họ sẽ vẫn ở lại Việt Nam. Trong trường hợp mức thuế tự vệ bị áp dụng cao hơn, rất có thể các doanh nghiệp này dịch chuyển nhà máy sang nước khác ở Đông Nam Á.
"Đó là vấn đề lâu dài. Còn trước mắt, họ sẽ chưa vội chuyển nhà máy bởi xây dựng nhà máy rất tốn kém, chưa kể cam kết của các tập đoàn này với Việt Nam.
Nhưng họ có thể chuyển một phần sản xuất, kinh doanh, thương mại ra khỏi Việt Nam. Khi ấy cũng "đủ mệt" cho Việt Nam vì thiệt hại rất lớn.
Vấn đề đi-ở của các tập đoàn còn phụ thuộc vào sự can thiệp, hỗ trợ của Nhà nước Việt Nam và Việt Nam phải nhìn nhận vấn đề này hết sức nghiêm túc. Không chỉ Samsung, LG bị ảnh hưởng nếu bị Mỹ áp thuế tự vệ, nó còn ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam", TS Tín phân tích.
Đặc biệt, ông cảnh báo về khả năng Samsung, LG có thể quay lại ép ngược Việt Nam, đòi thêm ưu đãi để bù đắp cho thiệt hại doanh nghiệp phải chịu trên đất Mỹ nếu bị áp thuế tự vệ.
"Khi đưa nhà máy vào Việt Nam, các nhà đầu tư nước ngoài luôn cân đo đong đếm giữa chính sách ưu đãi của Việt Nam với các nước xung quanh.
Trong tình trạng bị áp thuế tự vệ, họ sẽ càng đòi hỏi hơn nữa và Việt Nam phải đánh giá nghiêm túc việc này để có những chính sách tích cực. Việt Nam không thể thụ động chờ phán quyết của tòa, càng không thể xem đây là việc riêng của Samsung, LG vì nó ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam.
Tính đến giữa thàng 5/2017, Việt Nam đã nhập siêu hơn 3 tỷ USD, một khi các tập đoàn lớn như Samsung rút đi, Việt Nam sẽ nhập siêu hàng chục tỷ USD", vị chuyên gia lo ngại.
Hệ quả của phận làm gia công
Từ việc dự báo tác động không mấy tích cực nếu Samsung, LG bị Mỹ áp thuế tự vệ, TS Bùi Quang Tín chỉ ra đây là hệ quả của việc Việt Nam làm gia công, xuất khẩu phụ thuộc quá nhiều vào FDI.
"Thông thường các nước xét xử các vụ kiện của doanh nghiệp trong nước họ để chống bán phá giá, tự vệ thương mại và thường nghiêng về xuất xử hàng hóa; bảo hộ của chính phủ, những cơ chế chính phủ cam kết...
Chẳng hạn, nếu hỗ trợ quá mức so với những cam kết, thỏa thuận trong các hiệp định tự do thương mại thì hoặc là nước đó sẽ cấm nhập khẩu, hoặc đánh thuế.
Bởi thế, ngay khi Việt Nam ưu đãi cho doanh nghiệp FDI phải chủ động xem xét cơ chế ưu đãi đó có vi phạm FTA mà Việt Nam tham gia hay không".
Cũng bởi xuất khẩu của Việt Nam đang phụ thuộc nhiều vào FDI nên TS Bùi Quang Tín cho rằng, để giảm bớt thiệt hại, khi tòa phía bên kia chưa có phán quyết cuối cùng, Việt Nam phải chủ động các phương án hỗ trợ cho doanh nghiệp FDI về pháp lý, tư vấn nhân sự, kể cả phối hợp tham gia các vụ kiện của nước ngoài.
"Quan trọng là Việt Nam cần nhìn nhận lại trong hợp tác với FDI, chúng ta được gì? FDI đòi hỏi Việt Nam ưu đãi thì Việt Nam cũng có quyền đòi hỏi lại. Ngoài cái lợi về xuất khẩu, Việt Nam phải được lợi về công nghệ, công nghiệp hỗ trợ, sản phẩm của công nghiệp hỗ trợ, nhân sự, đào tạo...
Điều này đòi hỏi trong quá trình đàm phán thương mại quốc tế, Việt Nam phải có những người có kinh nghiệm, cứng cáp.
Nếu có một vị thế tốt trên bàn đàm phán, Việt Nam đã không bị quá phụ thuộc vào FDI như hiện nay", TS Tín nói.