Để quảng bá thương hiệu, Vũ còn làm một việc bạo gan. Khi Thủ tướng Võ Văn Kiệt lên Đắk Lắk công tác, Vũ dò bằng được nơi Thủ tướng ở. Và thế là anh ôm một gói cà phê chế biến sẵn mang nhãn hiệu Trung Nguyên đến biếu Thủ tướng.
Trở lại chuyện Vũ “Trung Nguyên”
Suốt mấy năm trời đi học, cứ đến kỳ nghỉ hè là Vũ lại đi học nghề chế biến cà phê. Từ 30 công thức rang, xay cà phê, Vũ dồn lại còn 11 công thức. Cũng trong quá trình đi học nghề, ngoài việc học cách chế biến của chủ, anh còn tự tìm ra cho mình những bí quyết riêng khi chế biến cà phê.
Ai cũng biết mỗi loại cà phê đều có những “phẩm chất” riêng biệt và ứng với mỗi loại thì phải có cách rang, cách trộn gia vị khác nhau. Thậm chí cà phê khi thu hái, nếu gặp thời tiết bất thường cũng sẽ thay đổi chất lượng. Còn các loại phụ gia để chế biến cà phê thì vô vàn, nào là nước mắm, mỡ gà, rượu, hàng chục vị thuốc bắc, nhiều loại thảo mộc, bơ, sữa... trong đó có những loại phải nhập từ chính hãng và với giá rất cao.
Người làm nghề đều hiểu không phải nước mắm nào cũng có thể vẩy vào cà phê; không phải loại mỡ gà nào cũng có thể đem ra rang cà phê được, mà mỗi loại hạt cà phê thì phải có những loại phụ gia riêng. Nhưng để hiểu biết được thấu đáo và sử dụng chúng linh hoạt, chính xác thì hoàn toàn không đơn giản.
Chủ tịch Tập đoàn Trung Nguyên - Đặng Lê Nguyên Vũ |
Đến năm 1996, anh quyết định cùng với ba người bạn thành lập công ty với cái tên “nghênh ngang”: Hãng cà phê Trung Nguyên. Khi nhìn cái biển “Hãng cà phê Trung Nguyên” trưng ở căn nhà hơn chục mét vuông, lợp mái tôn và trong đó có một lò rang, xay cà phê, người dân Buôn Ma Thuột đi qua đều cười mỉa mai, và họ cho rằng mấy gã thanh niên này không biết trời cao đất dày là gì.
Ngay trong buổi khai trương, Vũ đã tuyên bố, chúng ta phải làm trong 6 tháng bằng người ta làm 20 năm. Để khuếch trương thương hiệu, Vũ đã tìm đủ mọi cách thuyết phục những người bán hàng rong cho vẽ lên các xe đẩy, các tấm dù che nắng chữ: “Cà phê Trung Nguyên - Khởi nguồn cho mọi sáng tạo”.
Và quả thật cách làm này của anh có hiệu quả ngay. Khách mua cà phê chế biến sẵn của anh tăng lên từng ngày. Cà phê Trung Nguyên mau chóng trở thành thương hiệu có tiếng ở Đắk Lắk nhưng vẫn chỉ quanh quẩn ở Buôn Ma Thuột mà chưa “đi” xa được.
Để quảng bá thương hiệu, Vũ còn làm một việc bạo gan. Khi Thủ tướng Võ Văn Kiệt lên Đắk Lắk công tác, Vũ dò bằng được nơi Thủ tướng ở. Và thế là anh ôm một gói cà phê chế biến sẵn mang nhãn hiệu Trung Nguyên đến biếu Thủ tướng.
Cảnh vệ không cho vào, Vũ nằn nì cả giờ đồng hồ. Những quan chức khác đến làm việc với Thủ tướng, khi đi qua cứ thấy có một gã thanh niên đứng ôm túi cà phê Trung Nguyên nằng nặc xin được biếu Thủ tướng.
Rồi cuối cùng, có lẽ vì thương hại anh chàng “Trung Nguyên” này nên một cán bộ tùy tùng của Thủ tướng đã nhận lời chuyển gói quà của anh cho Thủ tướng.
Chẳng hiểu Thủ tướng có uống thử hay không nhưng từ sau lần ấy, cả Đắk Lắk đồn rằng, cà phê Trung Nguyên đã được biếu Thủ tướng và mọi người nhìn anh bằng ánh mắt khác hẳn.
Đến năm 1998, cà phê Trung Nguyên đã quá nổi tiếng ở Buôn Ma Thuột và Vũ quyết định mở rộng địa bàn xuống các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Người miền Tây thích uống cà phê nhưng không đòi hỏi cầu kỳ về chất lượng và là cái “thú”. Anh mở quán ở Long Xuyên, Cần Thơ, Rạch Giá... Khi thấy đã có đà, Vũ “xông vào” TP HCM.
Anh đặt mục tiêu với các cộng sự là đến năm 1999, cà phê Trung Nguyên phải đứng đầu TP HCM. Lúc này tiền bạc cũng đã rủng rỉnh, thương hiệu cũng đã có nên việc đầu tư vào các quán cà phê ở TP HCM không phải là khó khăn.
Việc đầu tiên khi xuống thành phố là Vũ đi mua một tấm bản đồ chi tiết của TP HCM rồi nghiên cứu kỹ từng con đường. Từ đó anh quyết định mở các quán cà phê mà từ quán này đến quán kia bố trí theo một hình tam giác.
Cái lý của anh là, người dân đi đường vừa thấy quán cà phê Trung Nguyên ở điểm A này, đi một đoạn nữa lại thấy có một quán ở điểm B, khi họ rẽ sang đường khác lại thấy có một quán ở điểm C... trong một khoảng thời gian ngắn mà họ thấy có đến 3 quán cà phê Trung Nguyên thì có ấn tượng là: “Cà phê Trung Nguyên có ở mọi nơi”.
Quả nhiên, với cách bố trí quán cà phê kiểu tam giác, cộng với hương vị đặc biệt của cà phê Trung Nguyên, đến năm 1999 thì cà phê Trung Nguyên đã không có đối thủ ở TP HCM, Vũ vươn ra các tỉnh miền Trung và phía Bắc. Trong những năm từ 2000 đến 2005, cà phê Trung Nguyên làm mưa làm gió ở Hà Nội và được giới trẻ đón nhận nồng nhiệt.
Những cuốn sách "đổi đời" |
Nhưng hai năm trở lại đây, cà phê Trung Nguyên không còn được “mặn nồng” như trước nữa, có lẽ vì Vũ đã tập trung cao độ cho việc chế biến cà phê xuất khẩu... Nhưng với 61 chi nhánh trên cả nước, cà phê Trung Nguyên vẫn được người tiêu dùng đón nhận nhiều nhất.
Năm 2007, tổng doanh thu về sản xuất, chế biến, xuất khẩu cà phê của Tập đoàn Trung Nguyên là gần 1.000 tỉ. Về chế biến cà phê hòa tan thì Trung Nguyên chưa bằng được Vinacafe, nhưng trong sản xuất cà phê chế biến thì Trung Nguyên vượt xa các công ty khác.
Tập đoàn Trung Nguyên hiện có 7 công ty thành viên, sản phẩm của Trung Nguyên được xuất khẩu đi 43 nước trên thế giới, riêng cà phê hòa tan G7 được xuất đi 20 nước và hiện nay đã đăng ký giao hàng cho đến hết tháng 6. Thu nhập bình quân của công nhân viên trong công ty đạt 4 triệu đồng/tháng.
Một nét đáng quý nữa ở Vũ là anh rất sẵn lòng tham gia vào các hoạt động xã hội từ thiện. Năm 2006, Tập đoàn Trung Nguyên đã chi 2,5 tỉ đồng cho việc xây dựng các trường học, xây nhà tình nghĩa, xây dựng thương hiệu Việt cho các doanh nghiệp khác; năm 2007 anh đã chi 3,5 tỉ đồng cho hoạt động xã hội... Đó quả là những con số có hồn.
Gặp được Vũ “Trung Nguyên” quả là khó bởi anh chạy như con thoi giữa TP HCM và các tỉnh Tây Nguyên, rồi lại còn đi các nước... Hình như với con người này, ngồi yên một chỗ là cực hình, cho nên không mấy khi thấy Vũ ở trụ sở.
(Còn tiếp)
Nguyễn Như Phong
Quái kiệt trên cao nguyên (kỳ 2)
Cũng giống như Đỗ Thành Trung ở Quảng Ninh, bước vào kinh doanh với hai bàn tay trắng, Đặng Lê Nguyên Vũ cũng đã có ... |
Quái kiệt trên cao nguyên
Tôi là người từng viết về con đường đưa hạt cà phê “lên một tầm cao mới” của Đặng Lê Nguyên Vũ qua phóng sự ... |
20 triệu tủ sách và hành trình xây dựng nền tảng tri thức Việt
Với mục tiêu trang bị 20 triệu tủ sách nền tảng đổi đời, Trung Nguyên Legend thể hiện nỗ lực tạo dựng nền tảng tri ... |