25 năm qua, anh Cương giữ thói quen ngồi trước cửa quán, nhìn mặt khách ra vào là biết họ đã ăn ngon hay không.
Quán ăn nằm trên đường Nguyễn Công Trứ, quận 1 cũng là nơi gia đình anh Cương sinh sống kể từ khi đến Sài Gòn, những năm 90 của thế kỷ trước. Theo anh Cương (sinh năm 1971), quán bún chả này hoạt động tròn 25 năm.
Mỗi suất bún chả tại địa chỉ này có giá 40.000 đồng. Ảnh: Di Vỹ. |
Bún chả là món ăn thân quen của người Hà Nội. Anh Cương kể, gia đình anh mang theo công thức chế biến món ăn từ Hàng Thiếc (Hà Nội) vào đất Sài Gòn. "Chúng tôi cố gắng giữ lại hương vị chuẩn để phục vụ thực khách chưa có dịp thưởng thức", anh Cương, chủ quán nói.
Thịt heo có nạc và mỡ đều nhau được tẩm ướp theo công thức gia truyền sau đó đem nướng. Trước đó, gia đình anh đi chợ sớm, mua nguyên liệu tươi về chuẩn bị để kịp mở cửa đón khách lúc 7h. Bún chả, thịt nướng ăn kèm với rau sống, nước mắm chua ngọt, đu đủ, cà rốt xắt miếng nhỏ, ngâm chua.
Thịt nướng lẫn chả để trong chén nhỏ chứ không dùng tô lớn như thường thấy ở Hà Nội. Bún sợi nhỏ, trắng nõn, đựng trong đĩa nhỏ. Rau sống được phục vụ kèm trong đĩa lớn.
Chả giò (hay nem rán) được bán với giá 25.000 đồng một suất. Ảnh: Di Vỹ. |
Sự thành công của món ăn không thể thiếu nước mắm. Các loại gia vị được nêm nếm liều lượng hợp lý cho ra vị đậm đà nên nhiều khách thử một lần đều ấn tượng.
Huy Dương, thực khách đến từ Hà Nội nhận xét, có lẽ vì đựng trong chén nên nước mắm ít hơn so với phiên bản gốc. "Vị nước mắm có vẻ hơi mặn so với khẩu vị của tôi, nhưng suất ăn đầy đặn và có giá hợp lý", Dương nói.
Quán nằm trên con đường ở trung tâm thành phố, có không gian khiêm tốn. Thực khách ngồi vào bàn sẽ có nhân viên, cũng là người thân trong gia đình anh Cương, đến chỗ để gọi món. Quán phục vụ chủ yếu bún chả, buổi sớm bán thêm bún thang, bún mọc.
Không gian quán hơi tối và nhỏ nhưng sạch sẽ, mở cửa từ 7h đến 16h mỗi ngày. Ảnh: Di Vỹ. |