Quan hệ Nga–NATO xuống mức nguy hiểm: Nguy cỡ nào?

Theo quan điểm của Tổng thư ký NATO thì quan hệ Nga – NATO giảm xuống mức nguy hiểm là do lỗi của Moscow, song giới phân tích cho là ngược lại...

Ngày 3/8, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg nhận định rằng quan hệ Nga -NATO đã có một sự suy giảm rõ rệt và hiện đang ở giai đoạn khó khăn nhất kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, theo CNN.

Ông Stoltenberg cho biết khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, NATO hy vọng xây dựng mối quan hệ đối tác gần gũi với Nga nhưng việc Moscow thực hiện tái sáp nhập bán đảo Crime vào lãnh thổ Nga và gây ảnh hưởng với cuộc khủng hoảng ở miền Đông Ukraine đã khiến quan hệ Nga – NATO xấu đi đáng kể.

Tổng thư ký NATO khẳng định lại cam kết của NATO là không làm gia tăng căng thẳng với Nga, việc Brussels theo đuổi cách tiếp cận răn đe quân sự song song đối thoại chính trị với Moscow chỉ là để tránh một cuộc Chiến tranh Lạnh mới.

quan he nga nato xuong muc nguy hiem nguy co nao
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg

Như vậy, theo quan điểm của người đứng đầu ban điều hành của NATO thì quan hệ Nga – NATO giảm xuống mức nguy hiểm như hiện nay dường như hoàn toàn do lỗi của Moscow. Tuy nhiên, giới phân tích thì nhìn nhận ngược lại. Tại sao vậy?

NATO đã không thay đổi chiến lược thù địch với nước Nga thời hậu Chiến tranh Lạnh

Theo giới phân tích, căn nguyên của mâu thuẫn giữa Nga và phương Tây bắt nguồn từ việc chủ nghĩa Mác xít được hiện thực hoá trong đời sống xã hội qua cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917, khi nguyên tắc tự do - dân chủ phương Tây lần đầu tiên được hiểu chỉnh một cách có hệ thống cả trong lý luận và thực tiễn.

Khi Thế chiến II kết thúc, ranh giới giữa Liên Xô và thế giới phương Tây đã chính thức được xác lập, để rồi ngày 4/4/1949 NATO ra đời với mục đích thiết lập một liên minh phòng thủ chung Mỹ - Châu Âu trước nguy cơ bị tấn công từ hướng đông.

6 năm sau ngày NATO hiện hữu, ngày 14/5/1955, Khối quân sự Warszawa ra đời do Liên Xô đứng đầu là nhằm chống lại khối NATO do Mỹ đứng đầu - cuộc Chiến tranh Lạnh đã chính thức được định dạng và ngày càng trở nên nguy hiểm.

Điều đó cho thấy nền tảng của Chiến tranh Lạnh là mâu thuẫn về ý thức hệ. Ngày 1/7/1991 khối Warszawa chính thức giải thể và đến ngày 25/12/1991 thì Liên Xô cũng tan rã - xung đột hệ tư tưởng không còn, Chiến tranh Lạnh cũng kết thúc, song NATO vẫn tồn tại.

Không những vậy, NATO còn tăng cường thực hiện "Kế hoạch Đông tiến" và kết quả là chỉ trong vòng 10 năm từ 1999 đến 2009 đã có 12 quốc gia thuộc khối Warszawa và Liên Xô cũ gia nhập NATO, nâng tổng số thành viên của liên minh quân sự này lên con số 28.

Đồng thời với quá trình “NATO đông tiến”, sức ép của liên minh quân sự này đối với nước Nga thời hậu Xô viết cũng được gia tăng khi NATO mang mối đe doạ ngày càng gần hơn tới biên giới nước Nga.

Để hoá giải mối nguy, Tổng thống Putin từng đề nghị với Tổng thống Mỹ Bill Clinton về việc Nga xin gia nhập NATO, một động thái được cho là Moscow đã chủ động chọn đối thoại thay vì đối đầu với Brussels. Song lời đề nghị của nhà lãnh đạo Nga đã không được đối phương xem trọng.

quan he nga nato xuong muc nguy hiem nguy co nao
NATO không thay đổi chiến lược sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc

Điều đó được giới phân tích nhận diện là lời cảnh báo cho nước Nga trước hiểm hoạ không thể hoá giải bằng các biện pháp phi vũ lực từ phía tây. Vì vậy, Tổng thống Putin đã chọn hồi phục sức mạnh Nga và đối trọng Nga – NATO đã hình thành.

Bình luận về xung đột ngày càng gia tăng giữa Nga và phương Tây, ông Paul Pillar, một cựu sĩ quan cao cấp của Cơ quan Trung ương Tình báo Mỹ (CIA), thành viên cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh, Đại học Georgetown nhận định rằng lỗi là do phương Tây, bởi cách đối xử với nước Nga sau khi Liên Xô tan rã.

"Phương Tây đã sai lầm trong quan hệ với Nga, không đối xử với Nga như một quốc gia bị khủng hoảng bởi Liên Xô sụp đổ. Thay vì phải chào đón nước Nga vào cộng đồng các quốc gia mới thì phương Tây lại coi Nga như nhà nước kế tục sự thù địch của Liên Xô, từ đó xem Nga vẫn là trọng tâm của sự mất lòng tin phương Tây".

Còn Cựu lãnh đạo Cơ quan Tình báo Hoàng gia Anh (MI6) và cũng là cựu Đại sứ Anh tại LHQ John Sawers, thì cho rằng phương Tây không quan tâm tới việc xây dựng quan hệ chiến lược đúng đắn với nước Nga thời hậu Xô viết, theo BBC.

"Nếu có một sự hiểu biết rõ ràng với Moscow về quy tắc của đường lối đối ngoại thì việc giải quyết các vấn đề Syria, Ukraine hay Triều Tiên sẽ rất dễ dàng. Tiếc là chúng ta không cố gắng để kết nối với Nga mà lại nhanh chóng áp dụng cách thức hành xử khiến cho sự việc trở nên phức tạp hơn”.

Rõ ràng. khi cuộc xung đột ý thức hệ không còn nhưng phương Tây lại không thay đổi trong quan hệ với nước Nga, ngược lại còn chủ động tạo ra những mâu thuẫn mới để đảm bảo cho NATO tồn tại, buộc Moscow phải có chiến lược đối phó.

Do vậy, việc Nga tái sáp nhập Crimea vào lãnh thổ nước Nga hay ảnh hưởng của Moscow đối với cuộc xung đột tại miền đông Ukraine không phải là nguyên nhân khiến quan hệ Nga - NATO căng thẳng, thực tế chứng minh đó chỉ là cái cớ để phương Tây gia tăng hành động thù địch với nước Nga mà thôi.

NATO liên tục tái hiện những di sản của Chiến tranh Lạnh

quan he nga nato xuong muc nguy hiem nguy co nao
Biểu tượng của Chiến tranh Lạnh đang được chính NATO tái hiện

Ngược dòng lịch sử. Do không thống nhất về xây dựng tiến trình dân chủ cho nước Đức thời hậu Thế chiến II, các nước đồng minh chiếm đóng nước Đức đã quyết định chia tách nước Đức thành hai quốc gia riêng biệt.

Ngày 23/5/1949 tại vùng lãnh thố Đức do Mỹ, Anh, Pháp cai quản, nhà nước Cộng hoà Liên bang Đức (Tây Đức) - thân phương Tây - đã được thành lập.

Đến ngày 7/10/1949 tại vùng lãnh thổ Đức do Liên Xô cai quản, nhà nước Cộng hoà Dân chủ Đức (Đông Đức) - thân Liên Xô - cũng đã ra đời. Từ đó, lịch sử nước Đức chính thức ghi nhận sự chia cắt một lần nữa.

Do ảnh hưởng bởi ý thức hệ đối lập, Đông Đức và Tây Đức luôn đối nghịch nhau. Thủ đô Berlin cũng bị chia làm hai và luôn là nơi thể hiện sự mâu thuẫn giữa hai quốc gia mới.

Để ngăn chặn người dân phía Đông Đức chạy sang phía Tây Đức, ngày 13/8/1961 chính quyền Cộng hoà Dân chủ Đức đã cho xây dựng một bức tường tách đôi thành phố Berlin - Bức tường Berlin được xem là biểu tượng của cuộc Chiến tranh Lạnh.

Vào những năm 1980, làn gió của Đổi mới và Công khai từ Liên Xô đã tạo ra nhiều thay đổi lớn trong đời sống chính trị tại đông Âu và Đông Đức cũng bị ảnh hưởng bởi làn gió ấy.

Trong bối cảnh đó, sự tồn tại của Bức tường Berlin đã trở thành rào cản cho một thế giới hoà nhập, vì vậy ngày 9/11/1989, Bức tường Berlin đã bị phá bỏ sau 28 tồn tại và cuộc Chiến tranh Lạnh cũng chấm dứt từ đây.

Những tưởng di sản của Chiến tranh Lạnh sẽ vĩnh viễn không thể được tái lập vì nó đe doạ nguyên tắc tự do - dân chủ, như lời nhận định của cố Tổng thống Mỹ John Keneny khi đến thăm Bức tường Berlin vào ngày 26/6/1963.

quan he nga nato xuong muc nguy hiem nguy co nao
Nga đạ buộc phải gia tăng sức mạnh để đối phó với NATO

Vậy nhưng chưa đầy 30 năm sau thì di sản ấy lại được chính những người lên án và phá bỏ nó tạo điều kiện tái hiện trở lại, phôi thai cho một cuộc Chiến tranh Lạnh mới giữa Nga và phương Tây.

Đó là việc các thành viên NATO tại vùng Baltic tiến hành xây dựng những tường rào ngăn cách trên biên giới với Nga.

Việc xây dựng tường rào ngăn cách Nga - Lavia đã được bắt đầu năm 2015 và tháng 3/2016, Riga đã nhận gần 2 triệu USD từ Brussels để xây dựng phần đầu tiên của tường rào, dài khoảng 24 km.

Ngày 5/6/2017, Cơ quan bảo vệ biên giới Litva cho biết nước này đã khởi công xây dựng tường rào trên biên giới với Nga và dự định hoàn tất 44,6km tường rào trong năm nay. Estonia cũng tuyên bố sẽ xây tường ngăn cách với nước Nga.

Như vậy, việc các nước vùng Baltic xây dựng tường rào ngăn cách với nước Nga không những được phương Tây đồng thuận mà họ còn ủng hộ tiền để xây dựng những mét tường rào ngăn cách đầu tiên ấy.

Theo giới phân tích, với tính chất của hàng rào được dựng lên tại vùng Batic, một hàng rào khác cũng đã chính thức thành hình, đó là hàng rào ý thức hệ - một cuộc Chiến tranh Lạnh mới đã phôi thai từ chính những hành động của NATO.

/ Ngọc Việt/baodatviet.vn