Quan Công trong Tam Quốc diễn nghĩa ‘mình cao 9 thước’, thực chất cao bao nhiêu?

Chiều cao 9 thước của Quan Vân Trường được mô tả trong "Tam Quốc diễn nghĩa" tương ứng với bao nhiêu cm theo đơn vị đo hiện đại là thắc mắc của không ít độc giả.

Trong tiểu thuyết kinh điển "Tam quốc diễn nghĩa" của La Quán Trung, ba anh em kết nghĩa vườn đào gồm Lưu Bị, Quan Vũ và Trương Phi là những nhân vật nổi tiếng nhất. Trong số đó, Quan Vũ (Quan Vân Trường, còn được gọi là Quan Công, Quan Nhị gia) được tôn kính đặc biệt bởi phẩm chất trung nghĩa. Ông được thờ phụng trong rất nhiều đền, miếu.

Quan Vân Trường là một trong những nhân vật nổi bật nhất của

Quan Vân Trường là một trong những nhân vật nổi bật nhất của "Tam Quốc diễn nghĩa".

Cuộc đời binh nghiệp của Quan Vũ bắt đầu sau khi cùng Lưu Bị và Trương Phi kết nghĩa huynh đệ ở vườn đào. Sự kiện "rượu ấm trảm Hoa Hùng" (phóng ngựa ra trận khi chén rượu mời được rót ra, lấy đầu tướng địch là Hoa Hùng quay về thì chén rượu vẫn còn ấm) khiến ông từ một kẻ vô danh tiểu tốt trong quân bỗng nổi tiếng chỉ trong một trận chiến.

Trận đại chiến giữa ba anh em và Lã Bố ở Hổ Lao Quan sau đó giúp danh tiếng của Quan Vũ tăng vọt. Trong thời kỳ tạm hàng Tào Tháo, Quan Vũ gây khiếp sợ với chiến tích trảm 2 danh tướng Nhan Lượng, Văn Sú; sau đó lại khiến ai nấy xanh mặt, lè lưỡi với truyền kỳ “qua 5 cửa ải, chém 6 tướng” lúc rời bỏ Tào Tháo để quay về với Lưu Bị...

Tóm lại, Quan Công không chỉ là biểu tượng của lòng trung nghĩa mà còn là biểu tượng của uy vũ, ai nhìn hay nghe thấy cũng đều kính sợ. Ngoại hình của ông được miêu tả trong tiểu thuyết cũng thể hiện điều này. Đó là vị tướng quân cao lớn, mặt đỏ râu dài, lông mày xếch, đôi mắt chim ưng.

Với ngoại hình đó, ông luôn nổi bật giữa đám đông, và càng thêm oai nghiêm khi cưỡi lên con ngựa Xích Thố mà Tào Tháo tặng. 

Vẻ ngoài của Vân Trường đã gây ấn tượng mạnh cho chính Lưu Bị trong lần gặp đầu tiên. La Quán Trung viết: "Huyền Đức nhìn xem thấy người ấy mình cao chín thước, râu dài hai thước, mặt đỏ như gấc, môi như tô son, mắt phượng mày tằm, oai phong lẫm liệt”.

Vậy 9 thước được nhắc đến trong các văn bản cổ đại cao tới mức nào?

Quan Vũ được mô tả là mặt đỏ, râu dài 2 thước, thân cao 9 thước.

Quan Vũ được mô tả là mặt đỏ, râu dài 2 thước, thân cao 9 thước.

Theo đơn vị đo của đầu thời Tây Hán, một thước bằng 23,1 cm; nhưng Quan Vũ sống vào cuối thời Đông Hán, hệ thống đo lường đã thay đổi. Do đó, việc giải mã bí ẩn về chiều cao của Quan Vũ rơi vào hỗn loạn. Tuy nhiên, một cuộc khai quật đã giúp làm sáng tỏ điều này.

Các nhà khảo cổ phát hiện ra một ngôi mộ cổ ở Lạc Dương, Hà Nam và tìm thấy trong đó một vật thể dài. Sau khi làm sạch và nhận dạng, người ta xác nhận đây chính là chiếc thước kẻ thời cổ đại.

Dựa trên mức độ tiêu hủy và ăn mòn, các chuyên gia xác định rằng vật thể này là của một vị vương gia thời Tam quốc. Sau khi đo đạc chính xác bằng các thiết bị hiện đại, họ đưa ra câu trả lời rằng một thước vào cuối thời Đông Hán chuyển đổi sang đơn vị ngày nay là 23,4 cm. Từ đó có thể suy ra rằng chiều cao của Quan Nhị gia (theo mô tả trong "Tam quốc diễn nghĩa") 210 cm, quả là chiều cao “uy nghiêm và bá đạo”.

Tất nhiên, đây chỉ là chiều cao được tác giả La Quán Trung mô tả trong tác phẩm hư cấu, mang tính ước lệ, chủ yếu để nhấn mạnh sẽ oai vũ của nhân vật được cho là đứng đầu Ngũ hổ tướng của nhà Thục Hán (gồm Quan Vũ, Trương Phi, Triệu Vân, Mã Siêu và Hoàng Trung). Còn thực tế Quan Công có cao lớn vượt trội hay không, chiều cao cụ thể là bao nhiêu…. thì e rằng chúng ta không bao giờ có được câu trả lời chính xác.

https://vtcnews.vn/quan-cong-trong-tam-quoc-dien-nghia-minh-cao-9-thuoc-thuc-chat-cao-bao-nhieu-ar939600.html

Nguyệt Ánh / VTC News