Hàng nghìn người dân trên khắp mọi miền Tổ quốc có mặt tại nghĩa trang Vị Xuyên rưng rưng nước mắt khi dự "Lễ truy điệu và an táng các anh hùng liệt sỹ".
Ngày 11/7, hài cốt 10 anh hùng liệt sỹ hy sinh tại mặt trận Vị Xuyên (Hà Giang) trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc (1979-1989) được an táng tại Nghĩa trang Vị Xuyên.
Hài cốt 10 anh hùng liệt sỹ được Đội Quy tập, tìm kiếm hài cốt của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Giang khai quật tại thôn Nặm Ngặt, Giang Nam (xã Thanh Thủy) và thôn Hoàng Lỳ Pả (xã Minh Tân, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang).
Sau 30 năm xa cách, hôm nay, các anh đã được trở về đoàn tụ với các đồng đội, những người anh em từng kề vai sát cánh chiến đấu bảo vệ từng tấc đất ở núi đồi Vị Xuyên.
Lễ truy điệu 10 liệt sỹ diễn ra trong không khí trang nghiêm, tôn kính. |
Không khí xúc động, trang nghiêm từ phòng chờ, nơi đặt hài cốt 10 liệt sỹ tới đài hương nghĩa trang Vị Xuyên.
Có mặt trong dòng người dự lễ, bà Trần Thị Kim Liên - em gái liệt sỹ Trần Trung Thực (TX Phú Thọ) cho biết, bà đến nghĩa trang Vị Xuyên từ sáng sớm để chờ giây phút truy điệu các anh hùng liệt sỹ.
Bà Liên kể, năm 1964, anh trai bà tròn 18 tuổi. Nghe tin vùng biên giới rộn vang tiếng súng, đồng bào dân tộc bị quân Trung Quốc tràn sang đánh phá, chàng trai Trần Trung Thực vừa học xong thì gác bút nghiên xung phong lên đường nhập ngũ.
Ông Thực ra nhập Sư Đoàn 356, đóng quân ở Hoàng Liên Sơn. Khi cuộc chiến đấu trên mặt trận biên giới diễn ra ác liệt, ông Thực được điều động về Vị Xuyên này để hỗ trợ cho các đơn vị bạn chiến đấu. Ông Thực hy sinh vào ngày 25/12/1984 (âm lịch).
Bà Liên khóc nghẹn trong lễ truy điệu 10 anh hùng liệt sỹ hy sinh ở chiến trường Vị Xuyên. |
“Trong cuốn nhật kí của anh tôi để lại, tôi ấn tượng nhất là anh trai mình thực sự biết để giữ được biên giới, biên cương Tổ quốc thì phải hy sinh nhưng anh tôi vẫn kiên quyết đi.
Trong thư gửi cho mẹ, anh tôi viết “có một dòng trong và dòng đục nhưng con vẫn chọn dòng trong và đi đến cuối cuộc đời”. Nhà tôi 35 năm qua đi tìm kiếm thi hài anh. Tôi chỉ khát khao một điều rằng anh tôi là một trong những liệt sỹ nằm trong đó để đưa về, để gia đình hương khói cho đỡ lạnh lẽo.
Nhưng mà thực tế anh tôi hy sinh 35 năm rồi, để tìm được hài cốt cũng rất khó, nằm phơi sương phơi nắng chắc cũng không còn nữa, thân xác chắc cũng hòa vào đất đá, biên cương của Tổ quốc rồi. Chúng tôi biết rất vô vọng nhưng vẫn hy vọng tìm được anh, dù là một mảnh xương nhỏ để cho bố toại nguyện, cho chị em thỏa nguyện”, bà Liên nghẹn ngào chia sẻ.
Ủy viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cùng Ông Đặng Quốc Khánh, Ủy viên dự khuyết BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hà Giang bê linh cữu liệt sỹ trong “Lễ truy điệu và an táng anh hùng liệt sỹ” tại nghĩa trang Vị Xuyên. |
Đứng cách bà Liên không xa, một người đàn ông lớn tuổi khoác trên mình bộ áo lính không giấu được sự xúc động trong suốt buổi lễ truy điệu.
Ông là Trần Mạnh Hùng - nguyên là Phó Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hà Giang, nghỉ hưu cách đây 7 năm.
Ông Hùng chia sẻ, trong 10 năm tác chiến ở mặt trận Vị Xuyên (1979-1989), ông là Tiểu đoàn trưởng và trực tiếp chiến đấu vào ngày 5/9/1984.
Từ năm 1992, tháng 7 năm nào ông và đồng đội cũng về lại chiến trường để thắp nén nhang tưởng nhớ đồng đội, những người đã để lại phần thân xác của mình ở mặt trận Vị Xuyên.
Ông Trần Mạnh Hùng - nguyên là Phó Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉn Hà Giang |
Ông Hùng cho biết: “Trong những năm chiến đấu ở mặt trận Vị Xuyên, nhiều chiến sỹ không nghĩ đến tuổi xuân của mình, chỉ nghĩ đến nhiệm vụ tham gia chiến đấu. Chính cái đó là phần quyết định cho chiến thắng Vị Xuyên 1984-1989.
Trong chiến tranh thì cái được và cái mất nó đều đi kèm với nhau. Tuy nhiên có những cái mà chúng tôi cảm thấy đau đớn, mất mát nhất là chưa tìm được hết hài cốt những những chiến sĩ nằm xuống. Đến nay, còn xấp xỉ 2.000 chiến sỹ chưa được tìm thấy, đó là những trăn trở nhất của người chỉ huy về việc anh em mình chưa được quy tập về nghĩa trang.
Hôm nay, chứng kiến hài cốt của 10 anh hùng liệt sỹ được đưa về nghĩa trang tôi cảm thấy thực sự xúc động và phấn khởi. Chúng tôi rất cảm ơn những anh em đã đi tìm kiếm, bởi quá trình đó rất là gian lao vất vả, bởi những khu vực đó còn rất nhiều mìn, phải rà phá ra mới tìm được.
Chúng tôi tin tưởng vào anh em sẽ làm tốt được công việc này, bù đắp vào những gì đã mất đi của những người nằm trên chiến trường này”.
Trong 10 thi hài liệt sỹ được đưa về nghĩa trang Vị Xuyên hôm nay chỉ có một hài cốt xác định được danh tính. |
Phát biểu tại lễ truy điệu, ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang nhấn mạnh: "Công tác rà phá bom mìn, vật liệu nổ để quy tập hài cốt liệt sỹ được tỉnh xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo các lực lượng chức năng phối hợp chặt chẽ với đơn vị hữu quan làm tốt nội dung này.
Tuy nhiên, vẫn còn hàng nghìn hài cốt liệt sỹ chưa được quy tập. Do vậy, tỉnh mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành trung ương, đầu tư nguồn lực rà phá bom mìn, vật cản để quy tập hài cốt liệt sỹ về các nghĩa trang".
Thực hiện công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ theo Quyết định 1237 của Thủ tướng, từ năm 2013 đến nay, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Giang đã quy tập 113 bộ hài cốt liệt sỹ, 1 mộ tập thể của những chiến sĩ hy sinh trong các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc.
Một số hình ảnh PV VTC News ghi lại tại buổi lễ truy điệu và an táng 10 liệt sỹ hy sinh trong cuộc chiến biên giới phía Bắc:
Hàng nghìn người dân trên khắp mọi miền Tổ quốc rưng rưng nước mắt dự lễ truy điệu các anh hùng liệt sỹ. |
(Ảnh: Tuấn Anh) |
(Ảnh: Tuấn Anh) |
(Ảnh: Tuấn Anh) |
Truy điệu và an táng hài cốt liệt sỹ tại nghĩa trang liệt sỹ Vị Xuyên
Trong không khí trang nghiêm, các đại biểu đã kính cẩn nghiêng mình, thắp nén hương thơm, tưởng nhớ công ơn to lớn của các ... |
Cuộc chiến biên giới phía Bắc: Những điểm cao đau thương
Đặc công và bộ binh của ta phải lần vách đá bò lên, trong khi chúng nã pháo ngày đêm đến mức như nung đá ... |
Chiến tranh biên giới phía Bắc và nơi lưu giữ tuổi xuân những người lính
Điểm cao 468, nơi đặt đài hương tưởng niệm các liệt sĩ, nơi hội quân của Sư đoàn 356, nơi lưu giữ tuổi xuân của ... |