Rủi ro mà châu Âu đang phải đối mặt

Ngoại trưởng các nước Liên minh châu Âu (EU) mới đây đã thống nhất sẽ điều chỉnh chính sách với Trung Quốc nhằm giảm thiểu rủi ro phụ thuộc kinh tế, trong khi tiếp tục hợp tác về các vấn đề toàn cầu. Đáp lại, Bắc Kinh cảnh báo rằng, "rủi ro" mà châu Âu đối mặt không phải Trung Quốc, mà đến từ "một quốc gia nào đó" đang tiến hành một "cuộc Chiến tranh Lạnh mới".

Kể từ khi xung đột tại Ukraine nổ ra, quan hệ EU - Trung Quốc đối mặt với những thách thức ngày càng lớn. Theo ông Joseph Borrell, đại diện cấp cao EU về chính sách an ninh và đối ngoại, mối quan hệ thương mại giữa Brussels với Bắc Kinh đang ngày càng mất cân bằng và khối 27 nước thành viên cần tìm cách giảm thiểu rủi ro do mối quan hệ này gây ra.

Ông nói: "Trung Quốc là đối tác, đối thủ cạnh tranh kinh tế và đối thủ mang tính hệ thống và có một từ khóa nữa là can dự. Chúng ta phải can dự với Trung Quốc trên nhiều mặt cho nhiều vấn đề khác nhau, đồng thời phải cạnh tranh với Trung Quốc và giảm phụ thuộc khi những phụ thuộc này trở nên quá lớn và quá rủi ro. Rất nhiều công việc sẽ cần thời gian để xem xét lại tất cả các mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc, không phải để tách rời mà để cân bằng và tránh phụ thuộc quá nhiều vào một số lĩnh vực quan trọng".

eu-china.jpg -0
Quan hệ EU - Trung Quốc đang phải đối mặt với những thách thức ngày càng lớn.

Chiến lược giảm thiểu rủi ro được Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen công bố hồi tháng 3 tập trung vào chiến lược loại bỏ châu Âu khỏi nguồn cung cấp khoáng sản quan trọng của Trung Quốc và hạn chế thương mại trong các công nghệ nhạy cảm như trí tuệ nhân tạo, vi mạch và điện toán lượng tử. Chiến lược đang trong quá trình hoàn thiện sẽ là cơ sở cho cuộc thảo luận vào cuối tháng 6 tới của lãnh đạo các nước EU.

Vào thời điểm hiện tại, trong nội bộ EU đã xuất hiện những ý kiến cho rằng, đã không còn phù hợp cách tiếp cận khi coi Trung Quốc đồng thời là "đối tác", "đối thủ cạnh tranh kinh tế" và "đối thủ mang tính hệ thống". Từ cuối năm 2022, quan hệ giữa hai bên được cho là đã bước vào giai đoạn "khởi động lại toàn diện" với các cuộc đối thoại và trao đổi trên nhiều lĩnh vực. Bắc Kinh đã cố gắng cân bằng giữ việc duy trì quan hệ đối tác chiến lược với Moscow và giảm thiểu áp lực đi xuống trong quan hệ với Brussels. Tuy nhiên, những quan điểm khác nhau về Trung Quốc trong nội bộ EU được dự báo sẽ tạo nên những yếu tố phức tạp.

Tổng thống Cộng hoà Czech Petr Pavel bày tỏ vui mừng vì cách Trung Quốc hành xử hiện nay liên quan đến cuộc xung đột Nga-Ukraine. Nhưng ông cho rằng, các mục tiêu chiến lược của Trung Quốc thực sự không tương thích với các mục tiêu của EU. Theo ông, nếu muốn cân bằng mối quan hệ với Bắc Kinh, Brussels "cần phải hành động một cách thống nhất". Trong khi đó, Chủ tịch EC nhấn mạnh rằng việc tách rời Trung Quốc là "không khả thi" cũng như không đem lại lợi ích cho châu Âu. Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng đã nhiều lần bác bỏ ý định tách rời Bắc Kinh.

Về phía Trung Quốc, khi được hỏi về chiến lược "giảm thiểu rủi ro" của EU, Ngoại trưởng Tần Cương cho rằng, chính sách đó sẽ khiến lục địa này mất đi sự trung lập, đồng thời chỉ ra một mối nguy cơ thực sự đối với châu Âu. Theo ông, "một quốc gia nào đó" đã lạm dụng tình trạng độc quyền về tiền tệ của mình và gây ra lạm phát cũng như là khủng hoảng tài chính trong nước, với những tác động lan rộng nghiêm trọng.

Quan chức ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc nhấn mạnh: "Đây là những rủi ro thực sự cần được xem xét nghiêm túc. Nếu xảy ra một "cuộc Chiến tranh Lạnh mới", nó không chỉ làm tổn hại đến lợi ích của Trung Quốc, mà lợi ích của châu Âu cũng sẽ bị hy sinh… Đó là rủi ro thực sự cần quan tâm".

Ông lấy dẫn chứng cho lập luận của mình qua một báo cáo do Viện Nghiên cứu Kinh tế Austria và Quỹ Doanh nghiệp Gia đình công bố hồi đầu tháng này, ước tính tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Đức sẽ giảm 2% nếu nước này chia tách với Trung Quốc. Ngoại trưởng Tần Cương đánh giá cao lập trường của Berlin và Brussels, song nêu ra mối lo ngại rằng, chiến lược giảm thiểu rủi ro của EU có thể trở thành một quá trình "khử Trung Quốc" tại lục địa này, dẫn đến cắt đứt các cơ hội, hợp tác, ổn định và phát triển.

Ngoại trưởng Tần Cương đã phản đối mạnh mẽ các biện pháp trừng phạt tiềm tàng, mà EC đề xuất, đối với các công ty Trung Quốc bị nghi ngờ nhập khẩu nguyên liệu chiến lược từ châu Âu để tái xuất sang Nga. Nhấn mạnh đây là "sự trao đổi và hợp tác bình thường giữa các công ty Trung Quốc và Nga", ông cho biết Bắc Kinh sẽ có phản ứng thích đáng để bảo vệ vững chắc lợi ích hợp pháp của các công ty Trung Quốc, nếu EU áp đặt trừng phạt. Ngoài ra, ông cũng tái khẳng định rằng luật pháp Trung Quốc cấm vận chuyển vũ khí đến các khu vực có xung đột, cũng như có các quy định chặt chẽ quản lý việc xuất khẩu hàng hóa có thể được sử dụng cho cả mục đích dân sự và quân sự.

Với việc Trung Quốc chuẩn bị cử một phái đoàn đặc biệt đến hòa giải hòa bình ở Ukraine, Ngoại trưởng Tần Cương và người đồng cấp Đức Annale Baerbock thảo luận về cuộc chiến này tại cuộc hội đàm diễn ra tại Berlin hồi tuần trước. Bắc Kinh đã kêu gọi Berlin đi đầu trong việc xây dựng một khuôn khổ an ninh châu Âu cân bằng, hiệu quả và bền vững. Trong khi đó, Ngoại trưởng Annale Baerbock một lần nữa nhắc lại lập trường của EU, hối thúc Bắc Kinh gây sức ép nhằm buộc Nga chấm dứt chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

EU là một đồng minh trung thành của Mỹ nhưng cũng phụ thuộc mạnh mẽ vào quan hệ kinh tế với Trung Quốc. Do vậy, các nước châu Âu đang buộc phải đấu tranh để cân bằng giữa mong muốn tham gia hợp tác về thương mại và đầu tư với Bắc Kinh, cùng lúc đó là đẩy lùi các tuyên bố về sự ràng buộc kinh tế theo lo ngại của Washington.

https://cand.com.vn/the-gioi-24h/rui-ro-ma-chau-au-dang-phai-doi-mat-i693495/

Khổng Hà / Công an nhân dân