Trong số 13 đội bóng đang chơi ở V.League 2022, không CLB có số phận trái ngang như Sài Gòn FC. Tương lai của họ, cũng như các cầu thủ trong đội luôn đứng trước cảnh bất định sau mỗi lần đội bóng được chuyển giao, thay tên đổi họ. Chẳng mấy ai còn nhớ Sài Gòn FC có nguồn gốc từ đâu, và đội bóng nào mới thực sự là cội nguồn của họ.
Một phần của Thể Công
Giai đoạn 2009 - 2010 là khoảng thời gian đen tối của những người hâm mộ Thể Công. Đội bóng quân đội giải thể. Những cầu thủ thuộc đội một được chuyển giao cho CLB Thanh Hóa (đội này giải thể năm 2010, sáp nhập vào CLB Lam Sơn Thanh Hóa, tiền thân CLB Thanh Hóa ngày nay). Thành viên đội trẻ Thể Công thi đấu ở giải hạng Ba dưới cái tên Trung tâm Bóng đá Viettel.
Đội bóng này thăng 2 hạng trong 2 năm, qua đó thi đấu ở giải hạng Nhất quốc gia mùa giải 2010. Đến cuối năm 2010, các cầu thủ Trung tâm Bóng đá Viettel được lệnh tạm thời nghỉ tập sau khi mùa giải khép lại. Toàn bộ đội bóng được chuyển giao cho Tập đoàn T&T của bầu Hiển, qua đó đổi tên thành CLB Hà Nội.
Thời điểm Trung tâm Bóng đá Viettel chuyển giao cho Hà Nội T&T (Hà Nội FC ngày nay) cũng chứng kiến những sản phẩm cuối cùng từ lò đào tạo Thể Công như Văn Quyết, Ngọc Duy... đầu quân cho đội bóng Thủ đô. Những năm sau đó, CLB Hà Nội là đội bóng sân sau, tạo môi trường cho các cầu thủ trẻ của Hà Nội T&T làm quen với bóng đá chuyên nghiệp.
Không ít tuyển thủ Việt Nam từng thi đấu cho CLB Hà Nội theo dạng "ký gửi" từ Hà Nội T&T. Quãng thời gian đỉnh cao của đội bóng này đến vào năm 2015, khi họ vô địch giải hạng Nhất, qua đó giành suất lên chơi V.League 2016. Chủ tịch đội bóng, ông Nguyễn Giang Đông, là đối tác kinh doanh lâu năm của bầu Hiển. 2 cô con gái của ông sau này đều lấy chồng là cầu thủ Hà Nội FC.
Thủ lĩnh của CLB Hà Nội khi ấy là... Nguyễn Quang Hải. Sau khi lên ăn tập ở đội một Hà Nội T&T khi mới 17 tuổi, Hải "con" được đem cho CLB Hà Nội mượn và thi đấu vượt ngoài kỳ vọng. Đây là cơ sở giúp anh được gọi về thi đấu cho đội bóng chủ quản ở mùa giải 2016, trong khi Đình Trọng, Duy Long, Ngân Văn Đại, Đỗ Văn Thuận... tiếp tục được cử đến CLB Hà Nội theo diện "du học".
Chỉ sau vài vòng đấu đầu mùa giải V.League 2016, CLB Hà Nội tiến hành "Nam tiến", chuyển đại bản doanh vào TP Hồ Chí Minh dưới cái tên Sài Gòn FC. Chẳng ai rõ vì sao một đội bóng đang thi đấu giữa mùa giải lại làm điều đó, nhưng quá trình thay tên đổi họ của CLB được tiến hành rất nhanh chóng và trơn tru.
Ở mùa giải V.League 2016, Sài Gòn FC có 5-6 nhà tài trợ, nhưng người dẫn đầu xuống sân chúc mừng, thưởng tiền cho cầu thủ sau mỗi trận thắng luôn là bầu Hiển. Không ít cầu thủ khoác áo Sài Gòn FC ở những mùa giải tiếp theo vẫn còn hợp đồng với Hà Nội FC như Đình Trọng. Điều đó là một phần nguyên nhân dẫn đến câu chuyện "5 đánh 1" mà bầu Đức từng kể khi nói về V.League.
"Nhật hóa" không thành công
Mối lương duyên giữa Sài Gòn FC và bầu Hiển chấm dứt sau khi V.League 2019 khép lại. Tập đoàn T&T chuyển giao quyền sở hữu đội bóng cho nhóm cổ đông mới, gồm 2 tập đoàn lớn là Him Lam Group và Bến Thành Group. Không lâu sau khi trở thành Chủ tịch mới của CLB, ông Vũ Tiến Thành gây chú ý bằng tuyên bố "Sài Gòn FC không còn liên quan đến bầu Hiển".
Trên cương vị Chủ tịch kiêm HLV trưởng đội bóng, ông Vũ Tiến Thành cho thấy lời nói của mình luôn đi đôi với hành động. Kết thúc mùa giải V.League 2020, đội bóng tiến hành thanh lý hợp đồng với 22 cầu thủ, đồng thời đưa về hàng loạt gương mặt mới. Vài tháng sau, Sài Gòn FC có Chủ tịch mới là doanh nhân Trần Hòa Bình, đánh dấu thời điểm "Nhật hóa" CLB.
Ông Bình cho biết đội bóng sẽ hợp tác với FC Tokyo, CLB hàng đầu Nhật Bản. Đối tác từ xứ sở mặt trời mọc sẽ tiếp nhận các cầu thủ từ Việt Nam sang tập luyện, thi đấu theo dạng cho mượn. Ở chiều ngược lại, Sài Gòn FC có HLV trưởng cùng các ngoại binh đến từ J.League. Sài Gòn FC còn tiếp nhận lò đào tạo PVF, cũng như mua lại Trung tâm thể thao Thành Long.
Đáng tiếc cho Sài Gòn FC là công cuộc J.League hóa của họ sớm vấp phải rào cản đại dịch COVID-19. Các giải vô địch quốc gia bị đóng băng trong nhiều tháng khiến tham vọng nâng tầm Sài Gòn FC bị chặn đứng. Việc HLV kiêm ông bầu Vũ Tiến Thành rời đội sau khi Sài Gòn FC có chủ mới cũng khiến thượng tầng câu lạc bộ xáo trộn, qua đó mất đi một đầu mối liên kết với các cầu thủ.
Để chuẩn bị cho V.League 2022, Sài Gòn FC tiếp tục mua bán gần 20 cầu thủ đội một, nhưng sự chú ý dành cho họ không còn như trước nữa. Từ một CLB từng giành vị trí thứ 3 ở V.League 2020, Sài Gòn FC được xem là ứng cử viên hàng đầu cho suất xuống hạng mùa giải năm nay, và thực tế đã diễn ra đúng như vậy.
V.League 2022 chỉ còn 2 vòng đấu nữa là khép lại giai đoạn lượt đi, và Sài Gòn FC đang chênh vênh ở vị trí cuối cùng trên bảng xếp hạng. Việc bổ nhiệm HLV Lê Huỳnh Đức làm Giám đốc kỹ thuật chưa cho thấy hiệu quả, trong bối cảnh dàn cầu thủ Sài Gòn FC có trình độ thua kém so với những đội bóng khác. Họ đã liên tục thất bại trong việc xây dựng bản sắc, hình ảnh CLB trong những năm qua, và giờ thành tích cũng đứng trước thử thách lớn.
Thanh lý cầu thủ sau 3 ngày chiêu mộ
Ở giai đoạn bổ sung cầu thủ giữa mùa giải V.League 2022, Sài Gòn FC đã ký hợp đồng với trung vệ Nhật Bản Daiki Umei. Lễ ra mắt cầu thủ này được tiến hành vào ngày 19/7. Nhưng đến ngày 22/7, đội bóng thông báo đã tiến hành thanh lý hợp đồng với anh, đồng thời chúc mừng Umei thành công ở những bến đỗ mới trong tương lai. Umei sau đó cũng nhanh chóng trở về Nhật Bản.
Chia sẻ với truyền thông, Umei cho biết việc đôi bên chấm dứt hợp đồng sau ít ngày xuất phát từ quyết định cá nhân của anh. Việc này khiến CLB Sài Gòn chỉ còn 2 ngoại binh ở cuộc tiếp đón HAGL tại vòng 11 V.League là tiền đạo Gustavo và tiền vệ Vieira. Trung vệ Ahn Byung Keon trước đó đã được CLB thanh lý hợp đồng để nhường chỗ cho Daiki Umei.
Tại buổi họp báo sau trận thua HAGL, HLV Phùng Thanh Phương cho biết Sài Gòn FC đang thử việc một số ngoại binh. Họ đang xem xét một vài gương mặt để ký hợp đồng trong ít ngày tới.
https://cand.com.vn/the-thao/sai-gon-fc-va-kiep-chim-noi-giua-v-league-i663134/