Việc tuyên truyền để người dân biết được tác hại của rượu bia, sau đó tự điều chỉnh hành vi là cần thiết, còn việc Bộ Y tế đưa ra khung giờ cấm bán với mặt hàng rượu này xem ra sẽ rất khó khả thi.
Có cấm cũng không thể cấm được
Bộ Y tế đang lấy ý kiến về Dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia. Theo đó, Bộ đưa ra 3 phương án điều chỉnh khung giờ cấm bán rượu bia.
Phương án 1: Chỉ được bán rượu bia trong khoảng thời gian từ 11-14h và 17-22h hàng ngày, trừ trường hợp bán rượu, bia tại khu vực bay quốc tế và các khu vực, tuyến phố chuyên kinh doanh ẩm thực, giải trí, du lịch.
Phương án 2: Chỉ được bán rượu, bia trong khoảng thời gian từ 6-22h.
Phương án 3: Thời gian không được bán rượu, bia thực hiện theo lộ trình quy định của Chính phủ trong trường hợp cần thiết căn cứ yêu cầu thực tiễn của công tác phòng, chống tác hại rượu bia.
Theo quan điểm của Luật sư Bùi Đình Ứng (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội), việc xây dựng Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia là cần thiết.
Tuy nhiên, theo Luật sư Ứng, việc đưa ra quy định về khung giờ bán rượu bia là không khả thi, không thể tư duy theo kiểu không quản được thì cấm.
“Theo tôi các phương án mà Bộ Y tế đưa ra về việc bán rượu bia theo giờ đều không khả thi. Nếu cấm cũng chẳng thể cấm được. Cấm giờ này người kinh doanh sẽ bán giờ khác, người dân đi uống giờ khác, tác hại của nó vẫn không thay đổi.
Tôi lấy ví dụ, về mặt y khoa, nếu uống sau 10h đêm là có hại cho sức khỏe, nên Bộ Y tế đề xuất nên cấm bán rượu bia sau giờ này. Tuy nhiên, nếu để uống rượu bia vào ban ngày thì hệ quả còn lớn hơn. Có thể người dân sẽ đi uống trong giờ hành chính, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông, gây mất an ninh trật tự, ảnh hưởng đến giờ làm việc, chất lượng làm việc”- Luật sư Bùi Đình Ứng chia sẻ.
Cần đánh vào túi tiền người dân
Cũng theo Luật sư Bùi Đình Ứng, Bộ Y tế đã có sự lúng túng khi xây dựng Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia khi đưa ra các phương án bán rượu bia theo giờ. Bản thân rượu bia không hoàn toàn chỉ có tác hại, mà nó cũng có lợi ích về mặt sức khỏe nếu sử dụng có khoa học, không quá đà. Ngoài ra, mặt hàng này còn mang lại nhiều giá trị về mặt kinh tế.
“Mục đích của luật này nên hướng đến khuyến cáo người dân sử dụng khoa học, chứ không nên mang tính áp đặt, cấm bán giờ này hay giờ kia. Rồi khi đã cấm, ai sẽ là người đi giám sát, xử phạt, liệu có xảy ra vấn đề xin-cho để tránh bị phạt hay không?”- luật sư Ứng đặt câu hỏi.
Ông cho rằng, cách tốt nhất là nên tăng cường tuyên truyền, Bộ Y tế cần đưa ra khuyến cáo để người dân thấy tác hại của việc dùng quá nhiều rượu bia để tự điều chỉnh hành vi của mình.
Tiếp đó, cần đề xuất phương án đánh thuế thật cao với mặt hàng này, thay vì đưa ra quy định về bán theo giờ.
“Tôi nghĩ nên đánh vào túi tiền để người dân phải uống ít đi. Việc mua bia rượu ở Việt Nam hiện nay quá dễ dàng, giá lại rẻ. Nếu đánh thuế rượu bia cao, người dân xót tiền sẽ uống ít đi, mà Nhà nước cũng tăng nguồn thu từ tiền thuế”- Luật sư Bùi Đình Ứng kiến nghị.
Bộ Y tế đề xuất bán rượu bia theo 3 khung giờ nhất định
Trong dự thảo lần 2 luật Phòng chống tác hại của rượu bia vừa được công bố, Bộ Y tế đưa ra 3 phương án ... |
Bán bia rượu theo giờ và ai sẽ bị \'cấm nhậu\' khi lái xe?
Bộ Y tế đang bàn bạc để đề xuất các phương án bán rượu bia theo giờ nhất định và những đối tượng sẽ bị ... |