Chỉ có hơn 46% đại biểu đồng ý cấm bán rượu, bia từ 22h đến 8h sáng hôm sau, không đạt quá bán để đưa nội dung này vào Luật.
Chiều 3/6, Uỷ ban thường vụ Quốc hội xin ý kiến đại biểu với 3 nội dung còn ý kiến khác nhau về dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Bao gồm quy định liên quan đến việc uống rượu, bia của người điều khiển phương tiện giao thông; quy định hạn chế thời gian bán rượu, bia để tiêu dùng tại chỗ; khung thời gian không được quảng cáo rượu, bia trên báo nói, báo hình. Mỗi nội dung được thiết kế hai phương án để đại biểu lựa chọn.
Các đại biểu tại hội trường Diên Hồng. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội |
Với nội dung về thời gian bán rượu, bia, phương án "bổ sung quy định thời gian cấm bán rượu, bia để tiêu dùng tại chỗ từ 22h đến 8h sáng hôm sau" có 224 đại biểu đồng ý (46,28%), còn phương án "không quy định về việc hạn chế thời gian bán rượu, bia để tiêu dùng tại chỗ" có 214 đại biểu nhất trí (44,21%).
Như vậy, cả hai phương án trên đều không nhận được quá 50% số phiếu đồng ý, nên không được quy định vào dự Luật.
Quy định liên quan đến việc uống rượu, bia của người điều khiển phương tiện giao thông (nêu tại khoản 8 điều 5) cũng không nhận được quá bán số phiếu đồng tình ở cả hai phương án.
Cụ thể, phương án một "cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc khí thở có nồng độ cồn" dù được lấy ý kiến tới hai lần (do lần đầu nhiều đại biểu không nghe rõ nội dung) cũng chỉ có 236 đại biểu đồng ý (48,76%) ở lần một và 214 đại biểu đồng ý (44,21%) ở lần biểu quyết thứ hai.
Phương án "cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc khí thở có nồng độ cồn vượt mức quy định của pháp luật về an toàn giao thông" cũng chỉ nhận được 240 phiếu đồng ý (49,59%).
Với kết quả trên, cả 2 phương án đều không được đưa vào dự thảo Luật.
Về khung thời gian không được quảng cáo rượu, bia trên báo nói, báo hình (nêu tại điểm c khoản 3 điều 12), đã có 351 đại biểu (72,52%) đồng ý quy định "không được quảng cáo rượu, bia trên báo nói, báo hình từ 18h đến 21h hằng ngày; ngay trước, trong và sau các chương trình dành cho trẻ em".
Trước đó, hai phương án để đại biểu lựa chọn khung thời gian là "từ 18h đến 21h" hoặc "19h đến 20h hằng ngày".
Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nói, với 3 nội dung xin ý kiến, "thực sự Quốc hội rất dân chủ, đã thảo luận, cân nhắc, thận trọng; chúng ta khẳng định không thế lực nào, nhóm nào có thể tác động được vào Quốc hội".
Dự thảo Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia trình Quốc hội lần đầu cuối năm 2018, qua hai lần thảo luận tại hội trường, dự kiến được các đại biểu bấm nút thông qua vào ngày 14/6. Tuy nhiên, vừa qua một số ý kiến đặt vấn đề dự Luật này đã bị tác động khiến nhiều quy định quan trọng bị đưa ra khỏi dự thảo, trong đó có quy định về thời gian cấm bán rượu, bia để tiêu dùng tại chỗ. |
Tranh luận về đề xuất cấm bán rượu, bia trên Internet
Phó chủ tịch Quốc hội đề nghị không cấm bán rượu trên Internet vì lạc hậu trong thời đại công nghiệp 4.0. |
Tranh cãi đề xuất chỉ bán rượu bia theo giờ: Ai giám sát, ai xử phạt?
Việc tuyên truyền để người dân biết được tác hại của rượu bia, sau đó tự điều chỉnh hành vi là cần thiết, còn việc ... |