Quốc đảo Tonga đang kêu gọi “viện trợ khẩn cấp” về lương thực và nước sạch trong bối cảnh nước này đánh giá thiệt hại do vụ phun trào núi lửa Hunga-Tonga-Hunga-Ha’apai hôm 15/1.
Ngọn núi lửa âm ỉ hoạt động trong một thời gian dài, tuy nhiên, đã phun trào dữ dội hôm 15/1. Đây được coi là vụ phun trào mạnh nhất ảnh hưởng đến Tonga sau vụ núi lửa Pinatubo ở Philippines hoạt động năm 1991, gây ra sóng thần và phủ lên quốc đảo này một lớp khói bụi núi lửa.
Chủ tịch Quốc hội Tonga, Lord Fakafanua, cho biết trên mạng xã hội “thông tin liên lạc vẫn bị gián đoạn và hiện chưa rõ mức độ thiệt hại về tính mạng và tài sản”, đồng thời nói thêm rằng Tonga “đang rất cần hỗ trợ về nước uống và thực phẩm cho người dân”.
Trong khi đó, núi lửa Hunga-Tonga-Hunga-Ha’apa vẫn tiếp tục phun trào thêm một lần trong ngày 16/1, theo Trung tâm dự báo núi lửa Darwin của Australia. Ngoài ra, Trung tâm cảnh báo sóng thần Thái Bình Dương cho biết họ đã phát hiện một đợt sóng cao bất thường khác, được cho là do vụ nổ mới tại núi lửa nói trên.
Australia và New Zealand ngày 17/1 tiếp tục điều động các chuyến bay giám sát để đánh giá thiệt hại ở Tonga và cho biết họ đang phối hợp với Mỹ, Pháp và nhiều nước khác trong nỗ lực nhân đạo.
Bộ trưởng phụ trách khu vực Thái Bình Dương của Australia, Zed Seselja cho biết, các báo cáo ban đầu cho thấy không có thương vong lớn và sân bay tại Tonga “có vẻ trong tình trạng tương đối tốt”, tuy nhiên, có thiệt hại đáng kể về cầu đường.
Tổ chức Chữ thập đỏ quốc tế đã đề nghị hỗ trợ cho Tonga, trong khi đó, tổ chức “Diễn đàn các đảo Thái Bình Dương” cho biết sẵn sàng hỗ trợ quốc đảo này vượt qua “thảm họa thiên nhiên chỉ có một lần trong thiên niên kỷ”.
Ảnh hưởng của vụ phun trào hôm 15/1 được cảm nhận trên khắp Thái Bình Dương, ở các quốc đảo khác như Fiji, cũng như ở Bắc và Nam Mỹ. Một đám mây tro bụi khổng lồ hiện đang lan rộng hướng về Australia.
Tiến Dũng
Núi lửa Tonga phun trào, cảnh báo sóng thần ở Nhật Bản và Thái Bình Dương |
Núi lửa Indonesia phun trào, người mẹ vẫn ôm con dù bị dung nham vùi lấp |