Đặc công và bộ binh của ta phải lần vách đá bò lên, trong khi chúng nã pháo ngày đêm đến mức như nung đá thành vôi, nên hi sinh rất nhiều.
Kỳ 2 (kỳ cuối): Những điểm cao đau thương
Đọc kỳ 1: Ký ức đau thương với đồng đội
Đường lên cửa khẩu Thanh Thủy (Hà Giang) rộng mênh mang, vắng người qua lại. Thanh Thủy là cửa khẩu quốc tế, nhưng tình trạng buôn bán khá buồn tẻ. Cuộc sống nơi cửa khẩu khá thanh bình.
Đứng ở cửa khẩu Thanh Thủy, nhìn rõ những điểm cao như 468, 685, 772, và lẫn trong mây mờ là điểm cao 1509. Chẳng mấy người biết đến những điểm cao này ngoài những chiến sĩ từng đối diện với tử thần ở đây.
Những địa danh chết chóc như Đồi Đài, Đồi Chuối, Cửa Tử nằm ngay cửa khẩu, nhưng không phải ai cũng biết. Giờ đây, những địa danh khủng khiếp đó đã được phủ màu xanh ngằn ngặt của cây rừng.
Đại tá Nguyễn Kim Chung, nguyên Chỉ huy Phó Chính trị, Bộ CHQS tỉnh Hà Giang, hiện sống lặng lẽ trong ngôi nhà ở vùng ven thành phố Hà Giang. Đại tá Chung từng có cả chục năm xông pha trận mạc thời chống Mỹ, nhưng khi nhắc đến cuộc chiến Vị Xuyên, bản thân ông cũng ngậm ngùi.
Đỉnh 1509 gần cửa khẩu Thanh Thủy, nơi diễn ra những cuộc chiến khốc liệt.
Đại tá Chung bảo: “Cuộc chiến Vị Xuyên năm 1984 tuy diễn ra rất ngắn, nhưng cực kỳ khốc liệt. Những địa danh, những mỏm đồi mang tên Cối Xay Thịt, Lò Vôi Thế Kỷ, Thác Gọi Hồn, Ngã Ba Cửa Tử… đã nói lên sự kinh hoàng của cuộc chiến này”.
Theo Đại tá Chung, vào đầu năm 1979, khi quân tình nguyện Việt Nam đang tổ chức tổng phản công truy quét tàn quân Khmer Đỏ, thì Trung Quốc tấn công dọc biên giới phía Bắc, lấn chiếm các điểm cao, nhằm xâm lược lãnh thổ Việt Nam.
Ở Hà Giang, sau khi chiếm trọn điểm cao 1509, Trung Quốc tiến hành đánh lấn, pháo kích các điểm cao phía dưới. Thậm chí, chúng bắn pháo về tận thành phố Hà Giang, cách trận địa gần 20km.
Thời điểm đó, ở Hà Giang chủ yếu là quân địa phương, chốt giữ các cao điểm. Do tương quan lực lượng, nên Trung Quốc lần lượt chiếm giữ các vị trí trọng yếu. Ta phải lùi xuống các vị trí thấp hơn để cản đường tiến của kẻ thù.
Vào tháng 5/1984, Bộ tư lệnh Quân khu 2 xây dựng lực lượng, củng cố đơn vị nhằm lấy lại các điểm cao. Tuy nhiên, một số trận đánh chiếm lại điểm cao của ta bị thất bại, bởi lực lượng Trung Quốc được hỗ trợ hỏa lực rất mạnh. Chúng pháo kích liên miên, như trút thuốc nổ xuống các dãy núi.
Với quyết tâm lấy lại các điểm cao chiến lược, Quân khu 2 đã tổ chức chiến dịch mang tên MB84. Bộ tư lệnh mặt trận sử dụng 3 trung đoàn bộ binh, với sự chi viện của pháo binh và đặc công, quyết giành lại điểm cao.
Trung đoàn 876, thuộc Sư đoàn 356 có nhiệm vụ đánh lấy lại điểm cao 772, ngay dưới chân đỉnh 1509. Trung đoàn 174, thuộc Sư đoàn 316 đánh định ở bình độ 300-400. Trung đoàn 141, thuộc Sư đoàn 312 đánh địch ở điểm cao 1030. 3 giờ sáng 12/7/1984, theo lệnh, cả ba vị trí đều khai hỏa tấn công. Pháo kích bắn về trận địa địch yểm trợ cho bộ binh tiến lên chiếm lại điểm cao.
Tuy nhiên, do công tác nắm tình hình đối phương chưa đúng, nên cuộc chiến giành lại điểm cao không thành công. Địch đã chuẩn bị kỹ lưỡng để đối phó.
Đài hương nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên.
Hỏa lực của định rất mạnh. Ta bắn chúng một, thì chúng bắn lại mười. Pháo kích của địch nhả đạn sáng rực trời đêm, cày xới từng mét đất, mỏm đá, nơi đặt trận địa pháo của ta.
Đại tá Chung cho biết: “Khi chiếm được các điểm cao, Trung Quốc làm đường vào tận nơi, đưa lực lượng pháo rất hùng mạnh vào bảo vệ các vị trí chiếm đóng trái phép.
Chúng đánh theo kiểu đem đạn pháo, thuốc nổ lên bàn cân, để tính toán xem đổ bao nhiêu đạn pháo xuống trận địa đối phương. Đây là cách đánh của kẻ nhà giàu, không tiếc tiền của.
Chúng ta đã không lường được việc này, nên thiệt hại quá lớn. Một vách núi, một thung lũng không rộng lớn lắm, mà chúng trút xuống hàng trăm ngàn quả đạn pháo, như đổ đất đá xuống hố, thì không có cách nào chống đỡ được.
Với cách đánh của kẻ nhà giàu ấy, các quả đồi như Đồi Đài, đồi Cô Ích, điểm cao 772, Đồi Chuối đã biến thành Cối Xay Thịt Người, thành Lò Vôi Thế Kỷ”.
Nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên, nơi an táng các liệt sĩ hy sinh trong cuộc chiến biên giới phía Bắc 1979.
Sở dĩ gọi là Lò Vôi Thế Kỷ, bởi pháo kích của định nhả đạn như pháo hoa suốt ngày đêm. Những quả đồi, ngọn núi vốn là rừng già, màu xanh ngằn ngặt đã bị đạn pháo thiêu rụi, trơ ra còn toàn đá. Đạn pháo găm vào đá, khiến đá cả những dãy núi vỡ ra trắng xóa, nhìn từ xa không khác gì lò nung vôi.
Cựu chiến binh Vũ Hoài Nam, Trưởng ban liên lạc Sư đoàn 314, từng là chủ nhiệm pháo binh Trung đoàn E818m, Sư đoàn 314 nhớ lại: “Chúng chiếm các điểm cao, mình đánh chiếm lại rất khó. Ác liệt nhất phải kể đến trận đồi Đá Pháp, đồi Cô Ích. Chỗ này núi tai mèo, cao và rất dốc. Đặc công và bộ binh của ta phải lần vách đá bò lên, trong khi chúng nã pháo ngày đêm đến mức như nung đá thành vôi, nên hi sinh rất nhiều.
Chiến dịch MB84, chủ công là Sư đoàn 356 rơi vào trận địa pháo của chúng, nên thương lắm. Một đêm mà mấy trăm đồng chí hi sinh, nhiều bằng cả cuộc chiến”.
Theo ông Nam, sau chiến dịch này, ta đã rút kinh nghiệm, mở các chiến dịch vây lấn, sử dụng bộ binh và đặc công, yểm trợ pháo binh, từng bước bao vây, lấn sát.
Cựu chiến binh Vũ Hoài Nam nhớ lại những thời khắc khốc liệt.
Sau 2 tháng chiến đấu liên tục, ta liên tiếp giành lại các điểm cao, hình thành thế phòng ngự xen kẽ, bám sát địch. Đồi Chuối, đồi Cô Ích, đồi Đài, A4, A21, khu Cót Ép… lần lượt được ta chiếm lại, hoặc chiếm một phần. Có những nơi chỉ cách địch 15-20m, cá biệt có nơi 6-8m. Thượng tá Nguyễn Tiến Độ, hiện là tiểu đoàn trưởng KTT, Bộ chỉ huy quân sự Hà Giang, từng là lính trinh sát trong Chiến tranh biên giới nhớ lại: “Ở chốt Bốn Hầm, ta chiếm các hang động phía dưới, Trung Quốc chiếm hang phía trên, chỉ cách 6-8 mét. Với cự ly như thế, chỉ cần ló đầu ra cửa hang sẽ mất mạng bởi súng bắn tỉa hoặc đạn pháo.
Bắn nhau mãi không có kết quả, nên tử thủ với nhau. Từ chỗ đánh nhau, có lúc chuyển sang thành bạn. Lính Trung Quốc buộc thịt hộp vào dây thả xuống tặng bộ đội ta, mấy chiến sĩ ta dũa mảnh đạn thành nhẫn buộc vào dây tặng lại.
Lính Trung Quốc không hề muốn tham gia cuộc chiến phi nghĩa này, nhưng họ buộc phải cầm súng xông lên, bởi pháo bắn sau lưng họ, nên không thể quay lại”.
Ông Lý Thìn Sáng chỉ dãy núi Lão Sơn.
Ông Lý Thìn Sáng (bản Pha Hán, xã Thanh Thủy), từng là chủ tịch xã Thanh Thủy nhớ lại: “Năm 1984, Trung Quốc pháo kích mạnh, chiếm các điểm cao, nên nhân dân toàn xã phải sơ tán. Đến tận năm 1990 mới quay về. Lúc đó, toàn bộ dãy Lão Sơn, dãy Pha Hán đều một màu trắng lốp của đá vỡ do pháo kích”.
Hình ảnh người dân Thanh Thủy bắt gặp nhiều nhất là những “người rừng” xuất hiện ở Thanh Thủy. Có đến cả trăm “người rừng” ăn mặc rách rưới, tóc dài đến lưng, râu ria kín miệng. Họ là những chiến sĩ đặc công, chiếm giữ các chốt, giành giật từng mét đất, từng viên đá với giặc.
Nhiều trinh sát vào chốt từ năm 1984, đến tận năm 1988, thậm chí 1990 mới rời chốt, nên không khác gì người rừng.
Cuộc chiến chống quân xâm lược tháng 2 năm 1979
Sau khi Việt Nam thống nhất đất nước năm 1975, Trung Quốc liên tục có những động thái làm xấu đi quan hệ giữa hai ... |
\'Thần ưng\' của dãy Andes và cuộc chiến chống nguy cơ tuyệt chủng
Hai con chim khổng lồ được đưa về môi trường tự nhiên ở Colombia sau thời gian hồi phục sức khỏe vì bị ngộ độc. ... |
‘Cuộc chiến’ giành phi công của các hãng bay Việt
Bamboo Airways thuê phi công Thổ Nhĩ Kỳ kèm máy bay, phi công Vietnam Airlines muốn sang hãng khác thu nhập cao hơn là những ... |
4 bà vợ, 17 người con và cuộc chiến gia tộc giành đế chế tỷ USD
Sau hàng chục năm gây dựng các sòng bạc tỷ USD ở Macau, giờ đây "bố già" Stanley Ho đang chứng kiến cuộc "nội chiến" ... |