- Ứng cử viên Tổng thống Pháp Le Pen bị tố biển thủ công quỹ
- Lộ diện nữ ứng viên sáng giá tranh cử ghế Tổng thống Pháp
Một chiến thắng cho bà Le Pen, người theo đuổi tư tưởng bài châu Âu trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp có thể sẽ mang tới cơn ác mộng cho EU.
“Tôi hy vọng rằng chúng ta sẽ không đưa bà Le Pen lên làm Tổng thống Pháp. Chiến thắng của bà ấy không chỉ đồng nghĩa với việc tách Pháp khỏi các giá trị cốt lõi của Liên minh châu Âu (EU), mà nó sẽ thay đổi hoàn toàn hướng đi của khối”, Ngoại trưởng Luxembourg Jean Asselborn cho biết tuần trước.
Nỗi lo này của ông Asselborn cũng là mối quan ngại chung của nhiều chính trị gia ở châu Âu hiện tại.
Trong suốt quá trình tranh cử cho tới nay, bà Le Pen - lãnh đạo đảng cực hữu cho thấy rõ quan điểm đối lập với Liên minh châu Âu trong một số chính sách như nhập cư và đối ngoại.
Ngày 14/4 vừa qua, ứng cử viên tổng thống Pháp thuộc đảng cực hữu Tập hợp quốc gia (RN), bà Marine Le Pen, đã có buổi gặp gỡ cử tri tại thành phố Avignon, nơi đa số cử tri lại bỏ phiếu cho đảng đối lập cực tả trong vòng đầu tiên.
Theo Washington Post, mục tiêu của buổi gặp gỡ này, bà Le Pen muốn thể hiện mình là một chính trị gia ôn hòa hơn và có sức hấp dẫn hơn trước các cử tri.
Bà không đưa ra bất cứ cam kết hợp tác quốc tế nào về kinh tế thương mại hay cắt giảm khí thải. Điều này trái ngược với đối thủ của bà là đương kim Tống thống Pháp Emmanuel Macron, người khá tích cực trong các vấn đề quốc tế.
Ứng viên Tổng thống Pháp Marine Le Pen. (Ảnh: Reuters)
Nhà lãnh đạo cực hữu gần đây chỉ trích việc cắt giảm nhập khẩu năng lượng từ Nga. Bà cho rằng quyết định này chỉ làm tăng chi phí sinh hoạt cho các hộ gia đình Pháp.
“Tất cả biện pháp trừng phạt này trên thực tế đều ảnh hưởng đến các doanh nghiệp và cá nhân của chúng ta”, bà Le Pen khẳng định.
Nữ chính trị gia này cũng từng phản đối các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga sau khi Moskva sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014.
Trước khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine, bà Le Pen đề xuất châu Âu thành lập một liên minh với Nga về an ninh. Sau khi Nga đưa quân sang nước láng giềng, bà tránh đưa ra các ngôn từ gay gắt nhằm vào Moskva, đồng thời khẳng định vẫn có thể hợp tác với Nga trong một số lĩnh vực như chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan.
Các chuyên gia cho rằng trong bối cảnh phương Tây đang xây dựng mặt trận thống nhất để đối phó với nước Nga, liên minh này có nguy cơ tan vỡ nếu bà Le Pen - người theo đuổi tư tưởng bài châu Âu trở thành Tổng thống Pháp.
Pháp là cường quốc quân sự đáng kể duy nhất trong EU, giữ ghế thường trực duy nhất của liên minh trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và là thành viên EU duy nhất là một cường quốc hạt nhân. Nếu Pháp rút khỏi nỗ lực trừng phạt Nga, đó sẽ là đòn giáng mạnh vào phương Tây.
Châu Âu đang theo dõi sát sao cuộc bầu cử tại Pháp bởi một chiến thắng giành cho bà Le Pen có thể sẽ kéo theo những bất ổn trong chính sách kinh tế, đối ngoại và quốc phòng của toàn bộ Liên minh châu Âu.
“Đối với EU, ông Macron vẫn là lựa chọn ưu tiên bởi chiến thắng của ông ấy sẽ giúp đảm bảo tính liên tục của các lập trường ủng hộ châu Âu. Trong khi đó, bà Le Pen không hề che giấu quan điểm hoài nghi về các nghĩa vụ và cam kết của Pháp trong EU. Vì vậy, chiến thắng cho bà Le Pen sẽ là vấn đề chính trị rất lớn đối với châu Âu”, chuyên gia Eric Maurice thuộc Quỹ Robert Schuman (Đức) đánh giá.
Reuters nhận định nếu bà Le Pen chiến thắng, đó sẽ là một cú sốc với các thể chế hiện hành, tương tự như khi ông Donald Trump bước vào Nhà Trắng năm 2017 hay khi Anh bỏ phiếu rời Liên minh châu Âu (EU). Nếu kịch bản này xảy ra, Pháp từ chỗ là lực đẩy cho sự hội nhập của Liên minh châu Âu sẽ được dẫn dắt bởi một nhà lãnh đạo hoài nghi châu Âu và cả NATO.
Tương tự như cuộc chạy đua vào ghế tổng thống năm 2017, bà Le Pen vẫn đặt các vấn đề như "ngăn chặn làn sóng nhập cư tràn lan" hay "xóa bỏ các hệ tư tưởng Hồi giáo" làm ưu tiên.
Le Pen khẳng định nếu đắc cử, mục tiêu của bà là thay đổi hệ thống chị trị Pháp từ bên trong, giảm mạnh lượng nhập cư vào Pháp...
Trong chiến dịch tranh cử tổng thống Pháp năm 2017, bà Le Pen cố gắng định vị mình như một Donald Trump của Pháp. Bà tuyên bố đại diện cho các tầng lớp lao động Pháp bị lãng quên, những người đã phải gánh chịu hậu quả của toàn cầu hóa và tiến bộ công nghệ.
Bà cũng có những lập trường theo lối chủ nghĩa dân tộc về kinh tế, cùng chủ nghĩa hoài nghi châu Âu, quan điểm riêng về người nhập cư và người Hồi giáo ở Pháp... đã làm mất lòng các cử tri nước này. Kết quả là, bà Le Pen đã thua trong cuộc đua trước Tổng thống đương nhiệm Emmanuel Macron.
Trái ngược lần bầu cử trước, năm nay, bà Marine Le Pen đã bước qua giới hạn của bản thân và thể hiện mình là một chính trị gia ôn hòa hơn, nhấn mạnh các vấn đề kinh tế và gợi ý rằng, bà muốn thay đổi hệ thống chính trị Pháp từ bên trong và không mong muốn thổi bùng những bất ổn.
Thay vì kêu gọi giảm mạnh lượng người nhập cư vào Pháp như 5 năm trước, giờ đây bà muốn tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về vấn đề này. Điều này giúp đề xuất của bà ít bị công kích hơn, trước làn sóng thách thức pháp lý.
Bà Le Pen cũng ngừng nói về việc từ bỏ đồng Euro hoặc đưa Pháp rời khỏi Liên minh châu Âu (EU). Nhưng vị ứng cử viên cánh hữu vẫn muốn chấm dứt sự ưu việt của EU. Chẳng hạn như luật ưu tiên về việc làm đối với các công dân Pháp, mặc cho yêu cầu của liên minh rằng, tất cả công dân EU phải được đối xử bình đẳng.
Bà cũng tập trung vào những chủ đề truyền thống của cánh tả như cải cách dịch vụ công, bảo vệ đội ngũ giáo viên và nhất là tăng cường sức mua.
Lãnh đạo đảng Mặt trận Quốc gia (FN) lưu ý, nếu trúng cử, bà sẽ bỏ thuế giá trị gia tăng đối với 100 mặt hàng thực phẩm cơ bản. Bà đồng thời ủng hộ ý tưởng của ứng cử viên cực tả Jean-Luc Melenchon về thiết lập giá đối với các hàng hoá và nhu yếu phẩm thiết yếu, mở rộng quyền dân chủ và thực thi quyền lực thông qua các cuộc trưng cầu dân ý.
Bà Le Pen phát biểu tranh cử ở thị trấn Stiring-Wendel. (Ảnh: New York Times)
Trong cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình TF1, cựu Tổng thống Pháp cánh tả Francois Hollande cảnh báo Pháp có thể sẽ trải phải qua những thay đổi lớn nếu bà Le Pen đắc cử.
Ông Hollande chỉ ra một số vấn đề trong kế hoạch tranh cử của nữ chính trị gia 53 tuổi bao gồm việc sửa đổi 1/4 nội dung của Hiến pháp Pháp hiện nay, tư cách thành viên EU của Pháp hay việc Pháp có thể rời NATO để thúc đẩy quan hệ với Nga.
"Điều quan trọng và cốt yếu nhất trong một cuộc bầu cử vẫn là nước Pháp, là sự đoàn kết, là tương lai châu Âu, là sự độc lập của nước Pháp. Vì những lý do này, tôi kêu gọi người Pháp hiểu được tình hình để đi bầu cho ông Emmanuel Macron", ông Hollande nói, kêu gọi cử tri bầu cho ông Macron để tránh những hệ luỵ đối với nước Pháp.
Trong khi đó, tại buổi mít tinh vận động tranh cử lớn đầu tiên tại thành phố Avignon ở miền Nam nước Pháp hồi đầu tháng 4, bà Le Pen khẳng định nhiệm kỳ của ông Macron đã để lại một nước Pháp bị chia rẽ, người dân không được coi trọng và bị bỏ rơi.
“Ngày 24/4 tới, nếu người Pháp ngăn chặn ông Emmanuel Macron tái cử, thì cũng có nghĩa là ngăn chặn sự đổ vỡ của sức mua, ngăn chặn đà tăng thuế, ngăn chặn kế hoạch nâng độ tuổi về hưu lên 64 hay 65, ngăn chặn sự dễ dãi của tư pháp và ngăn chặn vấn đề nhập cư đang đe doạ sự cân bằng của hệ thống xã hội”, bà cho hay.
Các nhà phân tích nhận định, ông Emmanuel Macron và bà Marine Le Pen đang theo đuổi hai chương trình tranh cử hoàn toàn đối lập nhau.
Tại cuộc gặp gỡ cử tri ở thành phố Avignon, ngày 14/4, bà Le Pen đã hứa với các cử tri rằng, Pháp sẽ trở thành một “cường quốc hòa bình” toàn cầu. Đồng thời, nếu trở thành Tổng thống Pháp, ứng viên cực hữu này sẽ kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc mở rộng số lượng thành viên thường trực, bao gồm Ấn Độ và một nước châu Phi.
Đây khó có thể là bài phát biểu mà người ta mong đợi từ một trong những nhà lãnh đạo cực hữu nổi tiếng nhất ở châu Âu. Tuy nhiên, về mặt chiến lược, động thái của bà Le Pen được coi là cần thiết để thu hút đáng kể lượng người ủng hộ.
Các cuộc thăm dò dư luận mới nhất tại Pháp trong ngày 16/4 cho thấy, ông Emmanuel Macron vẫn được dự đoán sẽ chiến thắng vòng 2 cuộc bầu cử với 55% phiếu bầu, so với 45% của bà Le Pen.
Tuy nhiên, tỷ lệ ủng hộ bà Le Pen hiện tại đã tăng mạnh so với vòng 1 và cả hai vẫn còn một cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình được xem là mang tính quyết định vào ngày 20/4 tới.
Ưu thế rõ ràng đang nghiên về ông Macron nhưng kịch bản bà Le Pen chiến thắng hoàn toàn có thể xảy ra.