Hiện nay dư luận đang chờ đợi bộ sách giáo khoa mới ở bậc tiểu học, đặc biệt là những gia đình có con đang học ở cấp này.
Trong khi đó, đối với các cơ quan quản lý về giáo dục cũng như các cơ sở giáo dục cũng đang vừa khấp khởi mong chờ, vừa có chút băn khoăn...
Những kỳ vọng vào một nền giáo dục
Chia sẻ với PV, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Hiệu trưởng một trường tiểu học trên địa bàn TP.HCM (đề nghị không nêu tên trường) cho biết: "Cũng giống như nhiều đơn vị khác, chúng tôi cũng đang chờ đợi và chắc chắn sẽ có lộ trình để triển khai thực hiện việc đưa sách giáo khoa (SGK), tuy nhiên vẫn có một chút gì đó khấp khởi chờ đợi, lẫn chút băn khoăn. Như nhiều người khác, vấn đề đặt ra và được quan tâm hiện nay là làm sao để đưa SGK triển khai vào công tác dạy học.
Dư luận thời gian qua có rất nhiều nhiều ý kiến khác nhau về bộ SGK, nhưng bây giờ, tôi cho rằng, chúng ta phải nhìn về phía trước. Có nghĩa là, khi sách đã được lựa chọn, phê duyệt thì phải tìm cách để tổ chức thực hiện cho tốt, không bàn lùi, theo hướng là phải đưa sách vào giảng dạy và phát huy được hiệu quả của nó".
"Hiện, Việt Nam đã xây dựng được các bộ SGK để các cơ sở giáo dục lựa chọn, đó là điều rất đáng hoan nghênh và tín hiệu mừng. Đồng thời, mở ra hướng đi hợp lý và đúng đắn theo đúng xu thế của thế giới. Tuy nhiên, vấn đề là phải tạo ra cơ chế, chính sách cởi mở để cho các trường thực sự được chủ động lựa chọn SGK.
|
|
Ảnh minh hoạ. |
Còn việc tập huấn, triển khai thì sẽ do các đơn vị chuyên môn và cơ quan chức năng đảm nhận. Tôi vẫn nhấn mạnh rằng, vấn đề là có hay không sức ép từ trên xuống, hay các cơ sở giáo dục bị gò bó trong việc lựa chọn SGK? Tôi cho rằng cần phải loại bỏ hết cái này, để tạo được sự đồng thuận và triển khai một cách tốt nhất", ông Trần Trung Nghĩa đang làm việc cho một tổ chức giáo dục của nước ngoài tại TP.HCM nói.
Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Hoài Nam chia sẻ: "Vấn đề tôi băn khoăn nhất là liệu có hay không việc vận động hành lang để lựa chọn SGK. Do đó, phải có một cơ chế minh bạch để các trường thực sự được chọn SGK đúng theo nghĩa lựa chọn, mặc dù số lượng là không nhiều".
Sớm lựa chọn
Trong khi đó, luật sư Hoàng Trọng Hùng (TP.HCM) cho biết: "Theo luật Giáo dục (sửa đổi) 2019, có hiệu lực từ năm học 2020 - 2021 và Nghị quyết 88 của Quốc hội "Về đổi mới chương trình SGK giáo dục phổ thông" thì chúng ta phải căn cứ vào đó mà làm. Do đó, bộ Giáo dục & Đào tạo cần có hướng dẫn để các cơ sở giáo dục lựa chọn SGK phù hợp nhất, tất nhiên là phải trên tinh thần của Nghị quyết và luật Giáo dục 2019".
Đồng quan điểm, TS. Nam cũng cho rằng: "Bộ và sở Giáo dục & Đào tạo các địa phương phải sớm thống nhất căn cứ để tổ chức thực hiện, tránh bị động trong công tác này. Có như vậy, mới đẩy nhanh tiến độ và đưa sách vào áp dụng. Tôi hy vọng, bộ sách mới sẽ là luồng gió mới và tạo ra được sự đổi mới thật sự trong giáo dục phổ thông, chứ không như nhiều năm qua, chưa tạo được dấu ấn".
Tuy nhiên, cả ngành giáo dục và các cấp các ngành liên quan phải chạy đua với thời gian để thực hiện công tác này. "Một vấn đề đặt ra là cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa bộ Giáo dục & Đào tạo và UBND các cấp và cơ sở giáo dục tại các địa phương, phải làm sao để đưa bộ SGK này vào triển khai, quan trọng là công tác chuẩn bị, như: Tập huấn, lựa chọn, triển khai... Bởi, từ đây cho tới năm học sau, nói thời gian còn lại là rất ít, trong khi đó công việc là không hề đơn giản.
Trước đây, chúng tôi cũng đã từng đi tập huấn về sách mới dù vậy, sau đó, triển khai cũng gặp rất nhiều vấn đề lúng túng, nhiều cái trở tay không kịp. Do đó, cần phải chuẩn bị tốt nhất thì mọi thứ mới giảm thiểu được những khó khăn, bất cập. Nói cho cùng thì người được thụ hưởng và cũng là người bị ảnh hưởng nhiều nhất chính là các em học sinh. Vì vậy, làm sao để mọi sự được trơn tru trong khâu vận hành và hợp lý nhất để các em tiếp nhận một cách tốt nhất, đó là điều mà tôi quan tâm", ông Dương Xuân Hiếu, nguyên Hiệu trưởng một trường THCS – THPT tại TP.HCM cho biết.
Bà Hoa cũng cho rằng: "Các đơn vị liên quan cần cung cấp SGK sớm cho các trường để làm cơ sở lựa chọn sách, đồng thời, có sự họp bàn với các bậc phụ huynh để có những đóng góp, qua đó lựa chọn sách một cách tốt nhất, tạo sự đồng thuận trong phụ huynh học sinh và nhân dân. Lúc đó, triển khai sẽ dễ hơn, bởi, nói gì thì nói có sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và cơ quan quản lý là tốt nhất".
Trong khi đó, ông Nghĩa lại cho rằng: "Khi đã ban hành được bộ sách lớp 1 thì Việt Nam cần phải tính toán để làm các bộ sách tiếp theo cho lớp 2, 3, 4, 5 và các cấp sau đó. Phải làm được để liền mạch, tiếp nối sự phát triển đó, tránh bị ngắt quãng. Tôi cho rằng, nỗ lực này đã là rất lớn nên cần phải được tiếp tục phát huy và tạo nên một dòng chảy mới cho giáo dục Việt Nam".
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng quan ngại về việc tốn kém trong việc tổ chức thực hiện SGK mới và cần phải hạn chế điều này. "Vấn đề đặt ra nữa là trong việc lựa chọn sách, làm sao để hạn chế được tốn kém về ngân sách, con người, thời gian... Bởi, nếu như làm không khéo thì lại đổ bể ra. Tôi lấy ví dụ, 1 bộ sách sẽ có 1 hội đồng, vậy thì ở các khối lớp các trường thì bao nhiêu hội đồng? Nếu càng nhiều hội đồng thì sẽ càng tốn kém, do đó, cần phải có phương án để giảm thiểu các tốn kém này", ông Hiếu bày tỏ.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc sở Giáo dục - Đào tạo TP.HCM cho biết: "Hiện nay, việc lựa chọn SGK phải thực hiện trước tháng 3/2020 để chuẩn bị cho công tác tập huấn. Trong khi đó, luật Giáo dục 2019 (sửa đổi) phải đến tháng 7/2020 mới có hiệu lực thi hành, do đó, trong thời gian này, ngành giáo dục thành phố sẽ thực hiện theo Nghị quyết 88 của Quốc hội. Theo đó, các cơ sở giáo dục được lựa chọn SGK, như vậy thì các trường sẽ có hiệu trưởng quyết định thành lập hội đồng để lựa chọn bộ sách nào cho hợp lý. Tuy nhiên, việc lựa chọn bộ sách nào phù hợp với trường thì tự chính các trường phải cân nhắc, tham khảo ý kiến của tập thể và theo hướng dẫn về việc lựa chọn SGK".
CHÍ THANH
GS Nguyễn Minh Thuyết: Có những chỉ đạo ngầm về chọn sách tham khảo
GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, rất khó tránh việc có những chỉ đạo ngầm, chỉ đạo miệng khi chọn SGK. Để minh bạch, nội ... |
Minh bạch trong việc phát hành, tiêu thụ sách giáo khoa là điều rất khó!
Tại sao Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam không chi thù lao hàng tháng cho những người biên soạn sách giáo khoa mà lại ... |
Giám đốc Sở GD&ĐT TP HCM nói về việc nhận tiền của nhà xuất bản
Ông Lê Hồng Sơn cho rằng tiền bồi dưỡng gộp nhiều năm lại nên thấy lớn chứ "chẳng là gì so với tâm huyết, chất ... |