Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ chính thức được áp dụng đối với học sinh lớp 1 từ năm học 2020-2021. Tuy nhiên, cho tới thời điểm này, nhiều phụ huynh học sinh, giáo viên và lãnh đạo nhà trường đều chưa mường tượng được cần phải làm gì, làm như thế nào một cách cụ thể để dạy cho con em - học sinh của mình khi bước vào năm học tới.
Tập huấn chay
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), điểm mới nhất của chương trình giáo dục phổ thông mới chính là hướng tới tạo môi trường hình thành năng lực, phẩm chất học sinh, tới nhiều đối tượng bao gồm nhiều lực lượng xã hội. Theo kế hoạch, chương trình mới chia thành 2 giai đoạn: Giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến 9); giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến 12). Trong khi chương trình mới sắp mở ra đòi hỏi một sự đổi mới rõ rệt đối với lực lượng giáo viên theo hướng chủ động, sáng tạo hơn trong việc dạy học sinh. Song chủ động và sáng tạo như thế nào, căn cứ vào đâu để vạch ra con đường chuẩn mực thì tới lúc này, hầu hết các giáo viên đều còn rất “mơ màng”. Ngay kể cả những người đã được đi tập huấn về cũng không dám tự tin với những gì truyền đạt lại cho giáo viên trong trường.
Thực tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành công văn số 3587/BGDĐT-GDTrH ngày 20.8.2019 về việc tập huấn giáo viên cốt cán và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán. Tại nhiều địa phương, từ dịp hè vừa qua cho tới nay cũng liên tục tổ chức các buổi tập huấn song giáo viên từ những địa bàn vùng xa cho tới ngay giữa Thủ đô Hà Nội, giáo viên vẫn rất “hoang mang” vì những buổi tập huấn “chay” do chưa có sách giáo khoa. Giáo viên đi tập huấn về thậm chí còn cảm thấy lo lắng vì mới chỉ được tiếp cận vài ba buổi, thậm chí còn chưa hiểu hết vấn đề nên khi truyền đạt lại cho đồng nghiệp không tránh khỏi những bế tắc khó lý giải và đều chung một mong muốn được tập huấn nhiều hơn, cụ thể hơn.
Cô giáo Dương Thị Yến (Trường Tiểu học Tòng Bạt, Ba Vì, Hà Nội) cho biết: “Vì mới được tiếp cận tập huấn nên cũng cũng chỉ nắm được 70 - 80%. Sau đó về triển khai cho toàn trường, có những nhận thức lệch nên khi truyền đạt cũng nhiều vướng mắc”. Còn thầy Vũ Đức Huân (Trường PTDT bán trú tiểu học An Lương, Văn Chấn, Yên Bái) thì cho rằng tỉ lệ khó mà đo đếm vì “Chưa nắm bắt được gì nhiều. Giữa cũ và mới bản thân giáo viên phải tự trau dồi. Kể cả khi vào năm học tới thì vừa phải dạy, vừa phải học. Đúng như kiểu bàn tay nặn bột, thầy trò “vần vò” lẫn nhau lấy kinh nghiệm”.
Chưa chốt thời gian công bố sách giáo khoa mới
Trong khi công tác tập huấn còn chưa đâu vào đâu, thời gian cũng chỉ còn 10 tháng nữa là tới thời điểm chính thức giảng dạy bằng chương trình mới, cho tới lúc này, sách giáo khoa mới như thế nào vẫn còn là dấu hỏi. Theo thông báo của Bộ GDĐT, trong thời gian từ ngày 15 - 25.10 sẽ chính thức công bố các bộ sách giáo khoa. Tuy nhiên, trao đổi với Báo Lao Động, đại diện Bộ GDĐT cho biết, vẫn chưa chốt thời gian cụ thể. Chưa có sách giáo khoa để tập huấn nên giáo viên chỉ có thể tập huấn “chay”, dùng kinh nghiệm tự mày mò, bởi vậy, hiệu quả vẫn là ẩn số.
Một tiết học của học sinh tại quận Hà Đông, Hà Nội. Ảnh: HẢI NGUYỄN |
Bà Lê Thị Mai Hương, Phó hiệu trưởng trường Tiểu học, THCS, THPT Thực nghiệm cho rằng: “Nói học sinh là trung tâm của phương pháp mới, nhưng ngay lúc này thì giáo viên cần được quan tâm hơn vì giáo viên không hiểu, không có cơ hội để phát huy khả năng thì không thể mang được chương trình mới đến với học sinh”.
Từ tháng 1 - 5.2020 sẽ dạy thử sách mới
Trao đổi với Lao Động, Phó vụ trưởng phụ trách Vụ Tiểu học (Bộ GDĐT) Thái Văn Tài cho biết, trong tâm của việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới là bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ giáo viên, cán bộ lãnh đạo, trong đó ưu tiên trước đội ngũ cán bộ quản lý trường tiểu học và giáo viên dạy lớp 1. Sau khi các địa phương lựa chọn sách giáo khoa áp dụng cho chương trình giáo dục mới, Bộ GDĐT sẽ đề nghị các địa phương kết hợp với các nhà xuất bản tổ chức cho 100% giáo viên tập huấn sử dụng sách giáo khoa.
“Sau đợt bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của Sở, phòng GDĐT từ ngày 14-16.10, những cán bộ đã được tập huấn này phải về địa phương tổ chức các hội nghị để bồi dưỡng hiệu trưởng các trường, với mục tiêu từ nay đến tháng 12.2019 phải hoàn thành kế hoạch tổ chức dạy học lớp 1 theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Hiệu trưởng sẽ là người “kiến tạo”, xây dựng kế hoạch giảng dạy, thời khóa biểu, biên chế số lớp, phân công giáo viên dạy lớp 1.
Sang đầu năm 2020, sau khi có sách giáo khoa, các trường sẽ dồn toàn lực vào tổ chức cho đội ngũ giáo viên lớp 1 tìm hiểu về chương trình, sách giáo khoa mới. Từ tháng 1-5.2020, đội ngũ giáo viên được phân công giảng dạy lớp 1 sẽ phải soạn bài giảng, dạy thử sách giáo khoa mới ngay trong chương trình hiện hành. Đây là cách bồi dưỡng cụ thể, sát sườn nhất” - ông Thái Văn Tài nói.
* Ông Nguyễn Thúc Sinh - Phó Trưởng phòng phụ trách Giáo dục Tiểu học (Sở GDĐT Phú Thọ): Trước khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, một trong những bài toán mà các địa phương phải giải quyết là tình trạng thừa - thiếu giáo viên. Chương trình mới quy định 2 môn học Ngoại ngữ, Tin học và Công nghệ sẽ được dạy ngay từ lớp 1. Việc đó đồng nghĩa phải có thêm giáo viên để dạy 2 môn này. Trong khí Phú Thọ đang gặp khó khăn, chưa chuẩn bị kịp nguồn giáo viên dạy tiếng Anh và Tin học.
* Ông Cao Xuân Hùng - Giám đốc Sở GDĐT Nam Định: Việc bồi dưỡng giáo viên cho chương trình giáo dục phổ thông mới hiện còn khó khăn vì triển khai diện rộng, số lượng giáo viên lớn. Trong khi giáo viên dạy lớp 1 phần lớn đều dạy cả ngày, không có thời gian tập trung trong năm học, chưa kể còn hạn chế về phương tiện, điều kiện, trình độ công nghệ thông tin. * Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Hữu Độ: “Phải biến quá trình được bồi dưỡng thành tự bồi dưỡng. Giáo viên sẽ không được thụ động ngồi nghe mà các thầy cô sẽ là người làm việc chính, thực hiện các bài thực hành, kiểm tra… dưới sự hướng dẫn của giảng viên” l Về thiết bị dạy học phục vụ chương tình mới, Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất (Bộ GDĐT) Phạm Hùng Anh cho biết “thiết bị lớp 1 so với danh mục cũ thì về cơ bản chúng ta kế thừa là chủ yếu, chỉ bổ sung điều chỉnh một số thiết bị mới. Ví dụ như bổ sung thiết bị dạy về đạo đức lối sống, giới tính, chống xâm hại, an toàn giao thông…, chú trọng hơn về mặt chất lượng để đảm bảo các địa phương trang bị có thể sử dụng nhiều lần”. |
SGK bị loại ở vòng 2, tác giả không tâm phục khẩu phục Hội đồng thẩm định |
Sách giáo khoa môn Thể dục tại Việt Nam có cần thiết? |
Lý do sách Đạo đức của GS Hồ Ngọc Đại cũng bị loại |